Tham dự có các đại biểu đến từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản; đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Tập đoàn VNPT...

Nhìn tổng thể, nhưng bắt đầu từ việc cụ thể

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang quyết tâm xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số với quan điểm, phương châm: “Hành động nhanh, kết quả lớn; nghĩ lớn, nhìn tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc cụ thể”.

Quang cảnh hội thảo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, từ ngày Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khai trương hệ thống (12-3-2019) đến ngày 25-2-2020, Trục liên thông văn bản quốc gia đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận. Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông tới 100% các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng; đang triển khai kết nối với Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khai trương ngày 24-6-2019, đến ngày 25-2-2020 đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 237 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành 6.399 phiếu giấy và hơn 29.000 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (9-12-2019) đến ngày 25-2-2020 đã có hơn 65.900 tài khoản đăng ký, hơn 17 triệu lượt truy cập, hơn 1.925.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Văn phòng Chính phủ đang xây dựng, chuẩn hóa các quy trình tổng thể của hệ thống thông tin, quy trình liên thông các chế độ báo cáo, quy trình chia sẻ dữ liệu báo cáo; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và phối hợp với Sáng kiến Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các tính năng nâng cao của bảng hiển thị trực quan tình hình biến động các chỉ số kinh tế-xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đang thử nghiệm, kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo một số bộ, dự kiến sẽ ra mắt hệ thống trong tháng 3-2020.

Thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc…

Cơ hội có bước phát triển nhảy vọt

Phát biểu hội thảo, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio cho rằng, chính trị của Việt Nam đang ổn định, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lịch sử để có những bước phát triển nhảy vọt. Việt Nam-Nhật Bản đã có một số kết quả nổi bật trong hợp tác cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử. Tháng 8-2019, trong chuyến làm việc tại Nhật Bản của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam với Văn phòng Nội các và Bộ Nội Vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio phát biểu tại hội thảo.

Tháng 1-2020, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Takaichi Sanae đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng... Trong các cuộc gặp, bà Takaichi Sanae đã tuyên bố phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện và bằng tất cả các khả năng của mình để giúp Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử.

Cũng trong chuyến thăm này, bà Takaichi Sanae đã chứng kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Nhật Bản ký Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ về dự án: "Cung cấp trang thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ" từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Theo Đại sứ Nhật Bản, hiện nay các thủ tục thúc đẩy chương trình này đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là các thiết bị được sản xuất tại Nhật Bản với độ an toàn thông tin tối đa để cung cấp cho Việt Nam.

Trong 1 ngày tham gia hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận 5 chuyên đề: Các hoạt động thúc đẩy Chính phủ số của Nhật Bản và vai trò của Chính phủ; kinh nghiệm triển khai Bảng theo dõi bộ chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ các nước trên thế giới; kinh nghiệm triển khai Hệ thống thông tin thống kê quốc gia Nhật Bản phục vụ phân tích, dự báo, phát triển kinh tế - xã hội; đơn giản hóa chế độ báo cáo, chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu, chỉ tiêu báo cáo phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; giới thiệu Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG