QĐND - “Ước nguyện chưa thành của người thợ lặn Trường Sa” là tên bài báo đăng trên trang "Ý kiến chiến sĩ" Báo Quân đội nhân dân ngày 8-6-2014, phản ánh hoàn cảnh khó khăn của anh Phan Đức Phượng, công nhân hợp đồng của Hải đoàn 129 (Quân chủng Hải quân), đã 8 năm công tác trên đảo Đá Tây. Mới đây, ước nguyện của anh đã thành hiện thực khi anh được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định chính thức tuyển dụng trở thành công nhân viên quốc phòng tại Hải đội 922, Hải đoàn 129.
Trưa vắng, chúng tôi ghé thăm nhà anh Phượng ở tổ 11, khu phố Hương Sơn, phường Long Hương, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hỏi thăm nhà anh, mấy người dân đầu ngõ nhiệt tình chỉ đường và còn dặn thêm:
- Hỏi luôn Phượng chồng bà Vân có đứa con bị “đao” thì ai cũng biết, chứ Phượng “Trường Sa” mấy người rành đâu. Hồi đầu tụi tui còn tưởng bả góa chồng vì quanh năm có thấy chồng ở nhà đâu. Mãi gần đây ổng về tổ chức liên hoan vụ được vào “biên chế”, cả xóm mới rõ hơn hoàn cảnh nhà bả.
 |
Vợ con anh Phan Đức Phượng chia sẻ niềm vui với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
|
Nét mặt hằn lên nỗi lo toan, chị Nguyễn Thị Vân, vợ anh Phượng đạp xe lật đật ra đón chúng tôi, ngồi sau xe là cháu Phan Trung Thiện, đứa con út 5 tuổi bị thiểu năng trí tuệ đang ngồi khư khư ôm cái vỏ ốc. Dẫn chúng tôi vào nhà rót nước, chị mang ngay tờ quyết định của anh do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, mừng rỡ nói:
- Cảm ơn Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Quân chủng Hải quân đã quan tâm vận dụng giúp đỡ chồng em. Cảm ơn các nhà báo Báo Quân đội nhân dân gặp anh ở ngoài đảo đã thấu hiểu tâm tình và viết bài phản ánh. Hôm anh ấy từ đảo về đơn vị nhận quyết định, anh mừng gọi anh em đơn vị đến ăn cơm chung vui còn anh ấy thì không ăn gì cả. Anh bảo: “Sướng quá thấy no rồi, không cần ăn”.
Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Lừng, người hàng xóm quê gốc Nam Định, cho hay, ông bán mảnh đất giá 36 triệu đồng cho vợ chồng anh Phượng theo dạng “trả góp” trong 10 năm vì thương anh chị, thông cảm hoàn cảnh người lính đảo xa. Ông nói: “Năm ngoái, anh em đơn vị còn quyên góp ủng hộ tiền giúp cô chú cất được căn nhà này. Nay chú ấy được vào biên chế, cả xóm ai cũng mừng cho chú có công việc ổn định, cũng là bớt khó khăn”.
Anh Phượng sinh năm 1971, quê ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, từng là bộ đội Lữ đoàn Đặc công nước 126, xuất ngũ lại đầu quân về Hải đoàn 129 làm công nhân hợp đồng đi câu cá ngừ đại dương, sau đó xung phong ra đảo Đá Tây tham gia dự án nuôi cá đã hơn 8 năm. Gia cảnh anh rất khó khăn, vợ không có việc làm, chỉ ở nhà nội trợ và trông nom đứa con út tật nguyền, hai con trai lớn học xong phổ thông chưa có việc làm ổn định, thu nhập cả nhà trông vào đồng lương của anh.
Trong chuyến công tác ra đảo Đá Tây năm 2014, lúc xuồng sắp rời đảo, chúng tôi thấy mấy người mặc áo xanh công nhân, người neo xuồng, người ngồi lặng lẽ bên cầu cảng. Một anh công nhân nói:
- Các nhà báo có viết thì viết về chú Phượng thợ lặn kia kìa. Hắn tốt bụng mà gia cảnh khó khăn lắm!
Trở về đất liền, chúng tôi đã viết các bài: “Ước nguyện chưa thành của người thợ lặn Trường Sa”, “Cần quan tâm giúp đỡ người thợ lặn ở Trường Sa” đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Sau khi báo đăng, trao đổi về nội dung bài báo, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân, cho biết: “Trường hợp đồng chí Phượng, chúng tôi rất quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, anh Phượng sinh năm 1971, đã quá tuổi xét chuyển công nhân viên quốc phòng theo quy định. Chúng tôi sẽ đề nghị Cục Quân lực xem xét vận dụng vì đây là trường hợp đặc biệt”.
Cuối tháng 12-2014, trong một lần làm việc với Thiếu tướng Tô Viết Báo, Cục trưởng Cục Quân lực, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã chuyển tờ báo đăng bài viết cho đồng chí Cục trưởng. Đọc xong, Thiếu tướng Tô Viết Báo rất xúc động. Mấy ngày sau, Cục Quân lực có công văn gửi Báo Quân đội nhân dân cho biết: Sau khi nghiên cứu nội dung báo nêu về trường hợp đồng chí Phượng, Cục Quân lực đã đề nghị Bộ tư lệnh Hải quân báo cáo cụ thể về Bộ Tổng tham mưu (thông qua Cục Quân lực) để chúng tôi báo cáo, giải trình với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết trong thời gian tới, nếu đủ tiêu chuẩn...
Chúng tôi gọi điện hỏi anh Phượng, từ đảo xa, anh vui mừng nói trong tiếng sóng: “Tôi không biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Hải đoàn 129 và các nhà báo chiến sĩ đã quan tâm, giúp đỡ tôi toại nguyện ước mơ được phục vụ lâu dài trong quân đội. Tôi nguyện sẽ đem hết sức mình cống hiến, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bài và ảnh: GIANG MINH THÁI