QĐND - Chính quyền nhân dân non trẻ đang trong cơn nước sôi lửa bỏng phải đối mặt với hai kẻ thù ngoại xâm: Pháp và quân Tưởng Giới Thạch. Một cán bộ hỏi Bác: “Thưa Cụ, trong hai tên giặc ấy, tên nào đáng sợ hơn? Bác hài hước nói: "Sợ nhất các chú!".
Cuộc chạy đua nước rút
Tại Hội nghị “Chia phần” của phe thắng phát xít ngày 24-7-1945, nhờ tài “đi đêm” Chính phủ của Tưởng Giới Thạch đã được Đồng minh cho phép đưa quân vào miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 để nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật hoàng (phía Nam là quân Anh). Dàn xếp xong trong nội bộ, ngày 9-8, Chính phủ Tưởng tuyên bố cử tướng Lư Hán làm Tư lệnh 20 vạn Hoa quân nhập Việt. Nhận lệnh, Lư Hán triệu ngay đại diện quân Nhật tới Côn Minh yêu cầu: Thả ngay tù binh Đồng minh; Chỉ giao chính quyền ở miền Bắc cho các nhà chức trách Trung Quốc; Quân Nhật phải giữ trật tự chờ đến khi quân Tưởng Giới Thạch đến.
Cùng ngày 27-8, hai cánh quân của Lư Hán và Tiêu Văn tràn sang nước ta kéo theo bọn Việt gian tay sai thuộc hai đảng Việt quốc, Việt cách của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần với chủ mưu “diệt cộng, cầm Hồ” lập Chính phủ thân Tưởng Giới Thạch.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường trở về ATK. Ảnh tư liệu
|
Bác Hồ ở trên chiến khu ốm nặng, phải tối 26-8 mới về tới 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Người chỉ thị tổ chức ngay lễ ra mắt Chính phủ lâm thời để tuyên bố trước thế giới: Nước Việt Nam đã có chính quyền mới từ ngày 2-9-1945. Một tuần sau, ngày 9-9, Tiêu Văn mới tới Hà Nội. Hai ngày sau, Lư Hán vội đáp máy bay đến Gia Lâm, lập Đại bản doanh tại Phủ toàn quyền. Quân Tưởng Giới Thạch ngang nhiên coi chúng là chủ của đất nước này.
Chữ “Nhẫn”
Lúc bấy giờ, báo chí nước ngoài mô tả quân Tưởng: "Đội quân chân đất, bụng lép, quyết bám vào cuộc nhập Việt để mưu sống. Chúng vơ vét mọi thứ muốn lấy hay cần lấy dù thứ đó là của người Việt, người Pháp hay của ngoại kiều nào, bất kể giàu hay nghèo. Các tướng tá chỉ huy càng tham tàn, hà hiếp mọi người, ở mọi nơi làm gương cho binh sĩ...".
Riêng Lư Hán càng hống hách hơn, đòi Hồ Chí Minh phải báo cáo cụ thể tổ chức và quân số các lực lượng vũ trang trong quân đội, công an, dân quân tự vệ, đòi sắp xếp lại bộ máy chính phủ, thậm chí đòi đổi lại giờ Việt Nam theo giờ Trung Quốc... Ngày 28-9, Bộ trưởng Hà Ứng Khâm - đặc phái viên của quân Tưởng bay tới Hà Nội danh nghĩa là chứng kiến lễ tiếp nhận đầu hàng của quân Nhật, mục tiêu chính lại là nhằm: “Diệt cộng, cầm Hồ”. Chúng thúc ép thuộc cấp phải nhanh chóng chớp thời cơ trước khi quân Pháp đánh ra Bắc Bộ - kể cả khiêu khích kiếm cớ can thiệp lật đổ.
Tiêu Văn muốn lập công đầu, gửi thư cho Hồ Chí Minh, nói: “Kính gửi Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho mượn một cái nồi nấu cơm”.
Đọc thư, mọi người vô cùng phẫn nộ thưa lại với Bác: “Chúng khinh ta quá đáng”!
Bác nhẹ nhàng nói: "Nền độc lập ta mới giành được ví như chiếc bình ngọc quý. Có con kiến bò miệng bình, ta chỉ cần lấy cái que nhỏ bắc cầu cho kiến bò đi, hay lấy gậy đập chết kiến - Chắc gì kiến chết mà bình lại vỡ? Họ mượn cái nồi nấu cơm, ta cho mượn việc gì các chú phải nổi nóng?".
Ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (thực tế là rút vào hoạt động bí mật) để “cứu mạng sống” cho bọn Lư Hán - Tiêu Văn không bị Tưởng Giới Thạch trị tội “bất tuân thượng lệnh”. Tuy nhiên, ngoài nguy cơ lộ liễu từ phía quân Tưởng và lũ tay sai, bọn Phòng nhì Pháp đã bắt đầu tung mạng lưới do thám ra Hà Nội. Ngay lập tức, Bác chỉ đạo, ngoài tổ an ninh đặc biệt do hai ông Nguyễn Lương Bằng và Trần Đăng Ninh phụ trách, phải lập thêm trung đội đặc nhiệm nữa do Đàm Quang Trung phụ trách rải quân ở nhiều nơi để lừa chúng.
Vụ bắt cóc bất thành
Trong khi theo lệnh Tưởng Giới Thạch (do chủ trương của Mỹ muốn để Pháp thay thế Trung Hoa giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Đông Dương). Đại bản doanh của Lư Hán - Tiêu Văn, một mặt tiến hành các tổ cảnh giới ở Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu, một mặt khác vẫn tiếp tục mưu kế “cầm Hồ”.
Sáng 25-11-1945, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam nhận được một công văn “Thượng khẩn” của Lư Hán mời Bác tới Bộ tư lệnh đại diện quân Đồng minh có việc. Cả các ông Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Huỳnh đều bàn thưa với Bác không nên đi, mà chỉ cử đặc phái viên Chủ tịch nước đến gặp là đủ. Bác nói: “Lư Hán lúc này lấy danh nghĩa Đồng minh giở giọng “thiên triều” ra chỉ lệnh cho “chư hầu”. Bác không đến gặp, nó tưởng ta sợ nó. Nó được nước, có thể làm điều càn bậy hơn. Miếng võ hiểm phải có "đòn văn" hiểm hơn chứ!”.
Bác nói chuyện qua điện thoại với ngài Patti, đại diện phái bộ Mỹ hẹn gặp vào buổi chiều, và bảo ông Huỳnh ngày hôm đó không được rời phòng làm việc. Xe lên Phủ toàn quyền, viên sĩ quan quân Tưởng lễ phép thưa: “Tướng quân Lư ngài bận”, y dẫn Bác xuống 64 Nguyễn Du gặp tướng quân Tiêu Văn. Bọn họ lại ngang ngược cho Triệu Bách Xương ra cổng xin lỗi Bác và đưa Người tới Quân đoàn 63 gặp Quân trưởng Chu Phúc Thành (địa điểm Bệnh viện 103 bây giờ). Bác nhận ra sự nguy hiểm do chúng đã tách ba anh bảo vệ đi theo. Người đưa mắt nhắc anh em “bình tĩnh”!
Chúng giữ Bác đến chiều. Bác bí mật cử người về đánh động cho Mỹ biết. Lập tức, ông Patti đến, ông Vũ Đình Huỳnh kể lại sự việc. Ông bạn Mỹ tỏ rõ sự bất bình, nói:
- Chúng tôi can thiệp ngay việc này.
Hẳn là có tiếng nói của quan thầy, chúng không dám hành động liều lĩnh. Bác Hồ kính yêu của chúng ta an toàn trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến...
Bài học của 65 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trịnh Tố Long