 |
Chính Nghĩa năm 17 tuổi. |
Sẽ chẳng là quá lời khi gọi gia đình chị Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) quê ở xã Nhuận Đức (Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) là “gia đình biệt động”. Nhà chị có 8 anh chị em ruột thì hy sinh 3, còn lại 5 người đều là thương binh. Bản thân chị cùng 2 liệt sĩ (một người anh trai và một người chị gái) là thành viên của đội biệt động 5 (thuộc khối vũ trang biệt động quân khu Sài Gòn-Gia Định trong những năm 60 của thế kỷ trước). Mẹ chị-Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Đăng (đã mất) cũng tham gia biệt động. Chồng chị-anh Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) là đội trưởng đội biệt động 5.
1. Mới 16 tuổi, Chính Nghĩa được cấp trên tin tưởng giới thiệu vào đơn vị biệt động, chị sung sướng vì đã được đứng trong hàng ngũ của đội quân “xuất quỷ nhập thần” như trong trí tưởng tượng. Ban đầu chỉ được giao các nhiệm vụ lặt vặt như làm giao liên, đưa tin tức, mang thuốc nổ, kíp, dây cháy chậm… Vì thế chị rất mong có ngày được cấp trên cho trực tiếp “đánh lớn” mới trọn vẹn mơ ước. Biết được suy nghĩ này, Chỉ huy động viên chị, làm bất cứ công việc nào có lợi cho cách mạng cũng chính là góp phần vào cuộc “đánh lớn” và không có việc nào là “lặt vặt” cả…
Bây giờ mỗi lần qua cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), chị lại nói với cô con gái rằng, chiếc cầu này có rất nhiều kỷ niệm với mẹ. Có lần, xách giỏ vũ khí phía trên được ngụy trang bằng dưa, cà, mắm muối mang từ một ấp thuộc huyện Củ Chi về Tân Định phải đi qua cầu Kiệu, đến ngã tư Phú Nhuận thì trời mưa lâm râm, chị gặp ngay tên cảnh sát vừa đổi ca gác ở ngay đầu cầu Kiệu. Hắn hỏi chị đi đâu về mà xách nhiều đồ thế. Sợ bị phát hiện, chị đành giả bộ nói chuyện thật tình cảm, rồi hắn choàng áo mưa qua vai chị và đòi xách giùm giỏ. Chính Nghĩa hoảng hốt nhưng vội trấn tĩnh lại, nếu không cho hắn xách giùm sẽ khiến hắn nghi ngờ và kiểm tra nên chị vui vẻ cười và đưa giỏ xách cho hắn. Hắn hỏi mang gì mà nặng thế? Chị vội trả lời, về quê mỗi người cho một ít quà, không lấy thì ai cũng giận, mà lấy của người này thì phải lấy của người kia. Rồi hắn đòi đưa chị về tận nhà. Sợ bị lộ, chị tìm cách từ chối khéo bằng cách cho hắn số nhà (giả) và nói chị có hai người anh trai đang học sĩ quan trên Đà Lạt, nên mời hắn chủ nhật lại nhà chơi với hai anh về nghỉ… Cắt “đuôi” xong, chị vội vàng đi vào các ngõ ngách trong hẻm phố để tránh sự theo dõi nếu hắn cố ý đeo bám. Về đến “cơ sở”, Chính Nghĩa mới òa khóc vì mừng…
 |
Vợ chồng biệt động trong cuộc hành quân “Tiếp lửa truyền thống - Vang mãi khúc quân hành” của báo Quân đội nhân dân. |
Chị nhớ lại trận chiến ác liệt mà hai đêm một ngày đội 5 với 15 thành viên (mỗi chị là con gái) đã đánh vào dinh Độc Lập (Tết Mậu Thân năm 1968). Cuối năm 1967, chị cùng anh em toàn đội về chiến khu để học sa bàn trận đánh vào quận 5. Vậy mà trước giờ “xuất kích” (12 giờ đêm ngày mồng một Tết Mậu Thân), đội 5 nhận được lệnh đánh vào dinh Độc Lập chứ không phải quận 5. Rất ngạc nhiên nhưng ai cũng phấn khởi vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đánh vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn. Một giờ sáng mồng hai Tết Mậu Thân, vào trận. 15 người xuất kích trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe hon-đa từ phía Bàn Cờ sang và phía Hòa Hưng xuống gặp nhau tại đường Nguyễn Du (hiện nay) để tấn công dinh Độc Lập. Nhưng, oái oăm thay, do dây cháy chậm để dưới hầm lâu ngày bị ẩm, không cháy được nên khi xe tải lao vào cổng, khối thuốc nổ vẫn… nằm im. Không phá được cổng, mọi người trên các xe đều nhảy xuống để chiến đấu…
Hai bên vẫn đang bắn chống trả nhau quyết liệt. Bỗng có ánh đèn pha ô tô từ xa, mọi người mừng rỡ. Anh Tô Hoài Thanh (tức Ba Thanh là chỉ huy trưởng trận đánh) nghi ngờ chắc không phải quân tiếp viện của ta vì không thấy có tín hiệu “chớp chớp ba lần một”. “Bắn!” và anh gục xuống. Chị vội kêu lên: “Anh Ba bị thương rồi!” và nghe “bịch” một cái, máu chảy thấm áo, Chính Nghĩa mới biết mình đã bị thương. Chị vội xé áo băng bó vết thương cho anh Ba mà không để ý gì đến vết thương của mình. Đúng lúc đó có xe của địch tới gần, Ba Thanh ráng hết sức hô đồng đội lấy súng B40 diệt xe địch. Rồi anh từ từ ngã xuống.
Cầm cự chiến đấu sau hai đêm một ngày, toàn đội đã hy sinh 7, còn lại 8 người đều bị thương. Do đói, khát và bị thương mất nhiều máu nên ai cũng yếu. Nhưng nhớ đến lời trăng trối cuối cùng của người chỉ huy trưởng Ba Thanh dũng cảm, tài ba, ai cũng ráng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, không chịu đầu hàng địch…
Đến sáng mồng 3 Tết Mậu Thân, bọn địch đã lùng sục khắp nơi, lần theo vết máu đến chỗ mọi người đang ẩn nấp để bắt. Một trái lựu đạn cuối cùng được anh Trương Văn Rồi (chính trị viên đội 5) ném ra liều chết cùng với địch, nhưng tiếc thay, lựu đạn… xịt, không nổ. Bọn địch xông vào. Không còn đạn, Chính Nghĩa nhanh trí dùng gậy phang cho thằng lính một phát. Chúng xúm vào trói tất cả mọi người, đánh đập dã man...
 |
Vợ chồng Bảy Bê-Chính Nghĩa (thứ hai và thứ ba hàng đầu, từ trái sang). |
Cả 8 người đều bị đưa về quận Nhì (cũ), giải đến Nha cảnh sát đô thành rồi bị đưa về Tổng Nha cảnh sát. Vết thương của Chính Nghĩa bị nhiễm trùng nên được đưa vào Chợ Quán để cứu chữa. Sau đó, chị bị giải về Tổng Nha cảnh sát để chúng điều tra. Tháng 7-1968, chúng giải chị về nhà lao Thủ Đức. Tháng 8-1968, chị bị tòa án quân sự (đường Bạch Đằng cũ) xét xử tuyên án chung thân khổ sai. Rồi chúng giam cầm chị ở Tân Hiệp (Biên Hòa). Năm 1972, chị bị đày ra Côn Đảo. 7 đồng chí của chị bị chúng đưa vào khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo. Tòa án lưu động ra tận nơi để xét xử các anh. Dù bị tra tấn dã man chết đi sống lại nhiều lần trong lao tù, nhưng kẻ thù cũng không thể nào khuất phục được những chiến sĩ biệt động thành gan dạ, kiên cường ấy. Đến tháng 3-1974, sau ký kết hiệp định Pa-ri, chị và các anh mới được trao trả về Lộc Ninh…
Mặc dù kế hoạch bất thành, nhưng chỉ với 15 người, đội 5 đặc công biệt động thành năm ấy đã tấn công dinh Độc Lập-một dinh thủ kiên cố có đông đảo lực lượng bảo vệ và đã tiêu diệt hàng trăm tên lính Mỹ, ngụy. Sau trận chiến ác liệt ấy, đội 5 biệt động thành đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1967) với 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng, Mưu trí vô song, Dũng cảm tuyệt vời, Trung kiên bất khuất”. Đến năm 1976, với nhiều chiến công trong kháng chiến, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định vinh dự được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, trong đó có đội 5 biệt động.
Sau khi ra tù, do viết thương hành hạ, một số anh đã ra đi sớm. Cả đội 5 biệt động hiện nay chỉ còn có Chính Nghĩa và 4 người nữa. Đó là các anh Nguyễn Văn Đực, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Văn Luân (tức Luyện) đang sống ở nội thành và Phan Văn Hôn sống ở huyện Củ Chi. Tất cả các anh đều là thương binh nặng.
2. Thời thanh niên, nhiều chàng trai quan tâm, nhưng Chính Nghĩa chưa nghĩ đến chuyện riêng tư. Chỉ khi được vào đội 5 biệt động, do thường xuyên được bố trí đi làm nhiệm vụ cùng với đồng chí Bảy Bê nên tình cảm giữa hai người dần dần lớn lên ngoài tình đồng chí. Hai người luôn cùng sát cánh bên nhau trong mọi chuyến công tác, họ hiểu nhau qua từng cử chỉ, lời nói cả trong sinh hoạt hàng ngày lẫn trong những lần đi công tác. Nhiều lần họ phải làm “bình phong” để qua mắt địch, phải giả bộ thân mật như đôi tình nhân, như cặp vợ chồng trẻ để tránh sự nghi ngờ của địch mới có thể hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Có lần, hai người đi đò ra đến giữa sông thì máy bay địch quần sát trên đầu. Người chèo đò sợ quá, bỏ lái, lao xuống sông, Bảy Bê nắm lấy, chèo đò vào đến bờ an toàn. Khi lên bờ Bảy Bê dặn chị, nếu có chuyện gì chị cứ chạy về hướng có du kích, còn để anh bắn dọn đường… Với sự quan tâm chu đáo, sự đồng cảm khó khăn gian khổ trong những lần đi công tác cùng, hình ảnh Bảy Bê đã chiếm ngự trong trái tim người thiếu nữ Củ Chi ấy. Chẳng ai nói với ai câu gì nhưng rồi tình yêu giữa hai người đã đâm chồi, nảy lộc. Cuối tháng 10-1965, hai người đã báo cáo tổ chức và thưa chuyện với má để chính thức xây tổ ấm…
Nhưng giữa năm 1966, Bảy Bê bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Đầu năm 1968, Chính Nghĩa cũng bị địch bắt trong trận đánh vào dinh Độc Lập và cũng bị đày ra Côn Đảo. Hai người mất liên lạc nhau từ đó cho đến khi ra tù (Bảy Bê được ra tù năm 1973, Chính Nghĩa được trao trả tù binh năm 1974) vẫn không gặp được nhau. Lúc ở Côn Đảo, Bảy Bê có nghe một số nữ tử tù hy sinh, nhưng không biết là ai, có người vợ của mình hay không. Khi được ra tù, Bảy Bê đã tìm về hỏi thăm anh trai của Chính Nghĩa nhưng cũng không biết…
3. Sau giải phóng, từ Lộc Ninh, Chính Nghĩa được chuyển về Đoàn 22 (Quân báo miền), còn Bảy Bê vẫn về đội 5 biệt động. Hai người ở hai đơn vị khác nhau, lần hồi mãi cuối cùng họ cũng đã tìm thấy nhau. Chật vật mãi, đến năm 1980 Chính Nghĩa mới chính thức được làm mẹ. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng tiếng bi bô của cậu con trai luôn làm ấm lòng đôi vợ chồng biệt động ấy. Mấy năm sau, có thêm một cô con gái xinh xắn ra đời, Bảy Bê và Chính Nghĩa vô cùng hạnh phúc.
Khi đội “biệt động thành” giải thể, Bảy Bê chuyển về Đội vận tải Tổng cục cao su. Năm 1980, Chính Nghĩa cũng chuyển về công tác cùng cơ quan với chồng. Năm 1987, chị nghỉ hưu ở tuổi 40 do vết thương tái phát. Còn anh, năm 1994 cũng nghỉ hưu và làm Chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động Sài Gòn-Gia Định. Anh luôn trăn trở với chính sách thương binh liệt sĩ và những anh em đồng đội chưa được công nhận liệt sĩ. Anh thường đi vận động xin trợ cấp cho anh em trong đơn vị đã hy sinh, hay bị thương tật có hoàn cảnh nghèo khó. Anh đã vận động các cơ quan đoàn thể xây dựng 62 nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh liệt sĩ thuộc đội biệt động, một nhà tình thương, một trường tiểu học cho huyện Đức Hòa.
Bước qua tuổi 60, sắp lên chức bà nội, nhưng đôi mắt sáng, thông minh và dáng người nhanh nhẹn của nữ chiến sĩ biệt động năm nào vẫn như còn in đậm trong từng lời nói, nét mặt và bước đi của chị. Hôm tôi đến thăm đúng vào 100 ngày mất của anh Bảy Bê. Chị cho biết, trước lúc lâm chung, anh còn dặn chị: tất cả tiền phúng viếng đều làm từ thiện. Theo đúng ý nguyện của anh, chị đã trao toàn bộ số tiền phúng viếng đám tang của anh là 90.960.000 đồng để xây hai nhà tình nghĩa tại quận Bình Thạnh với số tiền là 40 triệu đồng, số còn lại ủng hộ cho quỹ Hội khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh.
Băng Phương