Những người mẹ nuôi Việt Nam và Lào
Từ Houaphan, đoàn chúng tôi có một chặng đường dài hơn 600km đến thủ đô Vientiane. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại ở tỉnh Xiengkhuang, tham quan Cánh đồng Chum, chiến trường máu lửa ngày nào của quân giải phóng Lào sát cánh với bộ đội tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với tôi, lần đầu có mặt ở đây nhưng lại rất gần gũi và nhiều xúc cảm. Tôi ghi lại trên facebook của mình: “Cánh đồng Chum-Xiengkhuang, cuối cùng con cũng đã đến. Gần 50 năm trước, cha cùng đồng đội của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 đã chiến đấu trong những ngày bi tráng vì nghĩa lớn. Từ khi rời ranh giới tỉnh Houaphan, theo Quốc lộ 7 vào Xiengkhuang trong con chộn rộn đến lạ. Con đường này cha đã đi. Cánh rừng này cha đã trú. Cao điểm kia cha đã chỉ huy đánh giặc... Dọc đường đi, hoa dã quỳ nở vàng rực, hoa trạng nguyên đỏ ối lối về. Màu hoa nào, mùa hoa nào đã bừng bừng trong tiếng súng reo, đạn nổ trên rẻo đường vào cao nguyên của cha và đồng đội. Trời Xiengkhuang trưa nay cao xanh vời vợi. Có ánh mắt nào của cha trên cao ấy đang dõi theo chân con vào nơi chiến địa máu và hoa nơi đất bạn của cha năm nào?”.
Trong buổi gặp mặt, do Công ty Star Telecom (liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) của QĐND Việt Nam và Lao Asia Telecom của QĐND Lào) tổ chức ở thủ đô Vientiane, tôi có đọc lại dòng cảm xúc trên. Đại tá Bee Mouafaidayiacha, Phó tổng giám đốc hành chính-nhân sự công ty xúc động ôm tôi và nói: “Tôi quê ở Xiengkhuang. Bố tôi là cán bộ cách mạng hy sinh ở Cánh đồng Chum năm 1967 khi cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu ở đây. Hồi ấy, biết đâu bố tôi và bố anh biết nhau…”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Ảnh tư liệu |
Bố Bee Mouafaidayiacha hy sinh khi anh mới 8 tuổi. Hai năm sau, anh cùng đoàn giáo viên, học sinh của Xiengkhuangsang Việt Nam học ở trường nội trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) của Việt Nam. Ngày đó, riêng Trường T1 của anh có tới hơn 1.000 học sinh Lào. Khi sơ tán, anh và một bạn Lào được một gia đình người Việt nhận đỡ đầu. “Việt Nam khi ấy còn vô vàn khó khăn trong thời chiến nhưng với tinh thần nhân ái cao cả, các gia đình Việt Nam đã cưu mang giáo viên, học sinh Lào chúng tôi. Nhà bố mẹ nuôi tôi có 3 người con, anh lớn cũng tầm tuổi chúng tôi, cô út khi ấy chừng 3, 4 tuổi gì đó. Mẹ nuôi quan tâm và chăm lo cho tôi như con đẻ của mẹ”, anh Bee Mouafaidayiacha tâm sự. Sau này, anh Bee Mouafaidayiacha có quay lại làng Phương Dao tìm người mẹ nuôi nhưng rất tiếc mẹ đã mất, các con của mẹ cũng làm ăn, sinh sống ở xa.
Câu chuyện của anh Bee Mouafaidayiacha khiến tôi nhớ đến câu chuyện vài hôm trước ở Houaphan. Tối đó, theo lời mời, chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Xây lắp điện Đức Hằng, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, sang Sầm Nưa làm ăn đã hơn 10 năm nay. Bất ngờ khi đến nhà, chúng tôi gặp bà Pheng Cannhaphin, Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng Houaphan mà đoàn mới làm việc hôm trước. Như hiểu sự bất ngờ của chúng tôi, Đức cười, giải thích: “Đây là mẹ nuôi của em. Khi sang đây làm ăn, còn bỡ ngỡ, mẹ lúc đó cũng còn khó khăn nhưng đã đùm bọc em, nhận làm con trong nhà. Mẹ có 3 con gái, em như là trai trưởng của mẹ”. Bà Pheng Cannhaphin giản dị, gần gũi nắm tay chúng tôi, thân mật nói: “Hôm qua, chúng ta làm việc ở công sở, hôm nay về đây, các anh cứ coi như ở nhà mình nhé”.
Bà Pheng Cannhaphin cho biết, bà sang Việt Nam thường xuyên. Ngoài những chuyến công tác, mỗi dịp lễ, tết hoặc có sự kiện gì, ông bà đều về quê của Đức thăm hỏi. Mẹ đẻ của Đức cũng thỉnh thoảng sang Sầm Nưa chơi. “Đức là con cái trong nhà, nó ngoan và chịu khó làm ăn nên cuộc sống cũng ổn định. Nhà có việc gì đều hăng hái và làm đến nơi đến chốn. Năm ngoái, chồng tôi bị bệnh nặng, Đức “bắt” phải đưa ngay sang Việt Nam để chữa trị. Nhờ thế mà ông ấy qua khỏi”, bà Pheng Cannhaphin kể.
Câu chuyện của anh Bee Mouafaidayiacha, anh Trần Văn Đức là hai trong rất nhiều câu chuyện xúc động mà chúng tôi được nghe và chứng kiến trong chuyến đi. Những con người và câu chuyện cụ thể ấy đã minh chứng cho tình cảm và mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào. Nó đã vượt qua mọi khuôn khổ ngoại giao thông thường, trở thành tình cảm gia đình gần gũi, thiêng liêng.
Thương nhau như núi cao Trường Sơn
Trên thế giới, trong cuộc đấu tranh để sinh tồn và phát triển của các quốc gia, các dân tộc... đã từng xuất hiện nhiều mối quan hệ liên minh hợp tác với những hình thức, nội dung khác nhau. Nhưng có thể nói, ít có nơi nào và lúc nào có được mối quan hệ đoàn kết, hợp tác bền vững lâu dài, mẫu mực trong sáng như mối quan hệ chiến lược Việt-Lào.
Mối quan hệ đó được thử thách qua các giai đoạn của lịch sử, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt-Lào được củng cố và nâng cao thành một quy luật tồn tại, phát triển, một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước và cả hai nước.
 |
Một góc Cánh đồng Chum-Xiengkhuang-công trình lịch sử, văn hóa đặc sắc, chiến trường xưa của liên minh chiến đấu Lào-Việt. Ảnh: Trọng Hải |
Về tính chất đặc biệt của mối quan hệ này, lúc sinh thời, Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng kể: "Tôi còn nhớ như in buổi làm việc thân tình trong căn nhà của Bác Hồ. Khi thảo luận về mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và giữa nhân dân hai nước, Bác và chúng tôi đều thấy rằng, ngoài mối quan hệ giữa hai Đảng cùng chung lý tưởng cộng sản, giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, mối quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta còn có sự gắn bó thân thiết không giống bất cứ nước nào... Bác Hồ gõ tay lên trán rồi nói: "Chúng ta phải gọi là quan hệ đặc biệt".
Trong các cuộc tiếp xúc, làm việc tại nước bạn Lào lần này, chúng tôi thêm những cảm nhận về mối quan hệ đặc biệt đó. Tôi nhớ hôm tiếp đoàn, đồng chí Pheng Cannhaphin, Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng Houaphan khẳng định: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng không ở đâu được như quan hệ Lào-Việt Nam. Mối quan hệ ấy dựa trên sự hiểu biết sâu sắc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, luôn tin tưởng và coi nhau như người nhà. Ví như, ở tỉnh Houaphan, trong quan hệ với các tỉnh, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam, bất cứ yêu cầu gì, khó khăn nào, kể cả vấn đề chưa có trong tiền lệ, hai bên cũng tìm cách đáp ứng, giải quyết”. Theo đồng chí Phó tỉnh trưởng, Houaphan có quan hệ sâu sắc và nhận được nhiều sự giúp đỡ của các địa phương của Việt Nam, nhất là hai tỉnh kết nghĩa: Sơn La và Thanh Hóa. Tỉnh Sơn La giúp xây trường học, bảo tàng, cung văn hóa của tỉnh; Thanh Hóa giúp xây dựng công viên, nhà khách của tỉnh và đang xây dựng bệnh viện 9 tầng tại Sầm Nưa. Tới đây, khi các tuyến xe khách từ Sầm Nưa đi Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La được mở sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai bên. Trong hơn 100 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Houaphan thì phần lớn là của Việt Nam. Đầu năm 2017, tỉnh Houaphan đã thành lập Ủy ban Cộng đồng người Việt công tác, làm việc tại tỉnh và hoạt động rất hiệu quả…
Nói về quan hệ đặc biệt Việt-Lào, Trung tướng Sonethong Phomlavong, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào kể với phóng viên Báo Quân đội nhân dân nhiều kỷ niệm với Việt Nam. “Tôi là con gia đình cách mạng. Từ hồi nhỏ, nhà tôi đã có bộ đội Việt Nam ở. Nhiều lần, tôi thấy bố và bộ đội Việt Nam nói với nhau bằng tiếng Việt. Khi tôi học ở Liên Xô về, được tổ chức giao làm cán bộ tư tưởng, bố tôi nói: “Con muốn làm tốt cương vị là cán bộ tư tưởng thì phải học tiếng Việt cho giỏi”. Từ đó, tôi quyết tâm tự học tiếng Việt. Không chỉ có tôi, mà con trai và con rể tôi cũng học ở Việt Nam. Tôi có nhiều bạn bè thân thiết ở Việt Nam. Mỗi dịp tôi sang hoặc các bạn đến đây đều hẹn hò và tìm gặp. Có lần do bận nên khi sang Hà Nội, tôi không gặp được bạn Việt Nam, có người biết, gọi điện trách. Tôi phải xin lỗi và bảo: Thông cảm đi. Chúng ta là người nhà mà”, Trung tướng Sonethong Phomlavong nhớ lại.
Khép lại hành trình chuyến công tác tại nước bạn Lào của đoàn Báo Quân đội nhân dân, cũng là khi năm mới Kỷ Hợi đang đến rất gần. Những ánh mắt lưu luyến, tình cảm và lời chúc tốt đẹp neo mãi trong chúng tôi khi về Việt Nam. Chợt nhớ tới giai điệu xúc động trong một sáng tác của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác về mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào mà chị Chanpheng khe khẽ hát lúc chia tay đoàn ở sân bay quốc tế Vạt Tày: Bao năm đã qua mối tình đôi ta/ Càng thêm sâu xa hát vang nên bao lời ca/ Lòng ta thương nhau như núi cao Trường Sơn/ Nước sông Hồng Hà Cửu Long sóng dâng…
Vientiane-Hà Nội tháng 12-2018.
Ghi chép của HOÀNG TIẾN - KIÊN HẢI