Góp ý sửa đổi bổ sung Luật Đất đai ngày 05/5, các ý kiến cho rằng các bộ ngành cần tham gia lập quy hoạch sử dụng đất, vàphải bảo vệ đất nông nghiệp.

Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Đặng Vỹ

Giữ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông thường quy hoạch sử dụng đất của mỗi cấp phải đạt được mục tiêu về nhu cầu, lợi ích cơ bản của cấp đó. Thế nhưng “lợi ích của cấp quốc gia” là gì thì không xác định được, vì không có sự tham gia của các bộ ngành. Chính điều đó khiến cho nội dung về mục đích sử dụng đất thể hiện trong quy hoạch ở Trung ương không rõ, và vì vậy các địa phương cũng không xác định được mục đích lập quy hoạch của cấp mình.

Theo dự định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này, các bộ ngành như: Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải… sẽ có trách nhiệm đưa ra nhu cầu sử dụng đất của bộ mình, và sẽ đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Đây là lĩnh vực có nhu cầu sử dụng đất lớn. Hiện nay tình trạng đất nông nghiệp ngày càng giảm đi đang là nỗi lo của nhiều người về vấn đề an ninh lương thực. Hiện tại Bộ NN-PTNT dự kiến nhu cầu đất nông nghiệp khoảng 3,5 triệu héc-ta, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, con số này vẫn phải xem xét lại. Việc Bộ NN-PTNT cung cấp kế hoạch, nhu cầu các loại hình đất nông nghiệp,đất rừng phòng hộ… là công việc cần thiết cho công tác quy hoạch.

Trong bản gợi ý dự thảo lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường gợi ý các cấp cân đối nhu cầu sử dụng đất và phân bổ quỹ đất cho việc phát triển ngành nghề lĩnh vực, các địa phương huyện xã, và trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ nghiêm ngặt đất canh tác nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.

Bộ ngành phải tham gia lập quy hoạch sử dụng đất

Lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là nội dung được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là nội dung quan trọng đưa ra lấy ý kiến lần này. Trình bày tại buổi lấy ý kiến các địa phương phía Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận từ trước đến nay ở cấp Trung ương, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chỉ do một bộ này đơn phương thực hiện. Đây là điểm yếu của công tác quy hoạch. Chính vì điều này nên khi các ngành khác có kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch trước đó sẽ phải điều chỉnh, nhiều lần như vậy sẽ làm vỡ quy hoạch.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nhất thiết phải gắn kết các bộ ngành trong việc lập quy hoạch và quản lý sử dụng đất, nếu không thực hiện được điều này thì quy hoạch sẽ không hiệu quả.

“Quy hoạch sử dụng đất phải được xem xét, được phân công khoa học. Chính vì thiếu sự tham gia của các bộ ngành khác mà nơi nào cũng khu công nghiệp, nơi nào cũng cảng… Rồi khi giao đất, xin dự án khắp nơi, cơ quan quản lýkhông biết bao nhiêu dự án, nhu cầu đất đai là bao nhiêu cho từng loại, nên cũng không cân đối được kế hoạch sử dụng đất” - bà Loan nói.

Theo Tổng thư ký HoREA, việc quy hoạch phải được thống nhất về thời gian từ trên xuống dưới. Lâu nay có một nghịch lý là ở Trung ương quy hoạch dài hạn 20-25 năm, còn cấp tỉnh thành và quận huyện thì quy hoạch thời gian 5 năm, 10 năm. Vì lẽ đó việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất sinh ra lộn xộn không theo quy hoạch.

  • Theo: VNN-Đặng Vỹ