1. Thị trường nội địa đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2009. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, nhiều nền kinh tế lớn khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc rơi vào tăng trưởng âm hoặc bằng 0%, Việt Nam đã có cuộc vượt bão ngoạn mục  khi tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,2%. Mức tăng trưởng này được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là năm giá các mặt hàng tương đối ổn định, chỉ số lạm phát được kiềm chế ở mức 6,8%.  Thành tựu này có sự góp phần không nhỏ từ gói kích thích nền kinh tế của Chính phủ. Tính đến cuối tháng 12, gần 500.000 tỉ đồng đã được giải ngân đến với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

Hoàn thiện lắp đặt thiết bị lò cao Nhà máy gang thép Hà Tĩnh. Ản: TTXVN

2. Đối phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Ngay từ đầu năm, dịch sởi ở người lớn bùng phát và lan rộng ở miền Bắc. Tiếp đó, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước với tỉ lệ tử vong đáng báo động. Năm 2009 có thể nói là năm dịch cúm A, nhất là cúm A (H1N1). Hàng chục nghìn trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) đã được ghi nhận. Dịch tiêu chảy cấp bùng phát những năm trước vẫn diễn biến rất phức tạp trong năm 2009.

3. Thiên tai tàn phá nặng nề. Năm 2009, Việt Nam có 11 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, trong đó có 4 cơn bão mạnh cấp 12 trở lên. 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới trong số này ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng, làm chết và mất tích gần 500 người. Trong đó, hai cơn bão số 9 và số 11 với cường độ rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã tàn phá nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, làm chết và mất tích 298 người, để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài.

Bão số 11 đã đổ bộ vào Vạn Ninh, Khánh Hòa làm hư hỏng nhiều nhà dân và gãy đổ nhiều cây lớn. Ảnh: TTXVN

4. Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Đó là nhờ thành công bước đầu với việc hoàn thành giai đoạn 1 của Ðề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 do Chính phủ ban hành (gọi tắt là Ðề án 30). Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại 4 cấp chính quyền với hơn 5.700 thủ tục hành chính, 7.870 văn bản quy định và hơn 85.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính.

5. Nhiều dự án, công trình trọng điểm quốc gia đặt dấu mốc đáng ghi nhớ. Khối lượng thi công các hạng mục chính công trình Thủy điện Sơn La đều đạt và vượt tiến độ tạo cơ sở vững chắc cho mục tiêu phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành nhà máy vào năm 2012, vượt kế hoạch hai năm. Công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cho ra dòng sản phẩm dầu đầu tiên được sản xuất, chế biến từ nguồn dầu thô của Việt Nam. Các gói thầu thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn II được đồng loạt khởi công tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 11-2009, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

6. Nông nghiệp tăng trưởng kì diệu. Trong năm 2009, mặc dù thiên tai, bão lũ hoành hành nhưng ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 15 tỉ USD (dự kiến đầu năm là 14 tỉ USD). Lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng lương thực đạt hơn 29 triệu tấn thóc, xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo với giá trị kim ngạch đạt 2,8 tỉ USD. Đây là mức tăng trưởng kì diệu nhất từ trước tới nay trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa, gạo.

7. Thị trường tài chính-tiền tệ biến động mạnh. Năm 2009 là năm thị trường tài chính - tiền tệ có những biến động thất thường do tác động của chính sách và do cả tin đồn thất thiệt. Đã có lúc trên thị trường tự do, giá đô-la Mỹ vượt ngưỡng 20.000 đồng/1 USD, giá vàng lúc cao nhất lên đến 29,3 triệu đồng/lượng vào ngày 11-11 cùng với động thái đổ xô đi mua vào của người dân dẫn tới tình trạng hỗn loạn trên thị trường vàng.

8. Đầu tư: Ngoại giảm, nội tăng. Trong năm 2009, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng kí mới và tăng vốn của các dự án đang hoạt động chỉ đạt khoảng 21 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 8 tỉ USD. So với năm 2008, vốn đầu tư đăng kí là 64 tỉ USD và vốn đầu tư thực hiện là 11,5 tỉ USD thì sụt giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trong nước lại tăng vọt. Ước tính tổng đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt 708,5 nghìn tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2008 và bằng 42,2% GDP.

9. Phát hiện nhiều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng, báo chí phát hiện gây bức xúc trong dư luận. “Mỡ bẩn” - từ dùng để chỉ mỡ thải loại-được thu gom và tái sử dụng để chế biến thực phẩm được phát hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. “Tương bẩn” chứa chất bị cấm bày bán công khai. Mới đây lại phát hiện hạt dưa chứa chất gây ung thư ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác. Những loại thực phẩm này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

10. Hoạt động làm kinh tế của quân đội khởi sắc. Năm 2009, cùng với các hoạt động kỉ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân, hoạt động làm kinh tế của quân đội cũng có sự khởi sắc. Hầu hết các doanh  nghiệp quân đội đã có bước phát triển so với năm 2008. Dự kiến doanh thu của khối doanh nghiệp quân đội tăng khoảng 10% so với  năm 2008. Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sang mô hình tập đoàn. Hội chợ - triển lãm “Việt Bắc -2009”, Hội chợ tại Tuyên Quang, Hội chợ xúc tiến thương mại tại Cam-pu-chia do Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước tổ chức  đã thành công tốt đẹp.


(Báo Quân đội Nhân dân bình chọn)