QĐND - Tham luận tại các cuộc hội thảo về thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-TW của Bộ Chính trị (NQ51) do các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị tổ chức, cũng như quá trình khảo sát thực tế tại Quân khu 1, chúng tôi nhận thấy đại đa số các ý kiến đều thống nhất khẳng định: Điều cốt lõi, căn bản nhất quyết định đến hiệu quả thực hiện NQ51 là phải giải quyết tốt mối quan hệ công tác giữa người chỉ huy với chính ủy, chính trị viên (CTV). Bởi, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ cơ bản này sẽ dẫn đến mất đoàn kết ngay trong nội bộ cấp ủy, chỉ huy.
Khắc phục tình trạng “quyền anh, quyền tôi”
Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu thực tế kết quả triển khai thực hiện NQ51 ở các loại hình cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 1, một điều được khẳng định rất rõ: Ở bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, nếu người chỉ huy và chính ủy, CTV giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp công tác, thì ở đó đơn vị luôn đơn vị đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ (và ngược lại).
Nhận thấy rõ vai trò, ý nghĩa của vấn đề trên, nên trong quá trình thực hiện NQ51, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng đã ban hành những quyết định, hướng dẫn quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn; phương pháp giải quyết mối quan hệ công tác của chính ủy, CTV và người chỉ huy. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn nảy sinh những mâu thuẫn, gây mất đoàn kết giữa người chỉ huy với chính ủy, CTV; biểu hiện “bằng mặt, không bằng lòng”. Trao đổi với chúng tôi xung quanh thực tế này, Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, cho rằng:
- Để khắc phục triệt để tình trạng trên, chính ủy, CTV phải nắm vững và hiểu kỹ cơ chế đã được xác định trong NQ51. Theo tinh thần NQ51 thì quyền lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, các nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, các tổ chức, từng con người của đơn vị tập trung thống nhất vào tập thể cấp ủy. Người chỉ huy, chính ủy, CTV phải phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy; có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy và nhiệm vụ được cấp trên giao theo đúng chức trách, quyền hạn. Người chỉ huy, chính ủy, CTV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, CTV, cơ quan chính trị cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ được giao. Như vậy, chính ủy, CTV nắm chắc được những vấn đề cơ bản nêu trên thì trong hoạt động thực tiễn không những thể hiện được vai trò của mình, mà còn tạo được sự đồng thuận, đoàn kết đối với người chỉ huy.
 |
Đội ngũ chính ủy, CTV Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 luôn dành thời gian trò chuyện, trao đổi với các chiến sĩ.
|
Dưới góc nhìn của người chỉ huy, Đại tá Cù Xuân Huấn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên đồng tình với cách lý giải của Đại tá Nguyễn Đức Thuận. Đại tá Cù Xuân Huấn khẳng định:
- Chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy và chính ủy, CTV đã được Bộ Quốc phòng quy định rất cụ thể. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào nhận thức của từng người. Người chỉ huy hay chính ủy, CTV đều phải có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của cấp ủy cấp mình và các nhiệm vụ được cấp trên giao. Như vậy, hoạt động thực tiễn của người chỉ huy và chính ủy, CTV phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp đã được cấp ủy thảo luận, quyết nghị. Chỉ khi nào người chỉ huy và chính ủy, CTV nắm vững nguyên tắc, tổ chức hoạt động thực tiễn theo đúng nghị quyết thì khi đó mới khắc phục được tình trạng “quyền anh, quyền tôi” ở đơn vị.
Thượng tá Hoàng Chính, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Bắc Giang lại nhìn nhận cách giải quyết mối quan hệ công tác giữa hai cán bộ chủ trì đơn vị dưới góc độ khác:
- Cùng việc thực hiện nghiêm các quy định, thì trong công tác, chính ủy, CTV, người chỉ huy đều phải độ lượng, biết “hy sinh” cái tôi cá nhân. Người chỉ huy phải loại bỏ được tư tưởng gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Ngược lại chính ủy, CTV cũng phải khắc phục tư tưởng “soi mói”, can thiệp sâu kiểu "lấn sân" vào công việc của người chỉ huy.
- Thực tế mâu thuẫn dễ nảy sinh liên quan đến những quyết định của người chỉ huy hay chính ủy, CTV ở một số lĩnh vực “nhạy cảm” như công tác cán bộ; công tác hậu cần, tài chính? - Tôi hỏi Thượng tá Hoàng Chính.
- Đúng vậy. Trong những trường hợp này, người chỉ huy và chính ủy, CTV phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, tránh độc đoán, lạm quyền. Người chỉ huy và chính ủy, CTV phải thường xuyên, kịp thời thông báo và trao đổi cho nhau các nội dung liên quan đến từng lĩnh vực do mình chủ trì để thống nhất chủ trương, biện pháp đề xuất với tập thể cấp ủy, chi bộ thảo luận quyết định. Đặc biệt, mọi vấn đề trong những lĩnh vực được xem là nhạy cảm dứt khoát phải do tập thể cấp ủy thảo luận và quyết nghị. Khi đã có nghị quyết, người chỉ huy và chính ủy, CTV cùng xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực do mình phụ trách.
Nắm vững nguyên tắc, tổ chức hoạt động thực tiễn theo đúng nghị quyết cũng chính là phương pháp khoa học để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chính ủy, CTV và người chỉ huy ở từng cơ quan, đơn vị.
Xây dựng mối quan hệ phải trên cơ sở sự tôn trọng
"Làm thế nào để người chỉ huy và chính ủy, CTV tạo dựng được mối quan hệ đoàn kết, thống nhất thực sự" là câu hỏi được chúng tôi đặt ra với rất nhiều cán bộ ở các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 1. Trả lời câu hỏi trên, các ý kiến đều khẳng định: Cùng với việc thực hiện nghiêm nguyên tắc, đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi người thì còn đặt ra yêu cầu đối với người chỉ huy và chính ủy, CTV là sự linh hoạt trong xử lý từng vấn đề, từng tình huống cụ thể. Hay nói cách khác, đó là sự kết hợp thực hiện các biện pháp “mềm”, mà cốt lõi là sự tôn trọng, chân thành vì mục tiêu chung. Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, nói:
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa người chỉ huy và chính ủy, CTV phải dựa trên nguyên tắc, nhưng không phải là nguyên tắc cứng nhắc. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt của người chỉ huy và chính ủy, CTV trong xử lý từng vấn đề. Mục đích của việc xử lý ấy là vì nhiệm vụ chung, vì tập thể, trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng. Thực tế hiện nay ở nhiều cấp, nhất là cấp đại đội, tiểu đoàn, đội ngũ CTV có tuổi quân, tuổi đời ít hơn so với đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng. Vì vậy, nếu không nắm chắc chức trách, nhiệm vụ của nhau và không có quan điểm làm việc bình đẳng, tôn trọng thì đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng rất dễ có biểu hiện coi thường, hoặc hạ thấp vai trò của CTV.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh, hiện nay một số vấn đề được coi là “bên lề” nhưng nếu không nhận thức đúng dễ làm nảy sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ công tác giữa người chỉ huy với chính ủy, CTV. Ví như những điểm chưa thống nhất trong một số văn bản của Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính ủy, CTV và người chỉ huy; hoặc những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, trần quân hàm; hay quan điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp liên quan đến việc bố trí, sử dụng cán bộ chính trị, quân sự có sự khác nhau cũng đang ít nhiều trở thành “lực cản” hạn chế hiệu lực, hiệu quả của NQ51 ở cơ sở.
Từ kinh nghiệm thực tế trong giải quyết mối quan hệ công tác giữa người chỉ huy với chính ủy, CTV tại đơn vị, Thượng tá Nguyễn Việt Thắng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cho rằng: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đơn vị thực hiện nhiệm vụ, người chỉ huy, chính ủy, CTV phải thường xuyên, chủ động trao đổi thông tin và tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.
Nắm vững nguyên tắc, tổ chức hoạt động thực tiễn theo đúng nghị quyết, đồng thời chủ động trao đổi, tôn trọng lẫn nhau chính là phương pháp khoa học để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chính ủy, CTV và người chỉ huy. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện NQ51 ở từng cơ quan, đơn vị.
Bài và ảnh: NGỌC LONG-NGUYÊN THẮNG-DUY THÀNH
Bài 3: Một vài mong ước từ cơ sở
Bài 1: Nhận thức đúng mới có hành động đúng