Tham dự phiên họp có các Phó thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, các ban, ngành, tổ chức, viện hàn lâm... lãnh đạo UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh dự trực tuyến.

Những thành tựu nổi bật

Sau khi nghe các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương báo cáo, thảo luận, góp ý, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những kết quả nổi bật trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020 của nước ta.

Kết quả đầu tiên được Thủ tướng nhắc tới liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nhân dân và người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành đã phát sinh một số vướng mắc và chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn để bảo đảm đời sống cho người lao động. Đối tượng kê khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai mà không cần có xác nhận của chính quyền địa phương về doanh thu cũng như tình trạng kinh doanh.

Về ca lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã kiên quyết khoanh vùng dập dịch nhanh nhất có thể”.

Với tất cả quyết tâm ấy, Thủ tướng đánh giá năm 2020, nước ta có khả năng đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5%, phấn đấu đạt khoảng 3%. “Lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân về tăng trưởng được thực hiện nghiêm túc”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2020. Ảnh: chinhphu.vn

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu ra nhiều thành công khác như lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu khi CPI bình quân 11 tháng chỉ tăng 3,51%; hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ phục hồi, doanh thu cả năm dự kiến có thể tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn với việc lần đầu tiên việc làm tăng trong 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 3,1%, nông nghiệp vẫn giữ mục tiêu đưa ra từ đầu năm là xuất khẩu đạt khoảng hơn 41 tỷ USD, thặng dư thương mại xác lập kỷ lục mới với 20 tỷ USD xuất siêu, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ vượt năm 2019; giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ và đạt mức cao nhất trong 5 năm qua; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được kết quả tích cực; ngân sách có khả năng sẽ vượt thu so với dự toán giao điều chỉnh...

 “Có thể nói, kết quả xuất nhập khẩu là nỗ lực rất lớn, có hiệu ứng tích cực từ hội nhập, do các hiệp định thương mại tự do được ký gần đây”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Với những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành của nước ta trong tháng đầy khó khăn, thách thức.

Rủi ro, thách thức nội tại và từ bên ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, thời gian tới, nước ta phải đối mặt với những rủi ro, thách thức đến cả từ bên ngoài và bên trong.

Từ bên ngoài, Thủ tướng nhận diện có 3 rủi ro chính, đó là dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa được kiểm soát tại nhiều nước; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang, khó đoán; thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhắc tới những cảnh báo của các chuyên gia tài chính, rủi ro về bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến "bong bóng" tài sản, tài chính, Thủ tướng yêu cầu lưu tâm về vấn đề này.

Về những thách thức nội tại, Thủ tướng nêu rõ, mặc dù đã cuối mùa mưa bão nhưng nhiều địa phương vẫn bị lũ, lụt, sạt lở đất gây thiệt hại lớn, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ca lây nhiễm ra cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không hoảng loạn nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh; tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép để bảo vệ tốt sức khỏe cho nhân dân, đồng thời bảo đảm sản xuất an toàn.

Mặc dù thu hút đầu tư FDI có cải thiện, nhất là đã thu hút được một số dự án công nghệ cao, nhưng vẫn còn giảm mạnh so với năm trước. Vì vậy cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc thu hút đầu tư FDI, nhất là thu hút các dự án công nghệ.

Số doanh nghiệp quay lại sản xuất, kinh doanh tăng gần 11%, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các địa phương, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

 Quang cảnh cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2020. Ảnh: Chinhphu.vn.

7 chỉ đạo của Thủ tướng

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện thật tốt, nghiêm túc và quyết liệt 7 nội dung.

Một là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cứu trợ thiên tai, tái bố trí dân cư, đưa người dân dần trở lại cuộc sống bình thường, khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, ứng phó thiên tai. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trực tiếp trong quá trình thực hiện.

Hai là không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại; phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược từng mang lại hiệu quả tốt; thực hiện cách ly xã hội với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không quá rộng làm tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn, truy vết đến đâu xử lý cách ly đến đó.

Ba là tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường trọng điểm nhưng xuất khẩu chưa phục hồi tốt.

Bốn là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu giải ngân tốt nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình, không được hình thức, lãng phí.

Năm là phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. “Muốn làm được điều đó phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng”, Thủ tướng nói.

Sáu là đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân.

Bảy là đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Các cấp, các ngành cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

3 sáng kiến của Thủ tướng

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 3 sáng kiến mà Thủ tướng đã đưa ra và đề nghị các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.

Với sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án, chính sách cụ thể để triển khai.

Với sáng kiến đưa hàng nông thôn lên thành thị, Thủ tướng yêu cầu đưa sản phẩm của nông dân ra khu vực thành thị để tiêu thụ, từ đó giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng ở vùng nông thôn.

Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Chiều tối 2-12, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ.

Tại cuộc họp báo, đồng chí Mai Tiến Dũng đã thông báo kết quả cuộc họp thường kỳ tháng 11-2020 của Chính phủ; đại diện các bộ, ngành trả lời các câu hỏi của phóng viên về những vấn đề liên quan tới xử lý trách nhiệm khi không thực hiện nghiêm quy định về cách ly để lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng; về nợ xấu và sàn mua bán nợ xấu, giá vàng, cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan quản lý thuế; về các dự án điện năng lượng mặt trời...

CHIẾN THẮNG