QĐND - Mang theo muôn vàn nỗi nhớ và  sự khát khao mong chờ, những người vợ lính Trường Sa ra thăm chồng trên các đảo còn mang thêm hy vọng: Những ngày ngắn ngủi bên chồng sẽ “ươm được mầm hạnh phúc”... 

Cô gái Phạm Thị Thanh Xuân, 24 tuổi, quê huyện Kim Bảng (Hà Nam) lần đầu tiếp xúc với bộ đội, nên cứ bẽn lẽn, e thẹn. Chị ra thăm chồng là Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Hợi, nhân viên kỹ thuật trên đảo Song Tử Tây. Ngày đầu theo tàu ra đảo, Xuân say sóng mệt nhoài, nên chẳng nói được với ai câu gì, chỉ nhoẻn miệng cười khoe chiếc răng khểnh thật duyên. Khi đã quen dần với sóng, quen với các mẹ, các chị và đồng đội của chồng cùng đi trên tàu, Xuân nói chuyện rất vui và tếu táo. 

Không giấu được niềm hạnh phúc, Xuân giãi bày: “Em và anh Hợi cưới nhau đã 2 năm, nhưng vợ chồng mới ở với nhau vẻn vẹn 32 ngày. Sau “tháng trăng mật”, anh Hợi ra đảo công tác luôn. Nhiều đêm nằm một mình trên chiếc giường cưới rộng thênh thang, em nhớ chồng đến cồn cào, da diết. Giá như một tháng ở bên nhau, em có “tin vui” thì tốt biết mấy! Nhưng vợ bộ đội mà anh, chỉ biết dành cho nhau tình yêu và nỗi nhớ!".

- Lần này ra đảo, Xuân quyết tâm “tuyển quân” chứ?

Đôi vợ chồng trẻ Công- Anh trên đảo Song Tử Tây.

Nghe tôi hỏi vậy, tưởng Xuân xấu hổ, nhưng niềm khát khao mong có con của người vợ trẻ khiến Xuân tự tin, mạnh dạn:  “Có chứ anh, tuyển bằng được “chú bộ đội con” em mới về!”. Nói rồi, Xuân cười, nụ cười chứa chan bao niềm hy vọng.

Lúc xuồng cập đảo Song Tử Tây, Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Hợi khoác trên mình bộ quân phục rằn ri khỏe khoắn. Tuy nắng gió Trường Sa làm nước da anh đen sạm, nhưng sự tươi trẻ vẫn hiện rõ trên gương mặt nam tính, mạnh mẽ của anh. Khi xuồng vừa cập đảo, Hợi nhoài người ra, 2 cánh tay săn chắc của anh bế bổng Xuân lên cầu cảng. Bao ánh mắt đổ dồn về phía họ, nhưng giờ phút ấy, đảo như chỉ có 2 người. Họ ôm chặt lấy nhau. Những tràng pháo tay cổ vũ xen lẫn tiếng hò reo, hòa vào bản nhạc của sóng, tạo nên khung cảnh thật lãng mạn. Cũng từ giây phút ấy, vợ chồng trẻ Xuân-Hợi bén nhau như sam. Cảm xúc của tình yêu-nỗi nhớ được đong đầy. Đảo như “chiếc võng nhỏ” mắc trên hai đầu ngọn sóng để cho đôi vợ chồng trẻ mãi dạt dào...

Có vẻ chững chạc hơn đôi uyên ương Xuân-Hợi, cặp vợ chồng Hồng Anh và Chí Công (Thiếu úy QNCN, nhân viên kỹ thuật đảo Song Tử Tây) đón nhau trên đảo bằng cái ôm thật chặt. Ngay sau đó, Công dẫn vợ đi giới thiệu với anh em đồng đội, rồi nhanh chóng đưa nàng về “tổ ấm” của mình.

Tổ ấm “tiền phương” trên đảo của đôi vợ chồng trẻ này là một căn phòng xinh xắn. Chắc cũng phải mất vài buổi, Công bỏ chơi thể thao để trang trí “cho giống” với ngôi nhà hạnh phúc của mình trong đất liền, chỉ có điều, giường hạnh phúc của 2 vợ chồng là giường đơn ghép đôi, nhưng không vì thế mà kém phần chắc chắn và lãng mạn.

Thấy vợ còn mệt, nên mọi chuyện Công đều đỡ lời: “Chúng em mới cưới nhau được 6 tháng anh ạ. Cưới xong là em ra đảo luôn, nhiều đêm nghĩ mà thương vợ quá. Cũng may là nhà ở gần ông bà ngoại, nên trước khi ra đảo, em liền “trả” cô ấy về bố mẹ”. Nói rồi, Công nhìn vợ cười âu yếm. 

Hồng Anh là cô giáo trẻ, lớn lên ở xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa). Tưởng chẳng bao giờ lấy chồng là bộ đội, nhưng duyên số trời định. Cô đã không thể cưỡng lại lời cầu hôn chân thành, mộc mạc của chàng lính biển sau 2 năm tìm hiểu.

- Biết lấy chồng bộ đội là vất vả, nhưng em yêu chồng, em tự hào về nhiệm vụ anh ấy đang thực hiện. Chúng em chỉ xa nhau về không gian thôi, còn tình cảm, tình yêu thì gần lắm anh à - Hồng Anh chia sẻ.

  Nghe vợ nói vậy, Công coi như không có tôi xuất hiện trong căn phòng nhỏ ấy. Anh hôn vợ chụt một cái rồi thì thầm: “Lần này về, sinh cho anh thằng cu nghe!”.

Tôi không thể nán lại thêm, bởi thấy mình lạc lõng, vội chúc mừng hạnh phúc, rồi bước nhanh ra con đường rợp bóng cây bàng quả vuông, mù u, phong ba của đảo. Ngoài kia, sóng vẫn rì rào hát lời của biển.

... Lần đầu tiên ra thăm chồng là Thiếu úy QNCN Trần Văn Duy, công tác trên đảo Sinh Tồn, cô gái Đinh Thị Mận, 26 tuổi, giảng viên Trường Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh đứng ngồi không yên. Khi chỉ huy tàu HQ-996 thông báo chỉ còn ít phút nữa tàu sẽ đến đảo Sinh Tồn, Mận mừng rơn. Theo thói quen rất phụ nữ, Mận lấy đồ trang điểm ra “tút” lại sắc đẹp. Em vẫn sợ mình xấu trước mặt chồng, nên dù đã ngắm rất lâu trước gương, nhưng vẫn không quên hỏi mấy chị: Các chị ơi, hôm nay trông em thế nào?

Đảo Sinh Tồn về đêm đầy thơ mộng và quyến rũ. Mận tựa vào vai chồng ngắm trăng soi chênh chếch trên biển. Vợ chồng gặp nhau lần nào cũng vội, chưa một lần có đủ thời gian để giận dỗi, nên những giây phút hiếm hoi như thế này, họ chỉ lặng im để con tim mình thổn thức.

Mận và Duy cưới nhau đã hơn 2 năm, nhưng vì nhiệm vụ, vì cuộc sống, họ chưa có điều kiện sinh con. Niềm khao khát ấy cứ cháy mãi, cháy mãi rồi thổi bùng lên trong lòng người vợ trẻ. Có lẽ vì thế mà Mận không ngại khổ. Cô chia sẻ: Em vừa thi đỗ cao học; sắp tới vừa đi học, vừa đi làm, lại xa chồng chắc gặp nhiều khó khăn, nhưng em không ngại. Em vẫn muốn có con trong dịp này anh ạ. Hy vọng những ngày sống bên chồng trên đảo, điều em mong ước sẽ trở thành hiện thực.

Trường Sa - mùa yêu thương. Hạnh phúc, tình yêu, nỗi nhớ xin dành trọn cho họ, cho những con người biết yêu, biết hy sinh vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: TRỊNH VĂN DŨNG