QĐND Online – Đó là chủ đề của buổi Hội thảo “Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu: doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì?” do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ đa biên giai đoạn III (Mutrap III) tổ chức sáng 28-7 tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và nước ngoài; các chuyên viên của Dự án Mutrap III, Cục Quản lý cạnh tranh; các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đội ngũ doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, trường đại học…trong cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định rằng, việc nhập khẩu hàng hóa là cần thiết để thực hiện công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khi hàng nhập về một cách mạnh mẽ sẽ tác động đến sản xuất trong nước, gây sức ép cạnh tranh trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và tổng thể quốc gia. Trong khi đó, sự hiểu biết của các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại, phương pháp và kỹ năng cần thiết để sử dụng các công cụ này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hàng hóa nhập khẩu còn nhiều hạn chế.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình trên thị trường nội địa, trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp, hiệp hội và đơn vị có liên quan sẽ nắm được đầy đủ thông tin về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành mình. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có định hướng và giải pháp thích hợp để đối phó với hàng hóa nhập khẩu, duy trì và bảo vệ sản xuất trong nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã phổ biến những kinh nghiệm quốc tế về việc triển khai, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài để yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành khởi xướng điều tra. Bên cạnh đó, đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã giới thiệu về các quy định pháp luật và hệ thống tổ chức của cơ quan điều tra trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của Việt Nam. Qua đó, trực tiếp hướng dẫn các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Hội thảo lần này chính là cơ hội để các doanh nghiệp đã sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trao đổi và phổ biến kinh nghiệm của mình tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là dịp để các đại diện đến từ hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam trình bày về những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Qua đó, đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại phù hợp, như: chống phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ… để bảo vệ sản xuất của ngành, doanh nghiệp mình.

Tin, ảnh: Nguyễn Oanh