QĐND - Làng quân nhân của Kho K816 (Cục Quân khí) không chỉ được người dân xứ Nghệ biết đến bởi là nơi cư trú của hàng nghìn con chim sẻ; mà còn là mô hình dân cư đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Mô hình đó mang đậm hơi ấm tình người của những người lính quân khí quanh năm làm bạn với súng đạn…

Đặt chân đến làng quân nhân của Kho K816, chúng tôi cảm nhận được không gian thanh bình, yên ả đến lạ kỳ. Đại tá Đặng Văn Phúc, Chính trị viên Kho K816 tình nguyện làm “hướng dẫn viên” để chúng tôi khám phá những điều thú vị mà theo anh thì đó được coi là bản sắc rất riêng, chỉ có ở làng quân nhân Kho K816.

Ánh trăng hạ tuần rọi thấu con đường làng rải bê tông dài hun hút. Chậm rãi, sải bước trên con đường bê tông ấy, Đại tá Đặng Văn Phúc cất giọng:

- Điều đặc biệt có lẽ ít nơi nào có được mà các hộ gia đình của làng quân nhân đang sở hữu là “dàn hợp xướng” thiên nhiên tuyệt vời gồm hàng nghìn chú chim sẻ. Sáng sáng, chúng gọi nhau ríu ran đánh thức mọi người trong làng, rồi tản đi kiếm ăn, chiều tối kéo nhau về. Từ khi có chúng, trong làng cứ như có một đơn vị quân nhạc góp mặt, với những âm thanh vừa quen, vừa lạ.

Niềm vui sau mỗi ngày làm việc ở làng quân nhân Kho K816. Ảnh: Bá Duy

Với chất giọng cuốn hút, anh Phúc say sưa kể cho tôi nghe về “sự tích” đàn chim sẻ đến “an cư” tại làng quân nhân. Theo anh Phúc thì lúc đầu chỉ có vài chục con chim sẻ về làm tổ, sau dần đông thêm. Chim sẻ về nhiều cũng là lúc làng quân nhân Kho K816 có thêm nhiều hộ gia đình mới chuyển từ nhiều địa phương về đây sinh sống, lập nghiệp. Nói vậy, nhưng cuộc sống của hơn 100 hộ gia đình ở làng quân nhân Kho K816 cũng còn nhiều vất vả, gian truân. Nơi đây, mùa hè thì oi bức, khắc nghiệt; mùa mưa, nước từ thượng nguồn sông Dinh đổ về làm cả làng chìm sâu trong nước. Những ngày nước về, cuộc sống của người dân trong làng quân nhân Kho 816 gặp muôn vàn khó khăn: Điện, nước bị cắt, mọi sinh hoạt bị ngừng trệ. Vậy là mọi người lại “rồng rắn” vào đơn vị ở tạm chờ nước rút. Do biết trước tình hình, cũng trải qua nhiều năm chống chọi với lũ, nên chỉ huy đơn vị đã chủ động bố trí nơi ở, tổ chức nấu ăn tập thể phục vụ các hộ gia đình trong những ngày nước lũ dâng cao. Lũ rút, đơn vị lại huy động lực lượng giúp các hộ gia đình ở làng quân nhân vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa… Đặc biệt ở đây, phong trào tự nguyện giúp nhau trở thành nét văn hóa trong đời sống thường nhật của những gia đình quân nhân. Dường như trước thử thách và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sức mạnh để mỗi gia đình, mỗi người dân nơi đây vượt qua được bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết.

- Mời các anh chị vào nhà uống chén chè xanh. Tiếng chị Xuân - vợ Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Trinh (Trợ lý bảo vệ kho K816) đon đả. Sau khi rót mời chúng tôi cốc trà xanh nóng hổi, chị Xuân nói tiếp:

- Cảm ơn các anh chỉ huy đơn vị, các anh chị trong xóm đã động viên, giúp đỡ tôi mới “quyết” chuyển từ quê về đây sinh sống. Dẫu còn có những khó khăn nhất định, nhưng so với những năm trước cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Lý giải với tôi những điều chị Xuân vừa bộc bạch, anh Phúc cho biết:

- Công việc của cán bộ, chiến sĩ ngành quân khí chúng tôi tuy nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng ai cũng rất yêu nghề, yêu đơn vị. Có được điều đó, chúng tôi mừng lắm. Vì vậy, quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để mọi quân nhân trong đơn vị ổn định cuộc sống là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy kho. Ví như gia đình anh Trinh, chị Xuân cưới nhau đến nay đã 20 năm thì có 19 năm "chồng ở miền núi, vợ ở miền xuôi". Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, cuối năm ngoái chị Xuân mới chuyển từ quê lên đây sinh sống để vợ chồng sớm tối gần nhau. Tuy nhiên, hiện con trai lớn của anh chị vẫn phải gửi ông bà nội ở quê trông nom, chăm sóc và lo chuyện học hành.

Hoàn cảnh vất vả như gia đình anh Trinh, chị Xuân trong làng cũng còn nhiều. Như gia đình Thiếu tá QNCN Lê Thị Tư, giáo viên mầm non Kho K816 cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm của chồng không ổn định, hai con đang độ tuổi đi học. Khó khăn về kinh tế thì từng bước khắc phục, nhưng trớ trêu thay, năm 2010, khi kiểm tra sức khỏe, chị Tư mới biết mình mắc bệnh nan y. Vậy là gánh nặng khó khăn cuộc sống của gia đình chị thêm chất chồng. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị động viên, tạo điều kiện về thời gian để chị yên tâm điều trị bệnh. Đồng đội, hàng xóm láng giềng mỗi người góp một chút giúp chị vượt qua khó khăn. Và thật mừng, cũng chính nhờ sự giúp đỡ ấy, nên chị Tư luôn lạc quan, tích cực điều trị bệnh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Nghe chuyện về những gia đình trong làng quân nhân Kho K816, điều chúng tôi cảm nhận rõ là sự quan tâm, chia sẻ, động viên lẫn nhau của những con người nơi đây. Dẫu thiên nhiên tuy khắc nghiệt, cuộc sống vật chất trong mỗi gia đình còn có những khó khăn, nhưng bù đắp lại là tình yêu thương giữa con người với con người. Và có lẽ, như hiểu được tấm lòng chân tình của những con người nơi đây, nên mỗi ngày lại có thêm những chú chim sẻ bay về quần tụ...

KIM ANH