Giữa tiết trời se lạnh Hà Nội vào thu, bảy người lính trên hai chiếc xe tăng lịch sử 843 và 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 đã có cuộc hội ngộ ở Bảo tàng Tăng-Thiết giáp. Lần đầu tiên sau 34 năm, thành viên trong hai kíp xe tăng lịch sử ấy mới có cuộc gặp mặt gần như đầy đủ (thiếu ông Thái Bá Minh, pháo thủ xe 843 mới mất) và tràn ngập kỷ niệm.

Thầm lặng giữa đời thường

Buổi sáng, cánh cổng Bảo tàng Tăng - Thiết giáp rộng mở chào đón bảy người lính Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 năm xưa. Gặp nhau, những người lính đã cùng vào sinh ra tử, sống dưới mưa bom bão đạn trên hai xe tăng 843 và 390 xúc động tay bắt, mặt mừng. Niềm hạnh phúc vỡ òa!

Các cựu chiến binh hội ngộ bên chiếc xe tăng 843 tại Bảo tàng Tăng-Thiết giáp.

Cuộc gặp gỡ hiếm có của họ diễn ra trong bầu không khí thân mật, gần gũi. Bên hai chiếc xe tăng, những người lính xúc động nhớ về một thời gian khổ, vất vả nhưng hào hùng.

Sau những phút trầm lắng nhớ về đồng đội, tất cả cùng đến bên chiếc xe 843 hát vang bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhạc sĩ Doãn Nho. Họ hát say sưa như chưa bao giờ được hát.

Câu chuyện bắt đầu từ pháo thủ số 2 xe 843. Dáng người khắc khổ, nét hồn hậu, lam lũ còn in đậm trên khuôn mặt người lính già Nguyễn Văn Kỷ khi ông nói về việc phải gác lại tất cả chuyện mùa màng, thu hoạch, háo hức đón xe từ Tuyên Quang lúc 3 giờ sáng để về Hà Nội gặp đồng đội. Ông nói: “Từ sau ngày 30-4-1975, tôi mất liên lạc với mọi người. Đến năm 2005, trong dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi mới tìm gặp lại đồng đội gắn bó với chiếc xe 843 trong suốt những năm tháng chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hôm nay, thật may mắn và hạnh phúc tôi được gặp cả 4 anh em xe 390”.

Trở về sau chiến tranh, cuộc sống của pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ thầm lặng, bình dị như bao người khác: “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Ngay cả chuyện ông là một trong 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng đã húc vào cổng dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 cũng thật ít người biết đến. Có lần đứa cháu trong xóm đọc báo thấy viết về ông rồi đem chuyện kể cho mọi người, lúc ấy bà con mới biết.

Khác với Nguyễn Văn Kỷ “thuần nông”, 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 năm ấy hầu như tìm được công việc ổn định. Ông Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập được Công ty cổ phần sơn Kova nhận về làm công nhân. Hiện nay, ông Tập đang làm công nhân ở xưởng sơn của Công ty đặt ở quận Hà Đông (Hà Nội), còn ông Toàn thì được điều về một chi nhánh ở thành phố Hải Dương cho gần gia đình.

Đối với ông Ngô Sỹ Nguyên sau nhiều năm lăn lộn với cuộc sống, gần đây được Công ty xe buýt 10/10 Hà Nội nhận vào làm việc. Vốn có bằng lái xe tăng cấp 2, sau khi bổ túc tay lái, ông lái xe theo tuyến một thời gian rồi được giám đốc công ty điều về làm việc ở văn phòng.

Ai đã từng xem bộ phim “Bốn chiến sĩ xe tăng 390” của đạo diễn Phạm Việt Tùng, hẳn còn nhớ ông thợ cắt tóc, đó là Lê Văn Phượng, pháo thủ số 2. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề cắt tóc, cuối cùng ông cũng được lãnh đạo Công ty cổ phần quốc tế Việt – Am nhận về làm việc.

Bảy người lính, bảy hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở họ đều toát lên phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ: Nghị lực, niềm tin và ý chí…

Kỷ niệm hào hùng không thể nào quên

Vượt xa cả đoạn đường hàng trăm cây số, các chiến sĩ thuộc thành viên kíp xe tăng lịch sử đến từ Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Tuyên Quang, Nghệ An tụ họp về Hà Nội. Gặp nhau, họ kể cho nhau nghe chuyện gia đình, ôn lại những thời khắc lịch sử, những kỷ niệm kháng chiến.

Ông Lữ Văn Hỏa, người có vinh dự lái chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843, mái tóc đã nhuốm màu thời gian, thông báo “sức khỏe của tôi đang xuống lắm”. Dẫu vậy, khi nói về ký ức ngày 30-4, ông lại say sưa, hồ hởi kể như quên cả ốm đau, bệnh tật.

Ông kể: “Kíp xe của tôi gồm đại đội trưởng – Trung úy Bùi Quang Thận, pháo thủ Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỷ và tôi là lái xe. Sau chiến dịch Tây Nguyên, thực thi mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút giải phóng miền Nam”, các đơn vị của ta đồng loạt thẳng tiến hướng Sài Gòn.

Vượt qua sự chống trả ngoan cố của địch trong suốt chặng đường hành quân, 9 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203 chúng tôi có mặt tại cầu Sài Gòn. Sau khi tiêu diệt 2 xe M113 của địch, Trung úy Bùi Quang Thận ra lệnh tiến thẳng tới dinh Độc Lập theo nhiệm vụ đã phân công. Mỗi xe mỗi hướng, vừa đi vừa hỏi đường. Khi áp sát cửa dinh Độc Lập, anh Thận lệnh cho tôi húc thẳng cổng phụ. Song vì chưa có đà nên tôi phải cho xe lùi lại, quay nòng pháo rồi rú ga húc tới ba lần cánh cổng mới đổ. Trong lúc anh Thận rút lá cờ trên xe nhảy xuống thì xe 390 cũng ầm ầm lao tới húc đổ cổng chính của dinh Độc Lập. Khi lá cờ ngụy quyền Sài Gòn bị giật xuống, lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên nóc dinh Độc Lập, tôi vẫn còn ngỡ ngàng. Lúc đó tôi mới 25 tuổi. Và tôi đã khóc vì sung sướng!”.

Ông Hỏa kể đến đó, ông Lê Văn Phượng tiếp lời : “Không thể tả được chúng tôi hạnh phúc như thế nào. Sau bao nhiêu năm bom đạn, cuối cùng hai miền đất nước được thống nhất. Tôi còn nhớ, vào khoảnh khắc lịch sử trưa 30-4, sau khi chiếm được dinh Độc Lập, trên khắp các ngả đường ở Sài Gòn diễn ra nhiều hoạt động chào mừng chiến thắng”.

34 năm trôi qua, những người lính năm xưa đã trở về với cuộc sống đời thường. Họ khiêm tốn nhận mình là những người lính “may mắn”. Họ nói: “Thắng lợi đó là chiến công chung của toàn dân tộc, chúng tôi chỉ là những người may mắn”!

Bài và ảnh: PHẠM THU THỦY