QĐND Online - Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2011 đã được trao cho 198 công trình nghiên cứu khoa học do 470 sinh viên thực hiện.

Sáng 7-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ trao giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên tại trường Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội.

PGS. TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen cho sinh viên có công trình đạt giải Nhất

Năm 2011, với tên gọi mới “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, nối tiếp của 20 năm xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, giải thưởng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giải thưởng hơn nữa để có nhiều đối tượng tham gia, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Theo đó, Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên sẽ được tổ chức hàng năm còn Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ được tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn, bắt đầu từ 2012.

Đã có 304 công trình xuất sắc, được lựa chọn từ hàng chục nghìn công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 94 trường đại học, học viện trong cả nước, gửi tham gia xét giải.

Kết quả, 13 công trình giành giải Nhất, 30 giải Nhì, 50 giải Ba và 105 giải Khuyến khích.

- Học viện Kỹ thuật Quân sự đạt 2 giải Nhì, 1 giải Ba.
- Học viện Quân y đạt 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích

470 sinh viên đạt giải thưởng, 17 giảng viên hướng dẫn sinh viên có công trình đạt giải Nhất và 20 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2011 đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng tại lễ trao giải, 27 sinh viên đạt giải Nhất được tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Nhận xét về giải thưởng, PGS. TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, số lượng các công trình tham dự giảm hơn so với năm trước nhưng số lượng các trường tham gia nhiều hơn.

“Theo đánh giá của các chuyên gia Hội đồng, chất lượng các công trình năm nay khá hơn so với các năm trước, đặc biệt có nhiều công trình có khả năng ứng dụng, thực tế đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống xã hội. Tôi rất mừng vì giải thưởng ngày càng uy tín hơn và đây là sân chơi khoa học bổ ích”, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, tất cả sinh viên chủ trì 13 công trình đạt giải Nhất sẽ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp học bổng theo học chương trình đào tạo cán bộ khoa học của cả nước hay theo Đề án 911 đào tạo giảng viên cho các trường đại học. Tuy nhiên, các em cũng cần phải hội đủ điều kiện là kết quả học tập đạt 7,5 trở lên và đủ trình độ ngoại ngữ.

Đặng Huyền Châu, trường Đại học Dân lập Văn Lang

 “Nhiệt lượng của bã cà phê còn cao hơn cả gỗ”

Em tham gia cuộc thi với công trình về môi trường tái sinh bằng chất thải. Đề tài của em là “nghiên cứu đánh giá khả năng tái sử dụng bã cà phê để sản xuất các sản phẩm tái chế” (giải Nhất). Hai sản phẩm tái chế của em là phân compost và thanh củi đốt. Trong nghiên cứu này, em tâm đắc nhất là sản phẩm củi đốt từ bã cà phê vì bã cà phê có nhiệt lượng cao mà chúng ta vẫn chưa tận dụng hết nên em quyết tâm nghiên cứu tạo sản phẩm có thể đốt được trong công nghiệp.

Hiện tại, sau khi kết thúc nghiên cứu báo cáo tại Hội đồng Khoa học, em vẫn tiếp tục thực hiện nghiên cứu tại gia đình và tại trường. Khoảng 2-3 tháng nữa, em sẽ tiến hành đốt thử tại một nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu đạt tiêu chuẩn xả thải về không khí trong môi trường, em dự định sẽ sản xuất đồng loạt.

Ý tưởng nảy sinh sau khi em đọc rất nhiều thông tin trên sách báo và nhận thấy bã cà phê của Việt Nam, hiện tại khoảng 20.000 tấn, mới chỉ được sử dụng để sản xuất phân compost. Thực tế, Việt Nam có rất nhiều nguyên liệu để sản xuất compost trong khi bã cà phê lại có nhiệt lượng rất cao-điều này em được biết qua một bài báo nước ngoài và qua đề tài tiến sĩ của giáo viên hướng dẫn của em. Nhiệt lượng của bã cà phê còn cao hơn cả gỗ, vì vậy em thấy có tiềm năng và đây là nguồn chất thải sạch và xanh, phù hợp để tái tạo nguồn năng lượng theo xu hướng thế giới đang tìm kiếm.

Trong quá trình nghiên cứu, em gặp cũng khá nhiều khó khăn như gặp khó khi tìm kiếm sản phẩm phối trộn với bã cà phê do ở Việt Nam ít sách báo viết về than củi đốt hay sản phẩm về nhiên liệu đốt. Em đã tìm kiếm và thử rất nhiều lần, thất bại cũng nhiều nhưng em không bỏ cuộc. Em vẫn đi đến nhiều tỉnh, thành phố tìm kiếm các loại máy móc như máy công nghiệp để sản xuất đồng loạt mà không phải sử dụng bằng tay. Em cũng đốt thử sản phẩm ở nhà. Mới đầu tạo nhiều khói, nhưng sau khi thay đổi nguyên liệu phối trộn em đã tạo được sản phẩm có thể giảm khói hơn và chất lượng hơn.

Em cũng gặp khó khi đi xin bã cà phê bởi là sinh viên nên không được chấp nhận. Cuối cùng có một công ty đồng ý tài trợ cho em bã cà phê suốt quá trình nghiên cứu. Nếu sản phẩm có ý nghĩa về mặt kinh tế và môi trường thì sẽ đồng đầu tư sản xuất nữa. Đó là Công ty cổ phần Thiên Sinh.


Huỳnh Hữu Cảnh-Hồ Phạm Uyên Phương, Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh:

“Giúp người khiếm thị thấy an toàn khi qua đường”

Nhóm mình có 4 người, trong đó ba người khiếm thị. Người khiếm thị có gậy rồi nhưng khi di chuyển trên đường vẫn gặp không ít khó khăn. Đôi khi người bình thường va chạm vào một cách không cố ý có thể xảy ra những điều đáng tiếc. Bọn mình thực hiện “Nghiên cứu mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh cho người khiếm thị” (giải Nhất). Đèn báo hiệu cho người khiếm thị khi đi trên đường còn âm thanh sẽ được bật lên khi băng qua đường để người qua đường chú ý, tạo sự tự tin, an toàn hơn cho người khiếm thị. Công trình bắt đầu từ 12-2010 đến nay.

Với người khiếm thị bọn mình, khó khăn không chỉ về kỹ thuật mà còn cả di chuyển nữa. Phương tiện chủ yếu là xe ôm. Nhiều khi phải chắt chiu tiền ăn để chi phí cho đi lại.

Mặc dù đây mới chỉ là mô hình nhưng nhóm đã nhận được nhiều nhận định khá khả quan. Nhóm mong muốn cây gậy sẽ được ứng dụng trong tình hình thực tế, phù hợp với thực tiễn giao thông của nước mình hiện nay.

Cây gậy có 3 khúc, có thể gập lại bỏ vào ba lô, trên tay cầm có bộ phận gồm 6 đèn LED, 1 loa để phát ra âm thanh. Có 2 nút, ban đêm bấm nút đèn nháy, băng qua đường bấm nút âm thanh. Nhóm cũng in chữ nổi trên đó để dễ nhận biết.

Trên thế giới có ngày cây gậy trắng, xuất phát từ Mỹ. Theo đó, người cầm cây gậy trắng thì người đi đường nhận diện ra đó là người khiếm thị và nhóm cũng mong muốn có một cây gậy tạo hiệu ứng như vậy. Hơn nữa, trong khoa, bọn mình được học môn định hướng di chuyển, trong đó có kỹ thuật đi gậy và thế là ý tưởng cây gậy gắn đèn và âm thanh ra đời.

Giá thành của cây gậy phù hợp túi tiền người khiếm thị, khoảng 200.000 đồng, trong khi gậy thông minh trên thế giới khoảng vài trăm USD nhưng mang về đây không có linh kiện thay thế và khó ứng dụng với tình hình giao thông ở Việt Nam khiến tia hồng ngoại rung rinh mãi và không biết đường nào mà tránh.

Nhóm hy vọng sẽ nhận được nhiều góp ý để mô hình hoàn chỉnh, cả phục vụ mục tiêu tạo sản phẩm để giúp người khiếm thị cảm thấy an toàn, tự tin khi di chuyển trên đường. Sắp tới, sản phẩm sẽ bước vào giai đoạn 2-thử nghiệm. Nếu thành công, có lẽ sẽ mở một xưởng sản xuất gậy.


Nguyễn Khoa Khôi, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh:

“Hoàn thiện chuỗi cung ứng”

Công trình của nhóm là “Giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng chè Bảo Lộc” (giải Nhất). Đây là một đề tài mang tính ứng dụng cao giúp liên kết tất cả các chuỗi tham gia ngành chè Bảo Lộc, bao gồm chuỗi trồng trọt cho tới chế biến và khâu thương mại. Đề tài được ứng dụng và phát triển thành công sẽ là một bước tiến giúp ngành chè Bảo Lộc không những phát triển cao về chất lượng và số lượng mà còn phát triển bền vững và lâu dài.

Thành công cũng sẽ là tiền đề áp dụng cho các ngành nông nghiệp khác, để nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững hơn và mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Trong tương lai gần, nhóm sẽ nghiên cứu về từng khâu thay vì toàn chuỗi. Đề tài của nhóm là thực hiện nguyên cho toàn chuỗi và trong quá trình thực hiện, nhóm phát hiện ra không chỉ mối liên kết giữa chuỗi có những bất cập mà thậm chí từng mắt xích trong chuỗi cũng có những bất cập. Hiện tại, nhóm muốn tập trung giải quyết bất cập ở từng chuỗi trước sau đó tập trung liên kết các mắt xích trong chuỗi với nhau.


Nguyễn Văn Thư, Học viện Quân y:

“Đưa thuốc đến đúng vị trí có mầm mống gây bệnh”

Đề tài là nghiên cứu của nhóm 5 người là “Nghiên cứu bào chế viên nén Berberin giải phóng tại đích đại tràng” (giải Nhì). Mục đích là đưa tá dược của thuốc đến được đại tràng rồi giải phóng ra và có tác dụng tại đó. Như vậy thuốc sẽ được đưa đến đúng vị trí có mầm mống gây bệnh. Để thực hiện, nhóm đã nghiên cứu và tìm ra công thức điều chế vỏ của viên nang để không bị các dịch vị axit tiêu hủy.

Trong quá trình thực hiện, nhóm có thuận lợi là thiết bị điều chế ngay tại khoa Dược và có một trung tâm nghiên cứu riêng.  

Hiện tại, công trình đến bước này đã được coi như hoàn thành. Nhóm mong rằng chỉ huy cấp trên sẽ cho đưa vào sản xuất để tạo điều kiện, giúp ích cho các công trình khác, phát huy tác dụng không chỉ ở đại tràng mà ở rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Hà Hương