Ngoài ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, bằng cách giao quyền chủ động sản xuất và quyền hưởng lợi tối đa trên rừng trồng cho người dân được ví như "khoán 10" trong nghề rừng.
Sau 2 năm triển khai quy hoạch, đo đạc phân loại rừng, đến hết tháng 7 năm nay, Lào Cai đã hoàn thành việc rà soát, phân loại xong ba loại rừng: phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất với tổng diện tích 418.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, tăng thêm hơn 50.000 ha đất trồng rừng kinh tế.
Ngoài ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, bằng cách giao quyền chủ động sản xuất và quyền hưởng lợi tối đa trên rừng trồng cho người dân được ví như "khoán 10" trong nghề rừng. Theo đó, người dân được giao đất rừng sản xuất để trồng cây lâm nghiệp, được Nhà nước hỗ trợ tiền, kỹ thuật và được toàn quyền khai thác, sử dụng lâm sản, hưởng lợi từ diện tích rừng trồng đó. Ðây là cơ hội để người dân miền núi nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Chỉ thị 38 của Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, quy hoạch, cắm mốc ba loại rừng. Từ tỉnh đến huyện đã thành lập các tổ chuyên môn được trang bị máy trắc địa, máy in bản đồ mầu và nhiều thiết bị chuyên dụng khác để phục vụ công tác rà soát, đo đạc, quy hoạch ba loại rừng, bảo đảm rõ ràng, chính xác. Cụ thể, diện tích đất, rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 418 nghìn ha, giảm 1.107 ha so với trước; rừng đặc dụng là 46.000 ha; rừng phòng hộ là 170.208 ha, giảm 75.487 ha so với quy hoạch cũ. Riêng diện tích rừng sản xuất tăng lên 50.482 ha, đạt 201.980 ha, chiếm 48% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Ðây là điều mà các cấp chính quyền cơ sở và người dân vùng cao chờ đợi, vì trước đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở Lào Cai được xác định chưa đúng tiêu chí, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất. Chỉ thị 38 và Quyết định 100 của Chính phủ đã mở hướng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương miền núi trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, bằng cách giao quyền chủ động sản xuất và quyền hưởng lợi tối đa trên rừng trồng cho người dân.
Ông Tô Mạnh Tiến, Chi cục trưởng Lâm nghiệp cho biết: hiện Chi cục lâm nghiệp đang tập trung đẩy nhanh cắm mốc ranh giới thực địa theo phương thức "cuốn chiếu" để nhanh chóng giao đất cho người dân trồng rừng kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đến nay, Lào Cai đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, phương pháp xác định đường ranh giới, vị trí cắm mốc thực địa, bàn giao mốc giới cho 9 huyện, thành phố; ưu tiên cắm mốc sớm tại ba huyện nghèo là Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, để giao đất cho bà con trồng rừng vụ xuân 2010. Có 6 huyện, thành phố đã xác định xong vị trí cắm mốc thực địa; riêng hai huyện Sa Pa và Văn Bàn tiến độ chậm, đã xác định được ranh giới, nhưng chưa xác định được vị trí mốc ngoài thực địa. Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đã đúc hơn 500 mốc nguyên chiếc, đang khẩn trương chế tạo đủ số mốc cần thiết trong tháng 8 này./.
Lục Văn Toán-TTXVN