QĐND Online – Cả báo chí và doanh nhân, doanh nghiệp đều rất cần phải có những cuộc “dấn thân” khi mà đời sống kinh tế hiện nay đầy sôi động nhưng cũng không ít cam go. Tại cuộc toạ đàm “Báo chí với doanh nhân” do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) năm nay, phóng viên báo Quân đội nhân dân Điện tử đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu về vấn đề này…
* Nhà sử học, nhà báo Dương Trung Quốc: Cuộc dấn thân vì sự phát triển
Có một điều khó tin là chúng ta nói rất nhiều về doanh nhân, doanh nghiệp nhưng mới đây, cụm từ doanh nhân mới được bổ sung vào từ điển tiếng Việt. Doanh thu, doanh trại… là những từ có từ lâu, vậy mà lại thiếu… doanh nhân? Với góc độ của người làm sử và người làm báo, tôi cho rằng cả nhà báo và nhà doanh nghiệp, công việc của họ đều là những cuộc “dấn thân”.
 |
Phóng viên báo chí tìm hiểu đời sống công nhân tại một công trường ở Lào Cai. Ảnh internet |
Chúng ta tôn vinh những doanh nhân thành đạt nhưng hãy đừng quên những người rủi ro, thậm chí có nhiều doanh nhân và có nhà báo phải… vào tù. Họ phải trả giá cho những sai phạm nhưng cũng có khi sai phạm ấy đơn giản chỉ bằng nguồn từ sự dấn thân để phát triển, bứt phá mà không lường hết mọi chuyện. Không biết có phải ngẫu nhiên không mà năm 2007, lần đầu tiên Giải báo chí quốc gia cao nhất lại được trao cho bài viết về câu chuyện xảy ra với giới doanh nhân - vụ án Tăng Minh Phụng xảy ra cách đó hơn 10 năm. Rồi đây, tôi nghĩ rằng câu chuyện thất bại của những doanh nhân “dấn thân” cần phải được báo chí quan tâm và nhắc đến, nói lại nhiều hơn nữa…
* Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP chăn nuôi chế biến và XNK – APROCIMEX: Báo chí cần “vào cuộc” mạnh mẽ hơn nữa
Tôi về làm giám đốc Công ty thức ăn chăn nuôi gia súc ở lúc tình cảnh vô cùng khó khăn, cả nước mới chỉ có một công ty thức ăn gia súc chứ không nhiều như bây giờ. Tôi và anh em cán bộ, công nhân đã vượt qua thua lỗ, vực dậy công ty đi lên từ con số không. Chúng tôi nỗ lực cố gắng làm tốt cộng với một phần quan trọng là được báo chí đưa tin, viết bài ủng hộ nên thương hiệu ngày càng vươn xa. Đến nay, chúng tôi đã được 7 ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay với hạn mức lên tới 700 tỷ đồng. Thành công nhờ có vai trò báo chí góp phần dựng xây thương hiệu. Thành công ấy không tiền bạc nào mua được. Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí nhiều tiêu cực làm lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Báo chí cần phản ánh nhiều hơn kinh nghiệm quản lý ở nước ngoài, mà không đâu xa, chỉ cần phải ánh chuyện ở các nước trong khu vực thôi. Nhiều nước làm rất tốt về cải cách hành chính, về xây dựng hạ tầng, giao thông, chính sách hỗ trợ phát triển… Báo chí cũng cần làm nhiều hơn nữa, dũng cảm hơn nữa trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
* Ông Nguyễn Thanh Cảnh, TGĐ Công ty Thanh Hương (Quảng Ninh): Cần sự phối hợp chặt chẽ báo chí – doanh nghiệp – cơ quan chức năng
Tôi đã có hơn 30 năm làm giám đốc doanh nghiệp, từ giám đốc doanh nghiệp tư nhân trở thành Tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước nên có điều kiện tiếp xúc với báo giới nhiều lần. Gần đây nhất, phải kể đến một vụ việc xảy ra với doanh nghiệp của tôi và 9 doanh nghiệp khác. Chúng tôi làm ăn nghiêm túc, theo đúng hợp đồng nhưng đối tác dây dưa không trả số tiền nợ lên tới 124 tỷ đồng, kéo dài gần 2 năm qua, khiến đời sống hơn 3.000 công nhân, người lao động lao đao, 2/3 số công nhân đã mất việc. Có tới 8 tờ báo đã phản ánh sự việc này, giúp các cơ quan chức năng phần nào thấy được nỗi khó khăn, tình cảnh của chúng tôi. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi hết sức băn khoăn là mặc dù thông tin đã được nhiều báo đưa như vậy nhưng dấu hiệu chuyển biến từ các cơ quan chức năng và đối tác để giúp chúng tôi và hơn 3.000 công nhân lại hết sức chậm chạp. Thông tin báo chí đưa là đáng quý nhưng điều quan trọng phải có cơ chế như thế nào để giải quyết, xử lý những vấn đề báo nêu một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn nữa. Chứ không, báo cứ nêu, mọi việc vẫn “cứ thế thôi” rồi chìm vào im lặng sẽ làm giảm vai trò của cơ quan báo chí và niềm tin của bạn đọc.
* Nhà báo Vũ Quang Trạch, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập: Cầu nối hội nhập quan trọng
Báo chí đã thực hiện tốt chức năng thông tin và phản biện xã hội, góp phần tích cực điều chỉnh cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước. Báo chí kiên quyết phê phán những định hướng lạc hậu, hẹp hòi với doanh nghiệp, cổ vũ nhiều nhân tố mới, nhất là trước và sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Từ thực tiễn hoạt động của chúng tôi tại Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập, tôi nhận thấy, báo chí còn có thể có vai trò là cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài, đồng thời có vai trò quan trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
NGUYÊN MINH – PHÚ CƯỜNG (thực hiện)