QĐND Online - Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Abdul Razak đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10). Báo Quân đội Nhân dân Điện tử xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu trên.
 |
Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Abdul Razak. Nguồn: www.iiss.org |
Kính thưa Ngài Teo Chee Hean, quyền Thủ tướng, các Ngài Bộ trưởng, Tham mưu trưởng quân đội các nước, các vị khách quý, các quý ông, quý bà, đầu tiên cho phép tôi cảm ơn Tiến sĩ John Chipman đã mời tôi phát biểu trước quý Ngài trong buổi tối hôm nay.
Tôi rất vui mừng được tới Singapore, để gặp mặt các vị đại diện cho Chính phủ các nước và cũng là để kỷ niệm 10 năm sáng kiến đối thoại khu vực tại Khách sạn Shangri-La. Lần đầu tiên tôi tới đây năm 2002, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Kể từ đó đến nay đã có rất nhiều sự thay đổi. Chẳng hạn, hiện giờ tôi đã là Thủ tướng, mà tôi e rằng, điều này sẽ làm các Ngài kém tự nhiên trong bữa tiệc tối nay.
Thưa các quý bà, quý ông, tháng 6-1963 trong phát biểu khai mạc Lễ phát bằng tại trường đại học American University ở Washington, Tổng thống Kennedy đã dành nhiều thời gian đề cập tới hoà bình trong một kỉ nguyên nhiệt hạch. Ông nói: “Tôi muốn nói tới loại hoà bình nào? Tôi hướng tới hoà bình nào? Không phải hoà bình kiểu Mỹ, gây áp lực lên thế giới bằng các loại vũ khí chiến tranh của người Mỹ, cũng không phải sự bình yên dưới những nấm mồ, hoặc thứ an ninh của người nô lệ. Tôi đang nói tới hoà bình thực sự, thứ hoà bình khiến cuộc sống của loài người trên trái đất đáng sống hơn, cho phép mọi người, mọi dân tộc phát triển, hy vọng và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em họ; đó là hoà bình không chỉ dành riêng cho người Mỹ mà còn cho tất cả mọi người, là hoà bình không chỉ cho thời đại chúng ta mà cho mọi thời đại”.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong bài phát biểu của ông đó là cách ông lựa chọn con đường không khoan nhượng và tiếp tục phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn thay vì thoả hiệp với một quan điểm dễ thực thi hơn cho hoà bình thế giới. Ba thập kỷ sau, sự chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thay vì mang lại lợi ích cho hoà bình như tất cả chúng ta từng mong đợi, đã làm nảy sinh hàngt loạt thách thức an ninh đa dạng, phức tạp. Việc tiêu diệt Osama bin Laden và mới đây bắt được Ratko Mladic là những ví dụ về những đe doạ an ninh mà chúng ta đang đối mặt, bất chấp việc phải thừa nhận rằng một số hình thái đe doạ an ninh thế giới đã có từ những năm 1960.
Ngày nay, chúng ta không thể và không được phép quay trở lại một thế giới nhị cực như thời Chiến tranh Lạnh, kỉ nguyên của sự bế tắc, đầy nghi kị, khiến thế giới phát triển chậm chạp. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, mà phải cùng nhau chống lại những thách thức đó. Trong thế kỉ 21, các nền kinh tế đang ngày một hoà nhập và phụ thuộc lẫn nhau; quá trình sản xuất đã vượt khỏi biên giới mỗi quốc gia đến với các nước khác, điều đó có nghĩa, các cường quốc trên thế giới không còn tham vọng chiến tranh vì đơn giản là họ sẽ có quá nhiều thứ để mất trong cuộc chiến. Lợi ích quốc gia ngày càng gắn với lợi ích nhóm quốc gia và sứ mệnh của chúng ta là thực hiện được điều đó trong một sân chơi đa phương vừa có tính hiện thực cao, vừa theo chiều hướng tiến bộ. Bởi vì, con đường phía trước, tôi chắc chắn, sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp tác chứ không phải đối đầu; vì điều đó, mỗi quốc gia, mỗi nhà lãnh đạo ở đây hôm nay phải đóng góp sức mình.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi từng cho rằng châu Á và phương Tây không bao giờ có thể thực sự trở thành một khối đoàn kết, rằng chúng ta có quá ít điểm chung và rằng cuộc sống ở Surabaya quá khác biệt so với cuộc sống tại San Diego. Mười năm qua cho thấy họ đã sai. Đúng, chúng ta từ nhiều nền văn hoá, chúng ta nói nhiều thứ tiếng, nhưng như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (Tôi chúc ông mạnh khoẻ hưởng hưu trí) phát biểu tại căn phòng này năm ngoái rằng, Thái Bình Dương không phải là rào cản mà là cầu nối giữa chúng ta.
Mỹ từ lâu đã duy trì một lực lượng nhằm hỗ trợ ổn định và tiến bộ trong khu vực, ủng hộ các thể chế dân chủ, tăng cường pháp quyền và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền. Tổng thống Barack Obama từng tự coi mình là Tổng thống Mỹ đầu tiên có mói liên hệ đặc biệt với khu vực Thái Bình Dương, còn Ngoại trưởng Hillary Clinton thì nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng các đối tác mạnh ở khu vực này. Những lời nói gần gũi như vậy rất được hoan nghênh, đó là hệ quả của nhiều năm trao đổi quan điểm, ý tưởng giữa Mỹ và châu Á. Tôi rất vui khi Mỹ và tất nhiên là cả Nga nữa, sẽ lần đầu tiên tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào cuối năm nay.
Tháng sau sẽ kỉ niệm 40 năm ngày Henry Kissinger có chuyến công du bí mật tới Trung Quốc, dọn đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc. Tới Trung Quốc giữa những năm tháng Chiến tranh Lạnh, chuyến thăm đã gây sốc nhiều người tại Mỹ. Làm thế nào mà một lãnh đạo chống cộng sản quyết liệt của thế giới phương Tây có thể ngồi cùng bàn với những người đối đầu hệ tư tưởng với ông ta? Tất nhiên, câu trả lời là Mỹ đã thấy tiềm năng của Trung Quốc có thể làm một đối trọng với khối Xô-viết, tính đến nay liên minh mới này đã tiến xa hơn điều đó. Chuyến thăm của Nixon không chỉ là sự cởi mở của Mỹ với Trung Quốc, mà cũng khiến Trung Quốc mở lòng với Mỹ. Đó là mối quan hệ đã mang lợi ích cho cả hai kể từ đó. Rõ ràng, những cuộc đối thoại mang tính xây dựng như vậy chỉ có thể có nếu có sự cởi mởi từ cả hai phía.
Sẽ là rất sai khi cho rằng hành động của Trung Quốc trong những năm 1970 thiếu tính đặc trưng, hay những động thái đó đại diện cho một sự thay đổi cách nhìn nhận, quan điểm về một thế giới rộng lớn hơn. Kể từ thời Minh, Trung Quốc đã là một đế chế hung mạnh và ngày nay, khi tâm điểm của kinh tế thế giới đã chuyển dịch từ Tây sang Đông, từ các quốc gia Đại Tây Dương sang các quốc gia Thái Bình Dương, Trung Quốc thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn, họ cũng cởi mở hơn và quan hệ với cả các quốc gia láng giềng cũng như đối tác cạnh tranh.
Chúng ta cần coi đó là đường lối đáng lạc quan hơn là lo ngại. Trung Quốc có thể đang lớn mạnh (nước này đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc khoảng 9-10% một năm trong suốt 20 năm qua), nhưng họ sẽ không thống trị thế giới theo cách các thế lực kinh tế lớn nhất đã từng làm trong quá khứ. Những năm cuối thập kỉ 40 của thế kỉ trước, Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất mà còn nắm giữ hơn nữa tổng tài sản của toàn thế giới. Như dự báo, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm tới, thì nước này cũng chỉ nắm giữ chưa đầy ¼ tổng GDP của thế giới. Sự thịnh vượng sẽ trải rộng trên khắp thế giới với việc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ trở thành cán cân đối trọng với sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc.
Liệu việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự có khiến chúng ta phải lo lắng quá mức. Bất chấp sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc quân sự vượt trội, đầu tư nhiều nhất cho quân đội. Bộ trưởng Liang Guanglie có thể có một đội quân thường trực lớn nhất thế giới, nhưng ở Malaysia chúng tôi biết rõ rằng cam kết đầu tiên của Trung Quốc chính là hoà bình.
600 năm trước, Đô đốc Trung Quốc Trịnh Hòa tới thăm Malacca. Vị Đô đốc này mang theo 300 tàu với khoảng 35.000 quân, một hạm đội có thể dễ dàng đánh chiếm toàn bộ khu vực, nếu ông ta có ý định đó. Ông ta không những không dùng vũ lực xâm lược mà còn bắt tay hữu hảo. Trong khi đó, 100 năm sau, Bồ Đào Nha đến đây với chỉ 800 quân trên 12 tàu chiến đã thôn tính và chiếm đóng Malacca trong vòng 130 năm, nhưng chúng tôi không muốn nói đến câu chuyện đó.
Ngày nay, Trung Quốc là đối tác của chúng ta. Mỹ cũng là đối tác của chúng ta và tối nay nói rõ cho các bạn từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và những người bạn khác, chúng tôi trong khối ASEAN chia sẻ với các bạn các giá trị, nguyện vọng của các bạn và chúng tôi kêu gọi các bạn hợp tác với chúng tôi. Đó không phải là việc chia thành các bên. Chúng ta phải thay thế hệ thống nhị cực kiểu cũ trong thời Chiến tranh Lạnh bằng hệ thống không phải 2 cực kiểu mới mà là đa cực, cho phép cùng nhau thực hiện sứ mệnh phía trước, bởi vì chiến tranh giữa các quốc gia không còn là mối đe doạ lớn nhất trong khu vực hoặc trên thê giới.
Thay vào đó, chúng ta đang đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh phi truyền thống và phi đối xứng. Nạn buôn người, chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma tuý và phổ biến hạt nhân không thể giải quyết một cách đơn độc, hoặc thông qua những cơ chế an ninh cũ của qua khứ. Chúng tôi thuộc khối ASEAN hiểu điều đó, vì thế chúng tôi đặt ra hàng loạt cơ chế an ninh. Thương mại nội khối đã lên tới 1 nghìn tỷ USD. Liên kết các nền kinh tế của chúng tôi theo cách đó là con đường để giảm khả năng xung đột. Thương mại và đầu tư là những trụ cột quan trọng xây dựng hoà bình. Câu hỏi là: Tại sao các bạn lại tiến hành chiến tranh tại thị trường lớn nhất của các bạn? Khi các nền kinh tế của chúng tôi liên kết, thì nhân dân chúng tôi cũng vậy. Những công nghệ thông tin liên lạc mới, sự ra đời của hàng không giá rẻ xoá nhoà biên giới quốc gia, cho phép ngày càng nhiều người có dịp hội nhập với láng giềng gần xa của họ.
Ở đất nước tôi – Malaysia, nơi hòa nhập của nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo, đơn giản chỉ là những gì chúng tôi làm. Đó là những gì chúng tôi làm cho hơn nửa thế kỷ từ khi độc lập. Đó là sự đoàn kết dẫn đến ổn định, an ninh và hòa bình. Dòng họ của tôi thuộc một dân tộc được gọi là Bugis. Cây gia đình của chúng tôi có rất nhiều nhánh, bao phủ các hòn đảo và bán đảo ở Malaysia, Indonesia và Singapore – sự lan rộng mang tính địa lý bởi nó đến từ sự đam mê đi biển, khám phá và cũng bởi vì cách chúng tôi tự mình sống khi đến một vùng đất mới. Trong suốt lịch sử, các chủng tộc và con người đã tìm cách đến các vùng lãnh thổ mới thông qua các cuộc chinh phục và áp bức nhưng những người Bugis đã luôn luôn thực hiện một cách tiếp cận khác là falsafah tiga hujung – hay là triết lý ba lời khuyên (Triết lý ngoại giao của Malaysia đối với sự xâm lược, bạo lực và chiến tranh, theo đó dùng giải pháp hoà bình để giải quyết xung đột). Cách đầu tiên là hujung lidah, cách thứ hai là hujung anu tu, tôi sẽ không dịch. Cách thứ 3 là hujung keris, đây là cách mà tôi tin rằng nó vẫn còn tiếng vang cho đến tận ngày nay.
Sự xung đột cơ học, sự xâm lược, bạo lực và chiến tranh gần như là phương cách tuyệt vọng cuối cùng. Rất lâu trước khi dùng vũ lực, người Bugis thường sử dụng các biện pháp ngoại giao, đó là cách hujung lidah. Họ sẽ nói chuyện với những láng giềng, để hiểu họ, cố gắng đạt tới kết cục cả hai bên đều chấp nhận được. Bước tiếp theo là liên quan đến hội nhập, tăng cường liên kết giữa người Bugis và những bên khác trong mối quan hệ bạn bè, gia đình. Đôi khi còn liên quan đến cả hôn nhân. Đó không hoàn toàn là những điều tôi đề cập hôm nay, vì một lý do là tôi đã có một người vợ đáng yêu. Trong nền kinh thế toàn cầu hóa, mối quan hệ tài chính giữa các quốc gia gắn kết các quốc gia lại với nhau chặt chẽ đến mức như những lời hứa hôn.
Ví dụ như hôm nay, cùng vùng biển mà tổ tiên tôi đã vượt qua cách đây hàng nghìn năm trước, và Zheng đã tới vào thế kỷ 15, là một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Hàng năm, gần 100.000 con tàu ngược suôi qua eo biển Malacca, và hơn một phần tư lượng hàng hóa trên thế giới được giao dịch đi qua biển Đông. Nếu các liên kết giao thông là mạch máu của thương mại quốc tế, thì Đông Nam Á sẽ trở thành trái tim đập không ngừng và chúng ta có trách nhiệm tập thể là đảm bảo kinh đoanh có thể hoạt động ở đây được an toàn và an ninh. Đó là nguyên nhân tại sao Malaysia, Singapore và Indonesia đã đang làm việc ba bên với nhau thông qua tuần tra chung trong sáng kiến Sky để chống lại các mối đe dọa từ cướp biển tại eo biển Malacca, một phản ứng hiệu quả trong việc so sánh với thực trạng leo thang ở vùng Horn thuộc Châu Phi.
Những lĩnh vực chúng ta cần hợp tác không chỉ giới hạn ở thương mại. Sau sự kiện 11-9, chúng ta đang đối mặt với một viễn cảnh an ninh mới, không được xác định với nhiều loại đe doạ. Chúng ta phải cùng nhau đáp lại những thách thức đó với quyết tâm cao và sự lựa chọn mới. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc tất cả các quốc gia phải bảo đảm an ninh trong phạm vi biên giới của mình. Điều đó phải được kèm theo cả thiện chí hợp tác trên cơ sở đơn phương và đa phương
Malaysia đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò như một công dân toàn cầu có trách nhiệm và chúng tôi đã thể hiện và sẽ tiếp tục thực hiện cam kết của mình không những bằng lời nói mà bằng cả hành động. Trong việc bảo vệ hòa bình thế giới, những người gìn giữ hòa bình thế giới của Malaysia đã phục vụ dưới sự hỗ trợ của cả Liên Hiệp Quốc (UN) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ Somalia tới vùng Balkan, các nhân viên an ninh Malaysia đã đóng góp sự hy sinh cao cả để phục vụ cho sự ổn định toàn cầu.
Những hoạt động của chúng tôi không chỉ đơn giản là vai trò gìn ngữ hòa bình. Malaysia còn đóng góp bằng nhiều cách, có lúc, bao gồm cả những cách không ngờ tới, ví dụ như ở Afghanistan, nơi chúng tôi đang đóng vai trò tái thiết đất nước này bằng việc cử tới đây nhiều bác sĩ nữ Hồi giáo. Trong cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, chúng tôi cũng đóng một vai trò tích cực và chủ động để đảm bảo rằng Malaysia không trở thành một điểm nóng và cũng không phải là nơi quá cảnh cho các hoạt động khủng bố và cũng rất chủ động, hoặc thông qua việc chia sẻ thông tin tình báo với mạng lưới an ninh khu vực, chúng tôi đã giúp bắt giữ và tiêu diệt nhiều tên khủng bố như Mas Selamat, Dr Azahari và Noordin Mat Top.
Ở miền nam Philippine, Malaysia đã cử tới một nhóm quan sát viên quốc tế và hoạt động như một trung gian thông qua việc tổ chức những cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Phillipine và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro. Đã có những lúc điều này trở thành một vấn đề nhạy cảm với chúng tôi nhưng chúng tôi cam kết sẽ đi đầu trong để đảm bảo các lợi ích cho hòa bình và ổn định rộng lớn hơn. Ở miền Nam Thái Lan, chúng tôi đã đưa ra những tín hiệu sẵn sàng giúp đỡ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của bốn tỉnh có đông người Hồi giáo sinh sống.
Trong quan hệ song phương, chúng tôi đang làm việc với Hoa Kỳ để chống lại các loại tội phạm như buôn bán ma túy, chủ nghĩa khủng bố và gian lận thương mại; với Australia thì giải quyết các vấn đề người tị nạn và thúc đẩy ổn định trong toàn bộ khu vực.
Trong quan hệ đa phương, chúng tôi đang làm việc để thực thi Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua Đạo luật thương mại chiến lược mới của chúng tôi. Tôi khẳng định rõ rằng chúng tôi đang đóng vai trò là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế, và rằng trong tinh thần của Tuyên bố 1995, chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một ASEAN trở thành một khu vực phi hạt nhân.
Chúng ta đơn giản không thể để công việc quan trọng của chúng ta bị trật đường ray bởi những căng thẳng hoặc mất ổn định do những bất đồng và tranh chấp. Tại thời điểm này, với Thái Lan và Camphuchia ở khu đền Hague, cả khu vực chúng ta biết quá rõ các cuộc đụng độ chết người có thể xảy ra như thế nào. Tin xấu là đã có 16 thiệt mạng. Tin mừng là cả hai bên đang đàm phán với nhau. Chúng đều có hy vọng lớn là sẽ có một giải pháp sắp tới.
Tất nhiên, những khó khăn giữa các nước láng giềng sẽ bùng phát theo thời gian nhưng trong khu vực chúng ta sự thực là đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết một số tranh chấp những năm qua. Trung Quốc và Nga đã có thể giải quyết biên giới đất liền của họ với chiều dài là 4.300 km, đường biên giới dài nhất thế giới, năm 2008. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã hoàn thành phân giới cắm mốc của hai nước trong năm đó. Tại Malaysia, chúng tôi từ lâu đã cố gắng đàm phán các tranh chấp biên giới trên tinh thần tiếp thu và hội đàm. Với Thái Lan chẳng hạn, chúng tôi đã tạo ra một khu vực phát triển chung với việc cả hai nước đều đồng ý chia sẻ các tài nguyên khoáng sản. Với Singapore, một khiếu nại hòa bình và ngoại giao được đệ lên Tòa án Quốc tế vì Công lý, kết quả là một phán quyết hòa giải được chấp nhận bởi cả hai bên. Với Brunei, một giải pháp đã được tìm thấy trên cơ sở hai bên đều có lợi với thỏa thuận chia sẻ sản xuất cũng đã được thực thi.
Tôi hi vọng rằng tất cả tranh chấp biên giới có thể được giải quyết theo cùng tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác. Tôi cũng lạc quan là ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm có thể thỏa thuận một bộ luật ứng xử ràng buộc hơn để thay thế cho Tuyên bố Ứng xử năm 2002 về biển Đông. Những yêu sách trùng lặp ở biển Đông liên quan đến 6 bên là rất phức tạp, nhưng nói chung những yêu sách này được quản lý với sự kiềm chế đáng lưu ý. Chúng ta không cho phép sự bất đồng của chúng ta về vấn đề này leo thang vượt quá lĩnh vực ngoại giao. Tất cả các bên phải kiên định trong quyết tâm tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp này. Vâng, trong khi tôi vẫn cam kết hoàn toàn cho lập trường chung của ASEAN về mặt thỏa thuận của chúng ta với Trung Quốc ở biển Đông, tôi cũng quyết tâm đảm bảo mối quan hệ song phương của chúng ta vẫn không bị tác động và tiếp tục được tăng cường.
Đây là một bước tiến: đối thoại, thỏa thuận, nhất trí. Đó là những giá trị được nêu trong Tuyên bố Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập đã được ký bởi các quốc gia thành viên sáng lập ASEAN năm 1971, khi đó bố của tôi là Thủ tướng Malaysia, và trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác.
Hãy để tôi chia sẻ với quí vị ý tưởng của tôi về 6 nguyên tắc thực tế để củng cố khái niệm hợp tác hiệu quả trong khu vực của chúng ta. Một là, thỏa thuận nhiều quốc gia như thế là cực kỳ quan trọng để công nhận đầy đủ vai trò của mỗi nhà nước thành viên, dù giàu hay nghèo, dù nhỏ hay to. Hai là, chúng ta phải đánh giá cao việc mối đất nước thành viên có sự khác biệt về mặt lịch sử, văn hóa và vị thế kinh tế. Ba là, những biện pháp xây dựng lòng tin cần phải được thực thi để thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết sâu hơn giữa các đối tác. Bốn là, chúng ta cần mạng lưới những hình thức khác nhau về kiến trúc an ninh, không những chỉ cho khu vực và với sự hợp tác của các cường quốc ngoài khu vực, mà cũng còn nằm trong bối cảnh những thỏa thuận song phương. Năm là, cần phải có mối quan hệ thể chế - mối quan hệ không nhũng chỉ ở cấp cao nhất mà cũng còn ở những thể chế khác nhau của chúng ta.
Đã có tiến bộ đáng kể từ sự hợp tác khu vực và toàn cầu và việc xây dựng dựa trên điều này sẽ làm các đối tác chính tiến lại gần với nhau hơn. Thực vậy, những tiến trình khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng 8 đã tích cực khai thác sự hợp tác này trong cứu trợ thiên tai và trợ giúp nhân đạo. Hôm nay tôi muốn kêu gọi việc thành lập tổ chức nhân đạo khu vực, một tổ chức phản ứng nhanh có khả năng đối phó thiên tai khi có thên tai. Những hoạt động này đặc biệt thích hợp vì chúng cũng cố mối tương tác trực tiếp giữa các cơ quan quốc phòng và an ninh của các nước khác nhau, đi từ những tuyên bố chính thức và đối thoại cấp cao đến những hoạt đông được điều phối.
Thành lập Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) là một trong những sáng kiến có tầm nhìn xa nhất và táo bạo nhất trong cộng đồng khu vực chúng ta, đã tăng cường hoàn bình và thúc đẩy ổn định theo lẽ tự nhiên, bao gồm các quốc gia với tất cả các màu sắc chính trị. Tuy nhiên, chúng ta đã chậm một chút trong việc tạo nên các tiến bộ trong chương trình nghị sự để xây dựng niềm tin, các đầu mối an ninh và ngoại giao phòng ngừa. Rõ ràng là ARF, cùng với ADMM cộng 8, đã tạo ra sự gấp gáp hơn và đưa ra việc giải quyết chính trị mạnh mẽ hơn trên tất cả các mặt, nhưng trong việc xây dựng các liên minh mới và thành lập các đầu mối an ninh mới, chúng ta không nên quên những cái cũ như Hiệp ước An ninh của Liên minh Quốc phòng 5 quốc gia.
Như tôi nói trước đó, chúng ta không nên quá bất ngờ khi gặp phải nhiều vấn đề, điều này dẫn tôi đến điểm thứ sáu và cũng là cuối cùng của mình: để tránh những khó khăn làm chúng ta bất ngờ, chúng ta phải xây dựng trên tất cả những gì cũng ta đã đạt được, không những kiềm chế những tranh chấp mà còn phải giải quyết chúng. Bây giờ chứ không phải lúc khác, chúng ta cần tập trung vào bức tranh lớn hơn và không bị che mắt bởi những mối quan tâm riêng của chính mỗi chúng ta.
Trong Hồi giáo, chúng tôi có một khái niệm wasatiyyah, có nghĩa là sự ôn hoà hoặc cân bằng. Tinh thần của sự ôn hoà đã tạo nên đất nước Malaysia ngày hôm nay và tôi tin đó sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức mà chúng ta cùng nhau đối mặt trong khu vực. Đó là lý do tại sao tại Liên Hiệp Quốc năm ngoái, tôi đã kêu gọi một hành động toàn cầu mới vê sự ôn hòa, điều mà có thể thấy chính phủ, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới đối mặt với chủ nghĩa cực đoan ở bất kỳ nơi đâu được tìm thấy. Cũng chỉ như bạn không thể làm thế giới tốt hơn bằng việc thông qua một đạo luật được tuyên bố là sẽ tốt hơn, bạn không thể thoát khỏi thế giới với các quan điểm cực đoan bằng cách làm chúng bất hợp pháp. Tôi không nghi ngờ rằng chúng ta có thể thúc đẩy tốt nhất lòng khoan dung và sự hiểu biết không phải bằng cách làm im lặng sự căm thù mà bằng cách làm cho tiếng nói của lý do lớn hơn và rõ hơn.
Kể từ khi các thảo luận và tranh cãi cách đây 10 năm, diễn đàn này đã luôn hơn một nơi chỉ để nói. Nó đã tăng cường sự nhạy bén, an ninh thực tiễn và hợp tác quốc phòng. Tôi tin tưởng rằng những động thái ôn hòa có thể là biểu hiện mang tính xây dựng của các giá trị chung của chúng ta. Các thách thức lớn trước chúng ta như các quốc gia là làm sao để đảm bảo an toàn độc lập và thịnh vượng cho nhân dân trong một thế giới không yên tâm. Làm sao chúng ta có thể vạch ra một tương lai tốt cho con cháu chúng ta? Làm sao chúng ta có thể thúc đẩy phúc lợi xã hội cho nhân dân và giải quyết các vấn đề lớn trong thời đại chúng ta? Câu trả lời nằm trong chúng ta và mang đến lòng quyết tâm và các nguồn lực để chống đỡ.
Như các nhà lãnh đạo có trách nhiệm, chúng ta không thể và không nên phung phí cơ hội trước mắt để giúp đỡ xây dựng một trật tự thế giới mới, nơi mà một nền hoàn bình và công bằng được xác định trên các nguyên tắc luật pháp hơn là những ngoại lệ. Chúng ta biết rằng các chính phủ không thực hiện tốt việc quản lý là đang tồn tại trong khoảng thời gian vay mượn. Chúng ta phải đảm bảo tự do và ổn định ở mọi cấp độ, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Để đạt được mục tiêu đó, hãy để chúng ta tiếp tục tham gia với nhau trong các cuộc đối thoại liên tục như Winston Churchill từng nói: “đối thoại tốt hơn chiến tranh”
Cảm ơn quý vị!
Thu Hùng – Duy Minh (dịch)
Nguồn: www.iiss.org