QĐND Online - Ngày 26-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN: Hướng tới bản sắc chung - kinh nghiệm của Liên minh châu Âu”.
 |
Quang cảnh Hội thảo ngày 26-8. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, EU là một trong những mô hình thành công về hội nhập khu vực trên mọi phương diện kinh tế, chính trị và xã hội. ASEAN sẽ rút ra bài học kinh nghiệm quý giá này để xây dựng cộng đồng nói chung và xây dựng Cộng đồng Văn hóa- Xã hội nói riêng.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, ASEAN và EU có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt. Thông qua việc học hỏi những kinh nghiệm của EU, ASEAN có thể xây dựng thành công Cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN nhằm đạt được bản sắc chung.
Theo quan điểm của bà Vũ Thanh Hà, Viện Nghiên cứu châu Âu, ASEAN có thể học tập được ở EU những nội dung như: Khẳng định văn hóa chính là yếu tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển cộng đồng các quốc gia ASEAN. “ASEAN nên tập trung vào yếu tố con người vì khi người dân hiểu nhau hơn sẽ thúc đẩy quá trình hình thành bản sắc chung. Những chính sách của ASEAN phải có sự tham vấn của người dân. Bất cứ trở ngại nào cũng phải được giải quyết một cách tốt nhất để người dân ASEAN hiểu về nhau hơn”, bà Hà nêu rõ.
Phát biểu tại hội thảo, bà Barbara Szymanowska, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam cho biết, năm 2000, EU đã thông qua một phương châm chính thức về văn hóa, đó là “hòa hợp trong đa dạng”. Theo đó, châu Âu thống nhất trong việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng, các nền văn hóa truyền thống và ngôn ngữ khác nhau của châu Âu chính là tài sản tích cực cho lục địa này. Bà Barbara Szymanowska cho rằng, bản sắc văn hóa của châu Âu là một trong những chìa khóa thúc đẩy một cách có hiệu quả sự hội nhập khu vực. Kinh nghiệm này cũng được ASEAN áp dụng khi một trong những trụ cột của hội nhập khu vực này chính là văn hóa. “Điều đáng để đề cập đến là trụ cột văn hóa do Việt Nam khởi xướng”, bà nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Đại sứ Barbara Szymanowska cũng chia sẻ hai trong số nhiều kinh nghiệm của Ba Lan giúp nước này xây dựng “bản sắc châu Âu”. Đó là Erasmus, một chương trình trao đổi sinh viên, với hơn 2,5 triệu sinh viên có cơ hội tham gia. “Châu Âu không có ngôn ngữ chung do đó giải pháp để hội nhập chính là giáo dục. Bằng cơ hội học tập ở nước ngoài, những người trẻ tuổi học được rằng dù họ khác biệt, họ vẫn có rất nhiều điểm chung.
Một trong những công cụ rất thuận lợi cho sự phát triển bản sắc văn hóa châu Âu chính là chương trình Thủ đô Văn hóa châu Âu. Mỗi năm, hai nước châu Âu sẽ được chỉ định là Thủ đô Văn hóa châu Âu. Năm 2016, thành phố Wroclaw của Ba Lan và San Sebastian của Tây Ban Nha sẽ nhận chức danh này. Tại những thành phố này, trong vòng một năm, văn hóa sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống đô thị. Đại sứ Barbara Szymanowska hy vọng, những kinh nghiệm của Ba Lan trong việc xây dựng bản sắc châu Âu có thể hữu ích đối với Việt Nam và các thành viên ASEAN, để có thể tạo dựng một sự hội nhập mạnh mẽ hơn trong khu vực. Sự hội nhập này có thể góp phần xây dựng hòa bình và ổn định trên thế giới.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương phù hợp với quá trình xây dựng cộng đồng văn hóa khu vực và liên khu vực, ông Jerril G.Santos, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Philippin tại Việt Nam, cho rằng ASEAN và EU cần phải tập trung vào những bước sau: Triển khai các điểm hành động đã nêu trong Kế hoạch Hành động Bandar Seri Begawan; mở rộng các cơ chế hiện tại để đối thoại về các lĩnh vực chính sách khác trong khuôn khổ hợp tác văn hóa xã hội để định hướng cho việc hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai; thực hiện thường xuyên hơn nữa việc trao đổi cán bộ, chuyên gia, nhất là trong lĩnh vực chính sách sách trong các khuôn khổ văn hóa-xã hội, để tạo hiểu biết hơn về các quá trình thể chế của nhau.
Tin, ảnh: PHƯƠNG LINH