Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất bổ sung các quy định để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định tỷ lệ phân chia nội bộ giữa các cấp ngân sách, quyết định chuyển nguồn sử dụng kết dư, phân bổ vốn cho chương trình đột phá, các tình huống phát sinh chưa có trong kế hoạch và phê duyệt các dự án trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương, quyết định đầu tư các dự án ngoài kế hoạch trung hạn nếu có nguồn hợp pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ bày tỏ mong muốn dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sẽ là bước tiến đột phá về thể chế, tạo khung pháp lý vững chắc cho một nền tài chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả, vừa bảo đảm vai trò chủ đạo của Trung ương, vừa khơi dậy sức mạnh tự chủ, sáng tạo từ cơ sở.

Quang cảnh phiên họp ngày 26-5 tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI

Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo luật quy định, đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương, thì mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đối với những địa phương khó khăn, cần giám sát chặt chẽ danh mục vay, vay cho đầu tư phát triển lĩnh vực nào, cụ thể ra sao, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho vay, nhưng có giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhất trí cần nâng mức vay dư nợ của địa phương nhưng nâng ở mức nào, nếu theo dự thảo luật tức là nâng gấp 4 lần so với quy định hiện hành thì cần phải xem xét. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, quy định này sẽ tạo áp lực lên tài chính vĩ mô, giảm dư địa vay của Trung ương và áp lực trả nợ rất lớn, nếu không tính toán kỹ có thể vượt quá trần nợ công.

Chia sẻ với ý kiến này, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) lo ngại việc tăng mức dư nợ vay của các địa phương có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương, mà không tập trung được nguồn lực cho các công trình, dự án lớn của quốc gia đã và đang triển khai trong thời gian tới, do vậy cần thận trọng cân nhắc.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết. Trong bối cảnh nước ta thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, rất cần nguồn lực đầu tư để kết nối trong địa phương, kết nối vùng và kết nối giữa các địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ với việc quy định này có thể làm tăng mức nợ công. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang có nhiều dự án lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị. Đề nghị Quốc hội xem xét có thể nâng mức dư nợ vay của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từ 150% đến 200% mức thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi tính toán việc tăng trần nợ công cho các địa phương, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ. Hiện nay, trần nợ công được Quốc hội cho phép là 60% GDP, thực tế đến hết năm 2024 mới sử dụng 34,7% GDP, nên việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng và trên cơ sở tương quan với chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu làm rõ một số vấn đề. Ảnh: TRỌNG HẢI

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cùng với nâng trần nợ công, cần phải kiểm soát được nợ công và bội chi trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng vay, chất lượng các dự án, tránh trường hợp một số địa phương sử dụng vốn vay không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách. Những khoản vay của địa phương phải tính toán về hiệu quả về kinh tế-xã hội, hiệu quả về tài chính.

Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách nhà nước, dự thảo luật quy định thẩm quyền cho Chính phủ điều chỉnh dự toán thu, chi giữa các bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương, nhưng không làm tăng tổng mức vay bội chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, bao gồm cả việc quyết định sử dụng tăng thu ngân sách dự kiến trong năm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhằm tạo chủ động, linh hoạt và kịp thời trong quản lý, điều hành ngân sách, cắt giảm thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.