QĐND - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương (1-11-1949 / 1-11-2014), đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ-một nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm, đã dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, ý nghĩa và vai trò của việc ra đời Phòng Công tác Lào-Miên, tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương?
Đồng chí Vũ Khoan: Như chúng ta đã biết, Ban Đối ngoại Trung ương mà tiền thân là Ban Công tác Miên-Lào trực thuộc Ban Thường vụ Trung ương, được thành lập theo nghị quyết của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 1-11-1949. Nhìn lại bối cảnh lịch sử đất nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi vừa mới giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong, giặc ngoài đe dọa chính quyền non trẻ. Trước nguy cơ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thấy cần thiết phải mở cửa ra bên ngoài, tăng cường giao lưu, quan hệ với các nước bạn, các tổ chức, các chính đảng tiến bộ… trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, từ các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Trước hết là tăng cường quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau với các lực lượng kháng chiến ở hai nước láng giềng Lào và Cam-pu-chia.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, cần có bộ máy chuyên trách tham mưu công tác đối ngoại của Đảng nói chung và thực hiện sự hợp tác giúp đỡ giữa ba nước Đông Dương nói riêng, Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Ban Công tác Miên-Lào, tổ chức tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương sau này.
Như vậy, có thể thấy rõ, mục đích thành lập một cơ quan chuyên trách tham mưu và thực hiện công tác đối ngoại của Đảng nhằm: Một là, góp phần thông tin tình hình cuộc kháng chiến của nhân dân ta tới nhân dân thế giới, đồng thời thu thập thông tin về tình hình thế giới và khu vực. Hai là, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Ba là tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần từ các nước bạn bè, anh em, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Và bốn là đối ngoại Đảng phối hợp với ngoại giao Nhà nước trên mặt trận đấu tranh ngoại giao.
 |
Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ. Nguồn: qdnd.vn. |
PV: Đồng chí nhìn nhận như thế nào về những đóng góp của Ban Đối ngoại Trung ương trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước thông qua mặt trận ngoại giao?
Đồng chí Vũ Khoan: Khởi đầu từ cuối năm 1949, vào đầu năm 1950, đối ngoại Đảng trở nên ngày càng sắc nét hơn khi Liên Xô, Trung Quốc và một loạt nước XHCN ở Đông Âu công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập. Thời kỳ này, dấu ấn của sự lãnh đạo của Đảng thể hiện qua kênh đối ngoại Đảng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.
Sau năm 1955, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng được phân ra rõ nét hơn, kênh đối ngoại Đảng lúc này có chức năng và nhiệm vụ được mở rộng hơn trước. Đó là giúp Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu, theo dõi tình hình các đảng anh em để học tập kinh nghiệm về cách mạng vô sản và xây dựng CNXH; giúp liên lạc với các đảng anh em ở các nước chưa giành được chính quyền để tùy khả năng mà giúp đỡ, xử lý quan hệ với các đảng khác trên thế giới.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mặt trận ngoại giao nước nhà là sự kết hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đứng trước mỗi quyết định quan trọng về đường lối, chính sách đối ngoại, thì đối ngoại Đảng luôn đi trước, đi tiên phong.
Có thể nói, từ ngay những ngày đầu thành lập cho đến cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, Ban Đối ngoại Trung ương đã có những đóng góp tích cực vào việc vận động nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; chống lại chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch; củng cố và tăng cường quan hệ với Lào; giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng; tăng cường quan hệ với Liên Xô, các nước XHCN, với các Đảng Cộng sản, công nhân, các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới.
PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về những bước phát triển của Ban Đối ngoại Trung ương trong thời kỳ đổi mới, khi đất nước bắt đầu một thời kỳ mới, phá thế bao vây, cấm vận để mở ra giai đoạn phát triển mới, hội nhập với thế giới?
Đồng chí Vũ Khoan: Trong thời kỳ đổi mới, đứng trước nhiều thử thách gay gắt nhưng Ban Đối ngoại Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan trong hệ thống chính trị triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, góp phần quan trọng tạo những chuyển biến to lớn, tích cực về mọi mặt, làm cho vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, quan hệ của Đảng ta ngày càng được mở rộng. Tôi có thể kể ra một số thành tựu đáng ghi nhận mà Ban Đối ngoại Trung ương đã đạt được trong thời kỳ đổi mới như sau:
Một là, cùng với công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Ban Đối ngoại Trung ương đã đổi mới tư duy, từ đó đã đổi mới các hoạt động đối ngoại của Đảng ta. Kết quả của quá trình đổi mới tư duy này là Đảng ta đã đổi mới và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại Đảng, ngày càng mở rộng quan hệ với các đảng chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa, các đảng cầm quyền, tham chính ở các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh việc tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng ở các nước láng giềng và bạn bè truyền thống.
Hai là, Ban Đối ngoại Trung ương đã biết nắm bắt tình hình và tham mưu cho Đảng ta tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương, các phong trào cộng sản, công nhân, cánh tả, các phong trào nhân dân vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới. Thông qua các hoạt động tại các diễn đàn này, đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lập trường của Đảng ta, không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Đảng và đất nước ta trên trường quốc tế.
Ba là, là cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân, Ban Đối ngoại Trung ương đã góp phần thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng phát triển. Không chỉ các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, mà cả các đoàn thể nghề nghiệp cũng phát triển các hoạt động đối ngoại, giao lưu và trao đổi với các nước. Nhưng kết quả đáng ghi nhận của công tác phi chính phủ nước ngoài cũng được chú trọng, có những đóng góp nhất định vào công cuộc phát triển đất nước.
Bốn là, quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt với Lào không ngừng được củng cố, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Quan hệ hữu nghị, lâu dài, toàn diện với Cam-pu-chia tiếp tục được củng cố. Những thành tựu này có sự đóng góp quan trọng của Ban Đối ngoại Trung ương.
PV: Theo đồng chí, Ban Đối ngoại và các thế hệ cán bộ Ban Đối ngoại cần làm gì để phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang 65 năm qua?
Đồng chí Vũ Khoan: Để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, theo tôi, Ban Đối ngoại Trung ương cần thực hiện tốt một số việc sau: Tổ chức lực lượng, nghiên cứu bài bản, đặt hàng, chắt lọc, tổng hợp, khâu nối kết quả nghiên cứu của các cơ quan, bộ, ngành hữu quan, các học viện, nhà trường... nhằm phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cần đa dạng hóa quan hệ với các đảng, các diễn đàn đa phương chính đảng, nhưng vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phục vụ lợi ích dân tộc và nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, trong đó đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần linh hoạt điều chỉnh quan hệ với các đối tác tùy vào mục tiêu đặt ra cho từng thời kỳ. Việc xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ đối ngoại Đảng cũng cần uyển chuyển, linh hoạt, tránh cứng nhắc; cần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ cho ngoại giao Nhà nước để tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận ngoại giao nước nhà. Tham gia chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường phối hợp hoạt động đối ngoại của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tổ chức nhân dân. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình quốc tế và khu vực. Không ngừng xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của Ban Đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, nghiệp vụ cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó.
Cán bộ làm đối ngoại nói chung cần rèn luyện và nắm vững các kỹ năng cơ bản. Như tôi đã nhiều lần nói chuyện ở các lớp bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, nếu hoạt động ngoại giao được ví như một cây cổ thụ thì cái gốc là công tác nghiên cứu, cái thân là giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống; còn các công việc nghiệp vụ như lễ tân, phiên dịch, tuyên truyền báo chí… là những cái cành, cái lá. Các cán bộ làm công tác đối ngoại, trong đó có cán bộ công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương cần ra sức học tập, rèn luyện và trau dồi các kỹ năng đó để nhanh chóng trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao.
Tôi rất tin tưởng rằng, trước yêu cầu nhiệm vụ và tình hình mới, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRUNG ĐOÀN (ghi)