Xây dựng Đảng-khâu then chốt trong tiến trình đổi mới

QĐND - Không phải ngẫu nhiên, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại dành phần lớn dung lượng đề cập đến vấn đề đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng”. Quán triệt tinh thần đó, công tác xây dựng Đảng trong thời điểm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiến tới hoàn thành các mục tiêu sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, hơn lúc nào hết cần quán triệt những định hướng lớn của Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XI) lần này.

Bám sát tinh thần của Trung ương, trước hết cần nhận thức rõ, trong công cuộc đổi mới chính trị, khâu then chốt là phải đổi mới công tác xây dựng Đảng. Theo nghĩa đó, đổi mới công tác xây dựng Đảng phải bám sát tinh thần đổi mới về chính trị được Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XI) chỉ ra: “Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta…”. Như vậy, đổi mới công tác xây dựng Đảng chính là việc giữ vững bản chất cách mạng của Đảng, bám sát mục tiêu làm cho Đảng mạnh lên, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn xã hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo mục tiêu cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chọn.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Lịch sử 85 năm qua (1930-2015) cho thấy: Sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Đảng ta lãnh đạo, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Là chủ thể lãnh đạo toàn xã hội thực hiện mục tiêu bất biến ấy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng không ngừng tự vận động, tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sát với tình hình trong điều kiện cụ thể. Đảng ta thẳng thắn nhận diện những yếu kém, khuyết điểm, thường xuyên làm tốt việc tự phê bình và phê bình để bổ sung, hoàn thiện các yếu tố, thành tố, nội hàm… nhằm phát huy trí tuệ trong Đảng và sức mạnh tập thể, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo xã hội thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống, giai đoạn cách mạng. Thực tiễn cũng cho thấy, Đảng chưa bao giờ xa rời hệ tư tưởng giai cấp, giữ vững bản chất cách mạng của một đảng chân chính. Và chính nhờ việc giữ vững mục tiêu cách mạng, Đảng đã lãnh đạo đất nước giành được nhiều thành quả to lớn, diện mạo đời sống xã hội được thay đổi đáng kể, vị thế quốc gia, dân tộc được nâng cao.

Nhìn lại lịch sử, nếu ví công cuộc đổi mới công tác xây dựng Đảng trong suốt 30 năm qua đã thành công chủ yếu theo bề rộng, thì đổi mới công tác này trong giai đoạn hiện nay và sắp tới sẽ diễn ra theo chiều sâu, thực chất hơn. Chính vậy, công tác xây dựng Đảng tự nó sẽ động chạm nhiều đến lợi ích, đặc quyền, đặc lợi và thậm chí là đặc ân của một số nhóm xã hội nhất định; chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, phức tạp hơn, quyết liệt hơn, đòi hỏi quyết tâm và ý chí mạnh mẽ hơn, nhưng lại phải tỉnh táo và sáng suốt.

Tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng cho thấy: Đổi mới công tác xây dựng Đảng hiện nay thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng tập trung đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, trong đó, cốt lõi là đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) của Đảng; nhất là việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiền phong gương mẫu của Đảng, của đội ngũ CB, ĐV; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng TSVM; phát huy tính tiền phong gương mẫu, gần dân, sát dân của CB, ĐV; có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm… Tất cả những nội dung, phần việc nội hàm trong đổi mới công tác xây dựng Đảng đó, thời gian tới đây sẽ có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn và nhiều bài học quý báu ngay sau khi Đảng tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới, chỉ ra những vấn đề liên quan đến mặt công tác tối quan trọng này.

Một dịp tốt để chỉnh đốn Đảng

Song song với việc nâng cao nhận thức cho CB, ĐV, quần chúng, vấn đề thứ hai, cũng là nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp. Xem đây là một dịp đổi mới, chỉnh đốn Đảng, làm mới Đảng.

Để thực hiện phần việc này, trước hết, việc chuẩn bị hệ thống văn kiện đại hội ở tất cả các cấp cần chú trọng đánh giá toàn diện các mặt, các lĩnh vực trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ trước; đúc rút những bài học kinh nghiệm xương máu trong thực tiễn tiến hành công tác này. Đồng thời, các cấp cũng tập trung trí tuệ xây dựng đường lối, chủ trương và giải pháp lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới. Với từng cấp, cần đánh giá và dự báo đúng tình hình, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn để xác định chủ trương, giải pháp thiết thực, bám sát định hướng của trên và thực tiễn cơ sở trong công tác xây dựng Đảng. Chủ trương lãnh đạo phải toàn diện, có tính dài hơi, đón trước cơ hội. Trên cơ sở chủ trương lãnh đạo tổng thể, toàn diện, cần xác định thế mạnh và những mũi nhọn, công việc trọng yếu để tập trung đột phá, bứt phá trong công tác xây dựng Đảng.

Cùng với đó, việc chuẩn bị tốt nhân sự cho nhiệm kỳ đại hội mới cũng được xem là một giải pháp đặc biệt quan trọng, tạo “cú hích” cho việc đổi mới công tác xây dựng Đảng. Do đó, ngay từ bây giờ, các cấp cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc đánh giá, rà soát chất lượng CB, ĐV. Cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn nhân sự lựa chọn giới thiệu vào cấp ủy, nhất là về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín trong Đảng, trong nhân dân. Đối với tất cả các cấp, tiêu chí cao nhất để lựa chọn, đánh giá cán bộ là hiệu quả công việc trên thực tế. Công tác chuẩn bị nhân sự cần thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn, vận dụng vào điều kiện cụ thể, chọn người cho đúng, bố trí cho trúng, để phát huy vai trò, năng lực CB, ĐV.

Ngoài các vấn đề nêu trên, trong quá chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng, các cấp, mỗi tổ chức, đơn vị cần triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội mỗi cấp; quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong CB, ĐV và các tầng lớp nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện cơ hội, tán phát đơn thư tố cáo nặc danh, tung tin bịa đặt, vu cáo, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ; kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, khi các đảng bộ địa phương tổ chức đại hội Đảng...

Xây dựng Đảng phải bằng tâm huyết và trách nhiệm của từng đảng viên

Vấn đề thứ ba, đồng thời cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là phải tiếp tục thực hiện kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Rất phấn khởi khi bước sang năm thứ tư thực hiện nghị quyết quan trọng này, cả 4 nhóm giải pháp mà nghị quyết đề ra đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng trong toàn Đảng và tạo chuyển biến rõ nét. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã trở thành việc làm thường xuyên, quan trọng gắn với sinh hoạt của từng tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương. Qua đó giúp mỗi tổ chức đảng và CB, ĐV tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn những sai phạm, tiêu cực. Các phần việc khác, như: Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ; quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khởi tố, điều tra, truy tố, đưa một số vụ án tham nhũng lớn ra xét xử... là những biểu hiện sinh động và là kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Nhờ đó mà tổ chức đảng có chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ đã tự giác thay đổi về phong cách công tác, lề lối làm việc theo hướng dân chủ, sát dân hơn, gần dân hơn; sự vận hành của tổ chức bộ máy nhanh hơn, hiệu quả hơn... Niềm tin của nhân dân với Đảng từng bước được củng cố; người dân ngày càng tích cực, trách nhiệm hơn trong tham gia xây dựng Đảng. Đó là những viên gạch tạo nên nền móng vững chắc của “công trình” xây dựng Đảng trong thời gian tới.

Tuy vậy, để Nghị quyết Trung ương 4 tiếp tục đi vào cuộc sống, thấm sâu xuống cơ sở, trước hết mỗi CB, ĐV phải gương mẫu đi đầu, quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp mà nghị quyết đề ra. Mỗi CB, ĐV phải kiên trì, kiên quyết, thực hiện các nội dung nghị quyết bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm. Đảng ta xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. CB, ĐV, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, thì Đảng mới mạnh hơn. Lịch sử suốt 85 năm qua đã chứng minh vai trò to lớn và sứ mệnh trọng đại của Đảng ta. Càng tự hào về Đảng, chúng ta càng phải chăm lo công tác xây dựng Đảng, để Đảng ngày càng mạnh hơn.

LÊ NGỌC LONG – NGUYỄN TẤN TUÂN



Bài 1: Đánh giá đúng tình hình để có giải pháp đúng

Bài 2: Thực chất về đổi mới chính trị

Bài 4: Dồn sức, đồng lòng tạo xung lực mới