Hàng Đào ríu rít, vừa là phố, vừa là chợ. Ảnh: Xuân Quê

Dễ đến mươi năm nay người ta bàn đến nhiều phương án “phục hưng” phố cổ Hà Nội. Hầu như tất cả các ngành liên quan đến việc bảo tồn phố cổ và các di tích đều hăng hái tham gia với nhiều kỳ vọng dựng lại một khu phố mang đủ phong vị của phố thị Thăng Long xưa. Nhưng xem ra đến nay cái ước vọng về bảo tồn 100ha khu phố cổ hình thành từ thế kỷ 15 (thuộc quận Hoàn Kiếm) vẫn chỉ nhúc nhích ở trên dự án. Họa chăng mới khởi động được ở vài ngôi nhà cổ, như 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào, nhưng lại để cơn địa chấn “sợ mất nhà” của hầu hết những người dân đang thấp thỏm trong 245 ngôi nhà cổ và 614 ngôi nhà cũ hiện nay. Mặc dù với mật độ ước chừng hơn 80.000 người đang chen chúc trong khu phố cổ đủ đem lại bao khổ ải về điều kiện sinh sống nhưng họ vẫn phải “quyết tử” vì mưu sinh, ấy là còn chưa kể đến lượng người vãng lai không nhỏ cũng đang vai kề vai, chung lưng gồng gánh, dưới những mái nhà khấp khểnh, già cỗi để kiếm sống.

Cùng với đó còn 112 di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề và tôn giáo vẫn chưa được tập trung “cứu hộ” vì trong đó không ít di tích bị xâm lấn và biến dạng theo thời gian. Về giá trị của các di tích này xem ra lại là minh chứng sống động nhất cho một quá trình phát triển văn hóa và lịch sử nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Những di tích này, chứ không chỉ vài ngôi nhà hơn 100 năm, cần phải được tu bổ phục hồi một cách gấp rút và triệt để hơn. Đó là những di sản có gương mặt sâu sắc cho nền văn hóa đặc trưng dấu ấn Thăng Long xưa.

Như ta đã thấy, để bảo tồn cho 76 tuyến phố của khu phố cổ, mà chủ yếu là hình ảnh ngôi nhà ống, hầu hết cấu trúc hạ tầng đã xuống cấp thảm hại, đã có hết dự án này đến dự án khác, “chồng” lên rồi “chất” đấy. Lâu lâu, bài ca bảo tồn lại được kích hoạt. Mọi cỡ loa lại xôn xao với nhiều cung bậc, giọng điệu nào là “SOS”, “giải cứu”, “muộn còn hơn không”… Mặc dù, các nhà quản lý, đặc biệt ở Hà Nội, đều biết đến cái lợi ích to lớn về kinh tế của việc tôn tạo, bảo tồn phố cổ qua việc phát triển dịch vụ và các mô hình kinh doanh đặc thù, bên cạnh điểm mấu chốt, giữ gìn được các giá trị văn hóa lịch sử của 1000 năm, nhưng họ đều viện ra hàng trăm lý do để không bắt đầu một cái gì cho đến nơi đến chốn. Còn, người dân ở những ngôi nhà cổ thì vẫn nuôi hi vọng hàng chục năm nay rằng, sẽ đến một ngày mình được lên đời. Vì thế có người vẫn kiên trì đút chân vào gầm tủ để ngủ nửa người ở manh chiếu nhỏ phía ngoài trong căn phòng hai mét và căn phòng “quan tài” ấy lại nằm trong một căn nhà phố cổ có tới hơn năm chục người hít thở. Có những “chàng trai” tuổi 40 không lấy nổi vợ chỉ vì cố sống trong khoảng 4m2, ở ngõ Đông Thái, với 3 người khác để chờ “tu bổ” nhà. Chưa hết, ngôi nhà 42 Hàng Bạc, nguyên là ngôi đền, có 150 người bám trụ cũng vẫn không thể so bằng tại địa chỉ 53 Hàng Buồm dồn nén 50 hộ và dư 200 người “vui vẻ” xếp hàng sau vài cái nhà vệ sinh mỗi sáng… Ấy thế mà tất cả vẫn cứ trông chờ và hi vọng có một dự án nào đụng tới họ.

Vậy mà, giờ đây hàng trăm dự án lớn nhỏ vẫn chưa được chọn lọc và vận động. Và… những tưởng đã từng có cái gọi là “dự án Hà Nội 2010” mang cái danh “Di sản văn hóa đặc trưng” nhưng vẫn phải trông cậy vào 3 địa chỉ hướng ngoại Toulouse (Pháp), Brussels (Bỉ) và Liên minh châu Âu (EU). Nhưng rồi tất vẫn “rùa” như xưa.

Lại mới đây thôi, người khu phố cổ nghe xôn xao đến 36 “chước” của các nhà thông thái góp ý cho kế hoạch hành động. Đó là 36 dự án cụ thể do Viện bảo tồn di tích phối hợp với Công ty tư vấn giải pháp đô thị Urban Solution (Hà Lan) đề xuất thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010 với số tiền khoảng 1.730.000USD. Ô, thế ra họ mách nước đến chi tiết của từng việc như: Hướng dẫn thiết kế đô thị phố cổ, xây dựng tuyến phố mẫu, hợp tác với chủ những ngôi nhà cổ, mới hay chứ. Vậy mà, tưởng dễ hóa lại khó. Bởi ở hội thảo này, kế sách được hiến nhưng ai tiếp thu và ai làm? Không! Quả như ông Pôn Sút-ten-ben, Giám đốc khu vực châu Á nói:

- Đồng hồ đếm ngược thì hằng ngày thúc giục, nhưng tôi không cảm nhận thấy sự sốt ruột của mọi người.

Đúng thế! Và ai cũng nhận ra rằng rất nhiều việc ở khu phố cổ Hà Nội đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trước đây, ta thấy chỉ với một dự án cải tạo, bảo tồn cho một ô phố cổ thí điểm (chỉ gồm Hàng Bạc, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện) của một giáo sư, trưởng khoa kiến trúc dân dụng (Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất cũng không thành hiện thực được, nữa là từ nay đến năm 2010 làm gọn được cả khu phố cổ thì càng phi lí và thành ảo vọng mà thôi.

Giờ đây nhìn thực trạng khu phố cổ Hà Nội đang có sự chuyển động ngược âm thầm cay đắng theo chiều tỉ lệ nghịch với con số đếm ngược hằng ngày trên đồng hồ. Đó là tình trạng dân số ngày càng tăng; đó là môi trường sống ngày càng yếu kém và ô nhiễm cùng cấu trúc hạ tầng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Vậy, này cái đồng hồ đếm ngược kia ơi! Định ngày nào nhỉ… sẽ thỉnh tiếng chuông bài ca Tấm áo mẹ vá năm xưa…

Lê Quân