Đào tạo toàn diện kiến thức quân sự
Trước khi tham gia chương trình giao lưu tại Học viện Quốc phòng Ấn Độ, Thiếu tá Đơ-hin-giai Pa-ra-sa (Dheelzaj Parashar), sĩ quan phụ trách dẫn Đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam giao lưu tại Ấn Độ đã giải thích với các thành viên trong đoàn về đối tượng học tập tại học viện. Đó là thanh niên Ấn Độ, tuổi đời từ 16 đến 19, đã trúng tuyển trong các kỳ thi đầu vào do học viện tổ chức hằng năm. Ngoài ra, học viện còn tổ chức đào tạo sĩ quan cấp phân đội thuộc các chuyên ngành quân sự cho hơn 20 nước trên thế giới. Quá trình đào tạo, các học viên phải trải qua các kỳ huấn luyện rất khắt khe, học viên tốt nghiệp không những vững vàng kiến thức chuyên ngành mình học mà còn thành thạo nhiều kỹ năng của các chuyên ngành khác.
Lời giới thiệu của Đơ-hin-giai Pa-ra-sa đã khiến chúng tôi thêm phần hào hứng tìm hiểu về quá trình đào tạo của học viện. Những câu hỏi của các sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam đã được Đại tá Ben-xi Gia-cốp (Bency Pjacob), Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quốc phòng Ấn Độ trả lời khá đầy đủ. Theo đó, thời gian huấn luyện chuyên ngành là 58%, các môn hàn lâm 23%; huấn luyện ngoài trời, thể chất 19%. Năm học đầu tiên thí sinh sẽ được huấn luyện sơ cấp các chuyên ngành về lục quân, hải quân, không quân. Qua hai kỳ kiểm tra, học viện sẽ lựa chọn học viên theo khả năng và năng khiếu để đào tạo chuyên sâu ở các năm học tiếp theo. Từ năm học thứ hai đến năm học thứ tư, học viên phải trải qua 6 kỳ kiểm tra về thể lực, chuyên ngành được đào tạo chính khóa, các chuyên ngành đào tạo bổ trợ. Căn cứ vào kết quả kiểm tra và học tập, nếu học viên không đủ điều kiện sẽ phải học lại những nội dung yếu vào năm sau, hoặc chuyển xuống hệ đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Dù được đào tạo ở chuyên ngành nào, nội dung bắt buộc đối với học viên sĩ quan là phải biết sử dụng súng trường; điều khiển xe tăng, xe thiết giáp, tàu thủy, xuồng cao tốc; lái máy bay chiến đấu, cưỡi ngựa, bắn cung, đấm bốc và chơi được hai môn thể thao trở lên.
Đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn chiến đấu số 2 Kalipanghwin.
Theo Đại tá Ben-xi Gia-cốp, tuy học viên được đào tạo rất cơ bản tại Học viện Quốc phòng Ấn Độ nhưng họ chưa thể tiếp cận ngay với tình hình thực tế của quân đội, đơn vị. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cử về đơn vị cơ sở công tác. Tại đó, chỉ huy các đơn vị sẽ trực tiếp đào tạo lại trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó mới giao nhiệm vụ chỉ huy, quản lý theo cấp đã được đào tạo.
Tương tự như ở Học viện Quốc phòng Ấn Độ, Học viện Kỹ thuật Quân sự Ấn Độ cũng có phương châm đào tạo: “Toàn diện, sâu về chuyên ngành”. Thời lượng dành cho các môn chuyên ngành là 60%, các môn học bổ trợ và hoạt động ngoại khóa là 40%. Ngoài đáp ứng tốt kiến thức chuyên ngành, mỗi học viên một năm phải tham gia thi đấu võ thuật ít nhất một lần, chạy được 12km, biết chơi các môn thể thao... Thiếu tá Bơ-hun-đra Xinh (Bhupndra Singh), Chỉ huy Trung tâm huấn luyện Học viện Kỹ thuật Quân sự Ấn Độ cho biết: “Học viên đào tạo tại học viện sau khi ra trường đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, chỉ huy huấn luyện, tác chiến sát thực tế chiến đấu, sát chiến trường, thành thạo sử dụng nhiều loại vũ khí, phương tiện, trang bị khí tài”.
Từ kinh nghiệm trong đào tạo sĩ quan của các học viện, nhà trường của Quân đội Ấn Độ, Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội thay mặt Đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam đã chia sẻ với sĩ quan trẻ nước bạn về một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường của QĐND Việt Nam. Theo đó, các học viện, nhà trường luôn quan tâm đến tính đặc thù của đối tượng đào tạo, nội dung giảng dạy bảo đảm vừa sức, tạo hứng thú cho học viên trong học tập. Các học viện, nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy-học theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của người học, coi trọng rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn, sát với chức trách, nhiệm vụ. Cùng với nâng cao chất lượng giờ lên lớp của giáo viên, các học viện, nhà trường của QĐND Việt Nam chú trọng đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò trợ giáo của đội ngũ cán bộ cấp đại đội, trung đội trong tổ chức, duy trì hoạt động tự học của học viên, nâng cao chất lượng giờ tự học, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Các trường đào tạo sĩ quan thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, bảo đảm “học thực chất, thi thực chất”.
Trung tá A-bi-sếch Giô-si (Abhjshek Joshi), cán bộ Khoa Giáo viên chiến thuật địa hình, Học viện Kỹ thuật Quân sự Ấn Độ rất tâm đắc với chia sẻ của Thượng tá Đinh Quốc Hùng. Anh cho biết sẽ trình bày với cấp trên để vận dụng một số kinh nghiệm trong việc phát huy vai trò của giảng viên ở các học viện, nhà trường QĐND Việt Nam vào thực tế công tác giảng dạy tại khoa mình.
Huấn luyện sát thực tế
Khi chúng tôi đến tham quan buổi huấn luyện điều lệnh đội ngũ của Phân đội 2, Học viện Quốc phòng Ấn Độ, thấy các học viên đang ke tay và ke chân trong khung sắt. Thiếu tá A-núp-giô-xép Man-gia-li (Anupjoseph Manjali), phụ trách huấn luyện đội ngũ của học viện giải thích: “Ke chân và tay trong khung cố định sẽ giúp người học điều chỉnh độ nâng của tay và độ dừng của bàn chân đúng theo quy định, phù hợp với đội hình, góp phần tạo ra sự hoàn chỉnh về tốc độ đi, cữ tay, cữ chân khi diễu hành hoặc cơ động”.
Tại Khoa Kỹ thuật tăng, Trường Kỹ thuật Tăng-Thiết giáp Ấn Độ, chúng tôi đã được tham quan nội dung huấn luyện đội ngũ chiến thuật “Đại đội xe tăng cơ động chiến đấu ở địa hình rừng núi và sa mạc”, do Trung tá An-kít Pra-ca-sơ (Ankit Prakash), giáo viên của khoa trực tiếp hướng dẫn. Các học viên của lớp học phải xử trí các tình huống do giáo viên đưa ra và trực tiếp chỉ huy phân đội xe tăng tham gia chiến đấu tiến công và phòng ngự trên hệ thống sa bàn tổng hợp. Xe tăng được sản xuất thu nhỏ với tỷ lệ 1/100. Học viên chỉ huy cơ động phương tiện thông qua hệ thống điều khiển cầm tay. Yêu cầu mà giáo viên đặt ra là: Quá trình cơ động phải xác định đường hướng cụ thể, khoa học và linh hoạt; các tình huống giả định phải xử lý đúng nguyên tắc, đúng ý định của giáo viên; khuyến khích học viên có những phương pháp xử lý mới, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong quá trình học viên tính toán xử trí tình huống, giáo viên điều khiển tốp máy bay “địch” bắn phá vào một số khu vực trên hệ thống sa bàn. Theo Trung tá An-kít Pra-ca-sơ, bài học này được tiến hành trong 3 ngày liên tục; khoảng thời gian này là tình huống chiến đấu nên mọi hoạt động phải mau lẹ, dứt khoát, xử trí tình huống phải kịp thời, đặc biệt là học viên ăn ngủ cũng theo quy định của thời chiến.
Về việc huấn luyện sát thực tế, chúng tôi còn được thấy ở Tiểu đoàn chiến đấu số 2 Kalipanghwin (Trung đoàn Maratha). Buổi luyện tập bắn chiến đấu của phân đội 1 ở địa hình hỗn hợp do Trung tá A-nan Mô-han (Anan Mohan), Tiểu đoàn phó hướng dẫn. Toàn bộ các mục tiêu đều được bố trí ẩn hiện không theo quy luật. Mục tiêu xuất hiện rất bất ngờ khi chiến sĩ cơ động và ẩn sau 5 giây. Điều đó đòi hỏi chiến sĩ phải tập trung, ngắm bắn và kết thúc phát bắn trong thời gian nhanh nhất, vừa bảo đảm tiêu diệt được mục tiêu, vừa thuận lợi trong quá trình cơ động tiếp theo... Phương pháp huấn luyện làm chủ vũ khí của tiểu đoàn cũng được tiến hành hết sức nghiêm túc, ngoài nắm vững tính năng, cấu tạo của gần 10 loại vũ khí có trong biên chế tham gia chiến đấu, chiến sĩ phải thành thạo việc lau chùi, bảo quản, ngụy trang, tháo lắp và vận dụng linh hoạt các tác dụng phụ của vũ khí. Ví dụ như khẩu súng trường của lục quân do Quân đội Ấn Độ sản xuất, chiến sĩ phải luyện tập sử dụng thành thạo các tính năng phụ của súng như: Dao, cưa, bút, kính nhìn đêm, kính ngắm quang học bắn tỉa... Từ đó sẽ phục vụ tốt cho chiến sĩ chiến đấu trong đội hình và chiến đấu độc lập.
Tại các học viện, nhà trường, đơn vị Quân đội Ấn Độ mà chúng tôi tới tham quan, giao lưu đều thấy rõ phương châm huấn luyện, đào tạo của bạn là: Tăng thời gian thực hành, sát thực tế chiến đấu, nâng cao kỹ năng tác chiến độc lập. Qua nghe Đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam trao đổi về kinh nghiệm huấn luyện của các đơn vị QĐND Việt Nam, đội ngũ sĩ quan trẻ các đơn vị nước bạn rất ấn tượng và đánh giá cao công tác huấn luyện của tuổi trẻ QĐND Việt Nam. Trung tá A-nan Mô-han chia sẻ quan điểm của mình: “Các bạn xác định phương châm huấn luyện: Cơ bản, thiết thực, vững chắc, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, là nội dung rất toàn diện. Từ nội dung này sẽ có cơ sở để thường xuyên đổi mới phương pháp huấn luyện cho sát với nhiệm vụ”.
Trung tá A-nan Mô-han cũng cho rằng, sĩ quan trẻ hai nước cần tiếp thu những kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện của các cán bộ, sĩ quan đi trước, suy nghĩ, tìm tòi để nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng trong điều kiện tác chiến vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử. Ngoài ra, tuổi trẻ cần tăng cường tham gia các hoạt động huấn luyện dã ngoại, huấn luyện ban đêm kết hợp với rèn luyện động tác cá nhân để góp phần xây dựng đơn vị giỏi tác chiến.
Bài và ảnh: QUANG THẮNG
(còn nữa)