 |
Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại hội thảo.
|
Dự hội thảo có các đồng chí: Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính Phủ; Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, cơ quan Bộ Quốc phòng; Bộ tư lệnh Quân khu 7, các học viện, nhà trường; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố phía Nam và nhiều chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu đề dẫn, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nêu, ngày 26-1-1960, hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 15, Xứ ủy Nam Bộ đã lãnh đạo LLVT Miền Đông Nam Bộ phối hợp với quân dân tỉnh Tây Ninh, làm nên chiến thắng Tua Hai. Chiến thắng là bước ngoặt quyết định phong trào cách mạng - Mở đầu cao trào đồng khởi ở Nam Bộ, đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn thử thách từ thế giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tiến công; từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh chính trị kết hợp quân sự giành nhiều thắng lợi. Vì vậy, hội thảo nhằm làm rõ Nghị quyết Trung ương 15 - một quyết sách lịch sử, thể hiện độc lập, tự chủ, sáng tạo, kịp thời trong đường lối lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng; sức mạnh to lớn của nhân dân, sự mưu trí, sáng tạo chiến đấu của quân và dân tỉnh Tây Ninh, góp phần bổ sung, xây dựng đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thời kỳ mới…
 |
Một tiết mục văn nghệ tại hội thảo.
|
Tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Song, với toan tính từ trước, đế quốc Mỹ từng bước thay thế thực dân Pháp, công khai vi phạm Hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, ngăn chặn làn sóng cộng sản ở Đông Nam Á. Với dã tâm đó, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội Sài Gòn, ráo riết thực hiện các kế hoạch “tố Cộng, diệt Cộng”… hòng triệt phá lực lượng cách mạng và khuất phục nhân dân ta, gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Nam, đặt phong trào cách mạng nước ta trước những thử thách mới.
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng miền Nam, tháng 1-1959, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi phân tích sâu sắc tình hình trong nước, bối cảnh quốc tế và khu vực, tương quan lực lượng giữa ta và địch, Hội nghị quyết định chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang bằng phương pháp khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa, đánh đổ chính quyền địch.
Căn cứ Tua Hai là cứ điểm do Trung đoàn 32 (Sư đoàn 21) của địch chiếm giữ, đồng thời là kho dự trữ chiến dịch quan trọng của địch trên hướng này. Rạng sáng 26 -1-1960, Ban Quân sự miền Đông Nam Bộ phối hợp với quân, dân Tây Ninh tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai, giành thắng lợi, tiêu diệt tại chỗ 76 tên; bắt, giáo dục, thả tại chỗ 400 tên, thu 1.500 khẩu súng...
Theo đồng chí Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, chiến thắng Tua Hai là bước ngoặt quyết định phong trào cách mạng - Mở đầu cao trào đồng khởi ở Nam Bộ bằng vũ trang, đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn thử thách, từ thế giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tiến công; từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang tự vệ giành nhiều thắng lợi. Từ kinh nghiệm trận đánh Tua Hai, quân dân Tây Ninh liên tiếp nổi dậy diệt ác, phá kìm, bức hàng, bức rút 50% đồn bốt trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã. Phát huy giá trị lịch sử Tua Hai, những năm qua, Tây Ninh có nhiều biện pháp xây dựng quê hương giàu đẹp, mạnh về quốc phòng. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 8,4%...
 |
Đoàn chủ tịch hội thảo.
|
Từ kinh nghiệm của Tây Ninh, đồng khởi vũ trang nhanh chóng lan sang các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Sài Gòn - Gia Định… Cuối năm 1960, toàn miền Nam, có 800 xã, nhân dân nổi dậy giành chính quyền, lập nên nhiều trận đánh thắng. Kinh nghiệm này tiếp tục vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.
Với 70 tham luận, mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ, tư liệu mới. Tại hội thảo, các tham luận của các đại biểu đều khẳng định, chiến thắng kiểm nghiệm tác chiến vũ trang của LLVT Miền Đông Nam Bộ. Chiến thắng vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường, đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang miền Nam.
Trên cơ sở kết quả thành công của hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, khẳng định, chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng đó không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn đối với cách mạng miền Nam trong thời kỳ “chuyển mình”. Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ chiến thắng Tua Hai tiếp tục được kế thừa, phát huy hiệu quả, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đội mới. Đó là bài học tính độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối cách mạng; tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng LLVT, xây dựng quân đội cách mạng chính quy; nghệ thuật tác chiến tập kích; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
Tin, ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN