QĐND - Cơn gió lạnh làm chị rùng mình. Xoa vội hai bàn tay vào nhau, Thượng úy QNCN Phan Thị Hường, nhân viên quân nhu, Phòng Hậu cần, Lữ đoàn 147 (Quân chủng Hải Quân) thổn thức: “Lại sắp đến Tết rồi chú nhỉ? Hai mươi năm quân ngũ, tôi mới về ăn Tết ở quê được hai lần. Quê hương xa xôi hẳn đi cho đành lòng, đằng này…”. Nói rồi, khóe mặt chị ngân ngấn nước. Tôi hiểu nỗi lòng nặng trĩu của chị. Chị không có lỗi, chỉ tại số phận quá đỗi gian truân.
Chồng mất khi chị vừa chân ướt, chân ráo từ quê nghèo Hà Tĩnh theo anh đặt chân lên vùng đất mỏ lập nghiệp. Cuộc sống gia đình chị vốn đã khó khăn nay thêm chồng chất. “Nhìn hai đứa con tội nghiệp, tôi cố gượng dậy để tiếp tục sống”-chị Hường nhớ lại.
 |
Chị Hường với công việc hằng ngày ở đơn vị.
|
Nội ngoại ở xa, cuộc sống của ba mẹ con đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chị. Dù tằn tiện đến mấy thì đồng lương của chị chẳng thấm tháp vào đâu. Bởi thế, ngoài giờ làm việc, chị Hường dành thời gian nuôi gà, trồng sắn dây, làm hàng mã... miễn là có thêm thu nhập chính đáng để nuôi dạy, chăm sóc hai con. Dường như thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, hai con gái của chị chăm ngoan, học giỏi. Con gái lớn của chị là Trần Thị Bích Thảo, đang học năm thứ 4, Khoa Kinh tế, Đại học Vinh. Năm nào, Bích Thảo cũng được nhận học bổng. Còn cô con gái thứ hai hiện học lớp 11 và cũng thường xuyên đạt danh hiệu “học sinh giỏi”.
Đồng cảm và chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh của chị Hường, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 147 tạo điều kiện để mẹ con chị được ở trong khu nhà tập thể. Mới đây, bằng tình cảm đồng chí, đồng đội, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương cấp sổ đỏ và xây ngôi nhà tình nghĩa tặng mẹ con chị. Ngôi nhà không rộng nhưng chứa chan tình cảm của cán bộ, chiến sĩ hải quân.
Trời về chiều, bóng tối đổ nhanh sầm sập. Trước khi ra về, chị Hường nhờ tôi treo giúp tấm bằng “Chiến sĩ tiên tiến” năm 2013. Bấy giờ, tôi chợt nhận ra ngôi nhà nhỏ ngày càng chật hơn với những phần thưởng mà mẹ con chị Hường đã nỗ lực giành được…
Bài và ảnh: TUẤN MINH