Ba năm, tinh giản 29.519 biên chế

Kết quả tổng hợp của Chính phủ cho thấy, số người thuộc diện tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 30-8-2017 là 29.519 người. Cụ thể, có 25.714 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi; 3.743 người hưởng chính sách thôi việc ngay; 27 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học; 35 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, 1.182 người thuộc các cơ quan Đảng, đoàn thể; 3.572 người thuộc các cơ quan hành chính; 19.814 người thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; 4.798 người thuộc diện cán bộ, công chức cấp xã; 153 người thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước.

Sau khi rà soát chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ phát hiện có 16 vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen; còn bỏ trống hai vấn đề; cần tăng cường phối hợp ở 4 vấn đề. Đầu năm 2016, quá trình xây dựng Đề án Cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ tiếp tục phát hiện ba vấn đề còn có sự giao thoa và 9 vấn đề cần có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Chính phủ đã và đang xử lý các vấn đề trên theo hướng mỗi việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính và các cơ quan khác chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện theo thẩm quyền.

Nhìn vào con số thống kê ở trên, có thể thấy, nỗ lực tinh giản biên chế của các cấp, các ngành bước đầu mang lại kết quả nhất định. Tổng số biên chế công chức vừa giảm về cơ học, vừa tăng về chất lượng. Việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ, các cấp, các ngành đã cho ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc, qua đó nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Sự thay đổi về thái độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ CB, CC, VC được dư luận đánh giá cao thời gian qua là một phần kết quả của nỗ lực tinh giản biên chế.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: TTXVN. 
Bộ máy còn cồng kềnh

 

Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng hoạt động cải cách bộ máy hành chính Nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước; chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân. Bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao; nhiều nơi, nhiều lúc còn tình trạng CB, CC, VC chưa sử dụng hết thời giờ làm việc để giải quyết việc công, làm việc theo kiểu ứng phó; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp...

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) phân tích, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể ràng buộc số cán bộ tính trên số biên chế, dẫn tới có nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, thậm chí có trường hợp có lãnh đạo nhưng không có nhân viên. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý, không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, tạo nên số lượng cán bộ “sáng xách ô đi, tối xách ô về”.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu thực trạng, theo chủ trương của Đảng và quy định của Chính phủ thì cơ bản không tổ chức phòng trong vụ. Tuy nhiên, chỉ có 2/22 bộ không tổ chức phòng trong vụ. Hiện nay, vẫn còn 861 phòng trong vụ, bình quân mỗi vụ có 4 phòng. “Nhiều trường hợp cấp phòng trong vụ gây khó khăn khi phối hợp công tác, đồng thời làm cho đơn vị có quá nhiều tầng nấc trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả công việc. Việc thành lập phòng trong vụ cũng góp phần gây nên tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức”, đại biểu nói.

Làm sao để cải cách bộ máy?

Để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp được cử tri, nhân dân đánh giá rất cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) kiến nghị, thiết kế lại tổ chức bộ máy, chuyển đổi tổ chức và phương thức vận hành đúng nguyên tắc, quy định, quy trình và thực hiện xã hội hóa với đơn vị sự nghiệp. Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ công chức. Có lộ trình hợp nhất các xã, huyện, tỉnh không đạt quy mô dân số, diện tích; hợp nhất một số bộ, ngành ở Trung ương có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị, xây dựng quy chế về đạo đức công vụ, công chức, làm cơ sở giám sát, đánh giá công chức; xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) nêu quan điểm, nên quy định “mềm” số lượng cơ quan, tổ chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc để tạo sự chủ động cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tinh gọn, hợp lý, hiệu quả. Biên chế hành chính cấp tỉnh nên thực hiện theo tiêu chí về dân số, diện tích, đặc điểm về vị trí địa lý, đô thị, nông thôn và hải đảo.

Cho rằng việc đánh giá, phân loại CB, CC, VC hiện nay chưa có tiêu chí định lượng công việc, đại biểu Dương Xuân Hòa (Đoàn Lạng Sơn) đề xuất bổ sung tiêu chí này. Theo đó, mỗi CC, VC phải có bản mô tả kết quả đầu ra công việc theo từng vị trí, tổng hợp chính xác từng tuần, tháng, quý, năm. “Có CC, VC báo cáo tuần làm việc, tháng làm việc rất vất vả, nhưng khi yêu cầu mô tả kết quả công việc của tuần đó, tháng đó thì không thể mô tả cụ thể được công việc”, đại biểu nói.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) nêu ý kiến, việc ấn định tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp từ năm 2015 đến 2021 sẽ rất khó thực hiện cho địa phương. Đại biểu chứng minh, ở Phú Thọ, cứ 4 cháu ở độ tuổi dưới ba tuổi thì có ba cháu không được đến nhà trẻ, nhóm trẻ học ở các trường tiểu học thì phải ngồi trong lớp có hơn 50 học sinh, thậm chí là hơn 55 học sinh. Vì vậy, đại biểu lưu ý cần nghiên cứu tỷ lệ tinh giản, đối tượng tinh giản cho phù hợp.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng ta. Vấn đề này được nêu ra như một yêu cầu quan trọng, cấp bách trong nhiều kỳ Đại hội Đảng gần đây. Các cấp, các ngành cũng đã có nhiều nỗ lực thể chế hóa và thực hiện chủ trương này của Đảng. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn do vẫn còn tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết, hoặc vẫn còn tình trạng co kéo biên chế vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân; việc bố trí CB, CC, VC không hợp lý dẫn tới có nơi CC làm không hết việc, có nơi CC có rất ít việc để làm. Chính vì vậy, bộ máy hành chính Nhà nước vẫn cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Nhiều giải pháp đại biểu Quốc hội nêu ra rất đáng được lưu tâm, nếu thực hiện đúng, nghiêm túc những giải pháp ấy, có lẽ việc tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Cử tri và nhân dân trông chờ vào hiệu quả thực hiện “hậu giám sát”, để bộ máy hành chính Nhà nước thực sự hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên kết nối không gian mạng xuyên biên giới, bùng nổ tự động hóa mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực như hiện nay.

CHIẾN THẮNG