Houaphan giáp 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Sơn La với gần 600km đường biên-là tỉnh có đường biên với Việt Nam dài nhất của nước Lào. Nơi đây có hai địa danh đặc biệt của cách mạng Lào: Viengxay và Sầm Nưa.

Cuộc gặp bất ngờ ở “hang Chủ tịch Kaysone”

Chuyến công tác của đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam lần này theo kế hoạch phối hợp tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Lào (20-1-1949/20-1-2019). Qua cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), đoàn chúng tôi đặt chân đến địa phận của tỉnh Houaphan. Dọc quốc lộ 6, hoa dã quỳ vàng rực giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ của nước bạn. Theo Trung tá Chanpheng, Trưởng phòng Quốc tế Báo QĐND Lào đi cùng đoàn chúng tôi, loại hoa này ở Lào gọi là many văn, hay hoa khỉu, cùng với loại hoa mà Việt Nam gọi là hoa trạng nguyên chỉ có nhiều ở Houaphan và Xiengkhuang. Hoa nở rộ dịp này, rất thích hợp với một sự kiện quan trọng của đất nước Lào-kỷ niệm tròn 50 năm Ngày thành lập huyện Viengxay, nơi được coi như thủ đô kháng chiến của cách mạng Lào.

Thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hoauphan hôm nay. Ảnh: Trọng Hải.

Trước lễ kỷ niệm, đồng chí Pheng Cannhaphin, Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Hoauphan tiếp chúng tôi và đề nghị đoàn đến thăm một số hang động ở huyện Viengxay-những di tích lịch sử đặc biệt của cách mạng Lào. “Đây là những hang động tự nhiên, được bộ đội công binh Việt Nam giúp cải tạo thành căn cứ cách mạng tuyệt mật. Chủ tịch Kaysone Phomvihane và nhiều nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Lào từng sống, làm việc và lãnh đạo cuộc kháng chiến cho đến ngày cách mạng toàn thắng”, đồng chí Pheng Cannhaphin cho biết.

Từ Sầm Nưa, thủ phủ của tỉnh Houaphan đi chừng 30km là đến huyện Viengxay. Đây là huyện tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam, cách cửa khẩu Na Mèo khoảng 70km. Với địa thế núi cao hiểm trở và gần 500 hang động độc đáo nằm rải rác xung quanh, Viengxay được chọn làm căn cứ địa cách mạng của Lào trong kháng chiến chống Mỹ.

Dưới tán rừng già đại thụ rợp bóng mát, qua hơn 30 bậc đá dẫn chúng tôi lên hang ở và làm việc của Chủ tịch Kaysone Phomvihane nằm sâu trong vách núi. Càng đi, lòng hang càng mở rộng và có đủ phòng họp, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của gia đình và đặc biệt có cả gian phòng chống chiến tranh hóa học và phóng xạ... Từ hang ở và làm việc của đồng chí Kaysone Phomvihane có một đường hầm nhân tạo xuyên núi dài khoảng 50m dẫn đến hang họp của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Tại phòng họp trong lòng núi này, những mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về cuộc kháng chiến được ban hành. Từ những chủ trương đó, bộ đội Pa-thét Lào và nhân dân các bộ tộc Lào với sự giúp đỡ chí tình của Quân tình nguyện Việt Nam thực thi thắng lợi.

Quay ra cửa hang, chúng tôi bất ngờ gặp một đoàn khách. Được cán bộ của Bộ CHQS tỉnh Hoauphan đi cùng giới thiệu, một bác cao tuổi bước nhanh đến chỗ chúng tôi bắt tay thân mật và nói bằng tiếng Việt khá sõi: "Chào các đồng chí Việt Nam!" Với cử chỉ gần gũi, bác giới thiệu: ''Tôi là Buaxi Chanonxuc, nguyên thư ký của Chủ tịch Kaysone Phomvihane những năm sống và làm việc tại khu căn cứ này. Tôi cũng là Đại sứ Lào tại Việt Nam giai đoạn 1986-1991, sau về nước làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao, trước khi nghỉ hưu là Giám đốc Bảo tàng Kaysone Phomvihane".

Theo lời kể của bác Buaxi, 1964-1972 là giai đoạn máy bay Mỹ ném bom ác liệt từ đường Trường Sơn sang Xiengkhuang và về khu căn cứ Viengxay. Nhiều lần bom nổ ngay trước cửa hang Chủ tịch Kaysone. “Văn phòng Trung ương Đảng khi đó khoảng gần 50 người, làm việc suốt ngày đêm để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Kaysone và Trung ương. Bên cạnh nguồn tiếp tế lương thực từ Việt Nam, văn phòng chúng tôi còn tổ chức tăng gia sản xuất quanh khu vực hang. Từ hang trung tâm này, Chủ tịch Kaysone chủ trì nhiều cuộc họp và quyết định quan trọng”-bác Buaxi nhớ lại.

Đồng chí Thamsinh Thammavong, nguyên Thủ tướng Lào với đoàn công tác của Báo Quân đội nhân dân Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân Lào. Ảnh: Khammany

Đến các điểm tham quan, chúng tôi thật sự ấn tượng với sắc đỏ thắm của những cánh hoa trạng nguyên trồng phía trước cửa hang. Xung quanh cửa các hang, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, của Hoàng thân Souphanouvong còn được trồng rau dền đỏ-màu mà các lãnh đạo Lào ưa thích nhất vì tượng trưng cho cách mạng. Trước cửa hang của Hoàng thân Souphanouvong là cây bưởi quý được lấy giống từ chính cây bưởi của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp mang sang trồng năm 1972. Phía trước cây bưởi là một hố bom lớn của Mỹ đã được đích thân Hoàng thân Souphanouvong thiết kế thành ao thả cá mang hình trái tim. Đồng chí Kham Hommyxay, Phó bí thư Huyện ủy Viengxay kể với chúng tôi: “Hoàng thân từng nói rằng, giặc Mỹ đã bắn vào trái tim của nhân dân Lào. Nhưng ý nghĩa lớn lao hơn chính là bom đạn đế quốc xâm lược không thể nào khuất phục trái tim yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc. Nước mạch ngầm vẫn luôn chảy tràn trong trái tim ở Viengxay, như dòng máu cách mạng vẫn luôn nuôi dưỡng các thế hệ cán bộ, nhân dân Lào về lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình”.

Ánh mắt “Cô gái Sầm Nưa”

Đã nhiều lần nghe bài hát “Cô gái Sầm Nưa” của nhạc sĩ Trần Tiến nhưng khi đến thị xã Sầm Nưa của tỉnh Houaphan nghe và hát lại bài này, mang đến cho chúng tôi những cảm xúc mới lạ. Trong đó có những ca từ rất da diết, tình tứ: Ơi này cô gái, ơi này cô gái Lào…/ Em hỡi em ra đây cùng kiều Lăm-tơi, khèn anh ngân vang.../ Trông kìa đôi tay mềm thân uốn cong Lăm-vông nhịp nhàng…/ Anh đã nhìn thấy em cười tươi, anh đã nhìn thấy em cười rồi/ Ơi nụ cười sao duyên dáng…/ Ơi cô em Sầm Nưa, nhớ thương anh đợi chờ…

Thiếu úy Khammany, cán bộ tuyên huấn của Bộ CHQS tỉnh Hoauphan có ánh mắt đẹp dịu dàng, cười tươi trong hành trình công tác với chúng tôi những ngày ở Sầm Nưa. Cô mới 27 tuổi, chưa nói được tiếng Việt nhưng mỗi khi nghe hát, nhất là bài “Cô gái Sầm Nưa” đều nhiệt tình vỗ tay theo nhạc. Ca từ của “Cô gái Sầm Nưa” và ánh mắt của Khammany như hòa quyện, bay bổng, nhịp nhàng mà sâu lắng.

Phụ nữ Lào trong trang phục truyền thống tại lễ hội kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện Viengxay. Ảnh: Trọng Hải

Trong lịch sử, mảnh đất và con người Sầm Nưa mang một sứ mệnh quốc tế quan trọng, là căn cứ địa chung của hai nước Việt Nam-Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt chống đế quốc xâm lược. Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai, bước chân của các đoàn quân Tây Tiến từ Hà Nội ngược lên Tây Bắc, vượt biên giới sang Sầm Nưa đánh địch giúp bạn. Những đoàn quân mà nhà thơ Quang Dũng đã mô tả trong bài “Tây Tiến”: “Đường đi thăm thẳm một chia phôi, Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy”, để rồi “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi” mãi mãi là một khúc ca hùng tráng về liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào. Từ căn cứ địa cách mạng này, những đoàn quân chủ lực của ta luôn sát cánh cùng các đơn vị bạn tiến công địch ở Thượng Lào, chia lửa ở chiến trường Cánh Đồng Chum-Xiengkhuang, Đường 9-Nam Lào, Trung Lào. Sầm Nưa còn ôm trong lòng đất hàng ngàn linh hồn của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh anh dũng trên đất Houaphan vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của cả hai dân tộc.

Sầm Nưa với “cô gái trên nương chịu khó nuôi chiến sĩ” thời kháng chiến nay đã đổi thay, trở thành thủ phủ của tỉnh Hoauphan. Khammany đưa chúng tôi đến nhiều điểm di tích và công trình lý thú nơi đây. Đó là, 3 công trình kiến trúc khá quy mô: Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào; nghĩa trang liệt sĩ và Đài tưởng niệm đồng chí Kaysone Phomvihane nằm trên 3 quả đồi cao phía bắc thị xã. Từ trên ba quả đồi này có thể ngắm nhìn bao quát toàn bộ quang cảnh thị xã Sầm Nưa với những đường phố uốn lượn theo sườn đồi. Những ngôi nhà cao tầng, nhà sàn đan xen, bồng bềnh, ẩn hiện thấp thoáng trong sương mờ buổi sáng trông rất thơ mộng.

Đến chùa Phoxay Saysanaram nằm trên đỉnh núi Phuthatmuong ở làng Khetxong, thị xã Sầm Nưa, chúng tôi bất ngờ gặp đồng chí Thamsinh Thammavong, nguyên Thủ tướng Lào. Biết chúng tôi mới từ Việt Nam sang, ông niềm nở hỏi han và cho biết: “Tôi quê ở tỉnh Houaphan. Lần này về thăm quê và dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện Viengxay. Hôm nay rất vui được gặp các đồng chí ở đây, chúng ta chụp kiểu ảnh kỷ niệm nhé”. Ông thân mật kéo chúng tôi đứng gần, thật gần gũi và thân tình.

Ở Sầm Nưa còn có tháp quả bóng kính. Tháp này nằm ngay trung tâm thị xã được xây dựng ngày 17-5-2007. Đây là ngọn tháp nổi tiếng, biểu tượng cho nơi sinh và sự trong sáng của cách mạng Lào-tài sản vô giá của nhân dân các bộ tộc Lào...

Rời Hoauphan, chia tay Sầm Nưa, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt lưu luyến của Khammany. Ánh mắt như gợi lại hình ảnh người con gái Lào trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến đang say mê múa điệu Lăm-vông với các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam bên đống lửa bập bùng, biểu tượng cho tình cảm gắn bó, đoàn kết keo sơn vốn đã tự rất lâu đời của hai nước, hai dân tộc Lào-Việt…

Ghi chép HOÀNG TIẾN - KIÊN HẢI

(còn nữa)