* Quân đội thông báo, hướng dẫn 70.352 phương tiện nghề cá biết thông tin về bão

QĐND - Trước diễn biến phức tạp của con bão Melor, chiều tối 15-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp bàn giải pháp ứng phó.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương  cho biết, dự báo đến ngày 18-12, bão sẽ vào đến vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), mạnh cấp 7, cấp 8. Khi vào Biển Đông, bão Melor sẽ là cơn bão số 5. Khả năng bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam khá thấp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão, các vùng biển có thời tiết xấu, gió cấp 6, cấp 7. Bão sẽ gây mưa vừa, mưa to từ Quảng Trị đến Bình Thuận (khoảng 100-150mm), gây mưa trái mùa ở Nam Bộ (khoảng 20-30mm).

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, bộ đã gửi công hàm tới Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây đề nghị hỗ trợ tàu, thuyền Việt Nam tránh trú bão.

Sơ đồ hướng di chuyển của bão Melor.

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn tại khu vực miền núi phía Bắc đạt từ 70-90% dung tích thiết kế; khu vực Bắc Trung Bộ đạt từ 60-80% dung tích thiết kế; khu vực Nam Trung Bộ đạt từ 60-80% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên đạt từ 80-95% dung tích thiết kế; khu vực Đông Nam Bộ đạt từ 70-90% dung tích thiết kế.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh, có khả năng gây nguy hiểm cho ngư dân, bộ đội ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Vì vậy, đề nghị Bộ Quốc phòng cùng tỉnh Khánh Hòa thông báo tới từng đảo để phòng, chống; chú trọng việc liên hệ, hướng dẫn với từng tàu, thuyền trên biển để có biện pháp hướng dẫn ứng phó phù hợp. Bộ Ngoại giao tiếp tục theo dõi sát để hỗ trợ kịp thời cho ngư dân về ngoại giao. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ kịp thời khi có yêu cầu. (Thái Hưng)

* Quân đội tích cực chủ động phòng, chống bão. Thực hiện điện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển; các Quân khu 4, 5, 7, 9; Quân đoàn 3, 4 đã triển khai biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão. Tính đến 15 giờ ngày 15-12, theo báo cáo chưa đầy đủ, biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Bình đến Cà Mau đã thông báo, hướng dẫn cho 70.352 phương tiện nghề cá với 359.637 lao động biết thông tin về cơn bão. Cụ thể, hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là 219 phương tiện với 1.964 người, ở giữa Biển Đông là 199 phương tiện với 1.393 người, ở khu vực quần đảo Trường Sa là 324 phương tiện với 3.129 người, ở khu vực Nam quần đảo Trường Sa là 199 phương tiện với 1.652 người. Hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại bến là 69.411 phương tiện với 351.499 người.

Chỉ huy các đơn vị cũng đã chủ động triển khai cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực phòng, chống bão với tổng số 13.747 người và 730 phương tiện các loại. (Vũ Dân)