* Bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
* Các lực lượng khẩn trương đối phó
QĐND - Chiều 2-11, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận, bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, đến tối 2-11 áp thấp nhiệt đới ở trên địa phận các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; tại Quy Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Tuy Hòa (Phú Yên) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; tại thành phố Nha Trang có gió mạnh cấp 5, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Trà My (Quảng Nam): 112mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi): 139mm; An Hòa (Bình Định): 118mm.
Dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 đến 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến chiều 3-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc, 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu và tan dần.
 |
Bão số 11 hoành hành dữ dội tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: TTXVN
|
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Các địa phương ở vùng núi, vùng trũng cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trong và sau bão
Để đối phó với bão và mưa lũ xảy ra sau bão, sáng 2-11 Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương đã có Công điện khẩn số 63 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn (PCLB-TKCN) các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và các bộ, ngành liên quan yêu cầu triển khai khẩn cấp công tác sơ tán dân ra khỏi các nhà yếu, khu vực thấp trũng ven biển, cửa sông, neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, không để dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão vào.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến sáng qua, lực lượng Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thông báo, hướng dẫn cho 18.175 tàu với 103.962 lao động hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Sáng 2-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương đã trực chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 11 tại Phú Yên. Tại địa phương, các nhu yếu phẩm cho 3 huyện miền núi có khả năng bị chia cắt vì mưa lũ sau bão đã được chuẩn bị chu đáo. Vấn đề trọng tâm của địa phương là phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong và cả sau bão.
Bình Định: 3 người mất tích và bị thương, nhiều tài sản bị hư hại
Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, theo số liệu ban đầu, đến chiều ngày 2-11, bão số 11 đã làm một người bị mất tích và 2 người bị thương, 17 nhà bị sập hoàn toàn, 169 nhà bị hư hỏng nặng, 1 trạm y tế và 26 phòng học đã bị tốc mái; 830ha lúa bị ngập nặng và 60ha hoa màu bị hư hỏng và gần 1km đường giao thông bị sạt lở.
UBND tỉnh Bình Định đã tích cực chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, kiểm tra hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc men chữa bệnh, nước uống để bắt tay vào công tác cứu trợ các hộ dân, đặc biệt những hộ bị sập nhà cửa hoàn toàn và đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó lũ lớn đang tiếp tục lên nhanh. Đến chiều 2-11, các địa phương đã sơ tán 1.774 hộ với 7.693 nhân khẩu ở những vùng nguy hiểm đến nơi trú bão lũ an toàn. Khánh Hòa: Mưa to, gió lớn, nước sông dâng cao
Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Khánh Hòa: Chiều ngày 2-11, bão số 11 đã ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) gây mưa to, gió lớn cấp 7-8. Mưa to trắng nước tại khu vực ngã ba Tu Bông làm cho các xe ô tô phải dừng ách tại đây hơn 1 giờ. Mưa lớn làm nước sông Đồng Điền dâng cao gây ngập lụt các tuyến đường ở các xã Vạn Long, Vạn Bình, Vạn Khánh. Một số cọc neo đậu tàu, thuyền ở khu vực Đại Lãnh bị đánh bật lên. Các chủ phương tiện đang tập trung gia cố lại nhằm bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền trong suốt thời gian bão gió.
Theo ông Huỳnh Quang Vân, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Toàn huyện có 928 hộ với 4.861 khẩu cần phải di dời đến nơi an toàn, hiện 2/3 số này đã được di dời ra khỏi vùng có khả năng ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Riêng xã Đại Lãnh và 5 xã phía bắc huyện đã di dời hơn 200 gia đình với hơn 1.000 người đến trú ở những nơi cao ráo như trường học, bệnh viện, trụ sở UBND xã… Huyện đang tập trung lực lượng giúp các hộ dân di dời hết đến nơi an toàn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ chia cắt trong thời gian bão xảy ra. Hôm nay, toàn bộ học sinh của Vạn Ninh và các địa phương trong tỉnh đã nghỉ học.
Thừa Thiên - Huế: Xuất 500 tấn gạo (đợt 2) dự trữ lương thực
Chiều qua, tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu tại các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; và đề phòng triều cường, nước dâng gây ngập lụt trở lại tại các vùng thấp trũng. Lực lượng Biên phòng tổ chức quản lý hơn 1.700 phương tiện tàu, thuyền đưa vào nơi neo đậu an toàn, tuyệt đối không cho ra khơi. Chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản lớn đang thi công trên địa bàn như cầu Ca Cút, hồ Tả Trạch, các công trình thủy điện A Lưới, Hương Điền, Thượng Nhật... đã có các phương án bảo vệ các công trình đang xây dựng; chú ý bảo đảm an toàn về người, phương tiện, thiết bị và vật tư thi công. Thừa Thiên - Huế cũng xuất 500 tấn gạo (đợt 2) giúp các địa phương chủ động trong việc dự trữ nguồn lương thực phòng, chống bão số 11.
Ninh Thuận: Có kế hoạch xả lũ để an toàn vùng hạ lưu
Đến chiều ngày 2-11, tất cả các tàu, thuyền của tỉnh Ninh Thuận đã vào neo đậu tại các bến cảng trong và ngoài tỉnh. Tỉnh đã triển khai phương án di dời hơn 6.700 hộ với 27.600 người (kể cả tài sản) ở những vùng ven sông, ven biển, vùng trũng thấp đến nơi an toàn khi có bão tố, nước dâng. Hàng trăm hộ ở vùng dễ bị nước lũ chia cắt chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, dầu đèn phòng khi lũ, lụt kéo dài. Các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang được phân công đã chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện, thiết bị, nhân lực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển, trên các tuyến đê biển, đê sông, sơ tán dân và bảo vệ các công trình trọng điểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có kế hoạch xả lũ để bảo đảm an toàn vùng hạ lưu.
Gia Lai: Chỉ đạo phòng, chống ở khu vực xung yếu
Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, ngày 2-10 trên địa bàn của tỉnh Gia Lai, đặc biệt 6 huyện phía đông và đông nam của tỉnh có mưa và nhiều nơi mưa rất to. Nước các sông Ba, sông AYun và các con suối vùng núi của huyện Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pãh đột ngột lên cao và chảy rất mạnh, rất dễ tạo nên lũ quét nguy hiểm ở những vùng ven sông, suối. Để hạn chế những thiệt hại do mưa bão gây ra và đề phòng lũ quét, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các địa phương nhất là các địa bàn xung yếu như Mang Yang, Chư Prông, KrôngPa, KBang, AYun Pa... chủ động đối phó với mưa bão, đưa dân đến những nơi an toàn, kiên quyết không để người dân nào ở lại những nơi có hiện tượng lũ quét, sạt lở đất đá. Lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã chủ động chuẩn bị phương tiện như áo phao, ca nô... ứng cứu đồng bào khi mưa bão lên cao và diễn biến phức tạp.
Bình Thuận: Bỏ lệnh “cấm biển” đối với tàu, thuyền
Sau khi cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa và suy yếu, 15 giờ ngày 2-11, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra công điện bỏ lệnh “cấm biển” tàu thuyền, cho ngư dân ra biển hoạt động, đánh bắt hải sản trở lại bình thường. Công điện cũng nêu rõ các địa phương, cơ quan, đơn vị duy trì lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu điều động; đề phòng thời tiết xấu gây mưa lũ lớn trong khu vực. Tại đảo Phú Quý, đến 16 giờ chiều 2-11, gió tại đảo theo ghi nhận là cấp 4, toàn đảo không bị thiệt hại gì từ cơn bão số 11.
Lực lượng quân đội: Ứng trực, cắm chốt tại địa bàn xung yếu
Đến 17 giờ ngày 2-11, theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng đã duy trì 1.355 cán bộ, chiến sĩ; 145 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng cùng các lực lượng tại chỗ và chính quyền các địa phương tham gia chống bão.
Trước khi bão số 11 đổ bộ vào đất liền, đến 9 giờ ngày 2-11, tại các tỉnh Nam Trung Bộ như: Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa; Bình Định, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh... Bộ đội Biên phòng đã cùng các lực lượng hoàn thành việc di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm có khả năng bị ngập úng, sạt lở, lũ quét. Tại các vùng xung yếu, trọng điểm như: Trà Bồng, Đức Phổ (Quảng Ngãi); Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa); Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên)... Bộ đội Biên phòng phối hợp với LLVT các địa phương duy trì lực lượng ứng trực, cắm chốt cùng nhân dân đối phó với mưa bão.
Hùng Hương, Mạnh Hưng, Quang Hồi, Trần Thiềng, Đức Minh và TTXVN