Tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình, đồng chí Hoàng Thu Nga, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Chiêm Hóa tâm huyết giới thiệu: "Kim Bình nằm ở phía Nam của huyện Chiêm Hóa - một trong những ATK tin cậy của cách mạng. Nơi đây núi rừng hiểm trở nhưng rất thuận lợi cho việc liên lạc, cơ động. Từ Kim Bình có thể cơ động đi Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, lên Hà Giang, xuống Tuyên Quang, hoặc đi tắt qua đường rừng sang căn cứ địa Tân Trào... Nhân dân các dân tộc địa phương giàu truyền thống cách mạng, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ... Đó là những yếu tố để Kim Bình được chọn làm nơi diễn ra Đại hội II của Đảng". 

Đồng chí Phan Thị Nguyệt, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Linh Phú (Chiêm Hóa), người con của quê hương Kim Bình tiếp lời: "Ngày ấy, bố tôi và nhiều người dân trong xã vinh dự được tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất xây dựng khu tổ chức Đại hội II của Đảng trên đồi Nà Loáng... Những ngày diễn ra Ðại hội II của Đảng đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân được đón một cái Tết ấm cúng với Bác Hồ và các đại biểu. Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với đồng bào nên kỷ niệm của người dân không chỉ là sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là sự gần gũi, giản dị của Bác.

leftcenterrightdel

Các đồng chí đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh tư liệu 

Tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình còn ghi lại: Từ giữa tháng 1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, Chính phủ đã về ở và làm việc tại thôn Phú An để chuẩn bị tiến hành đại hội. Trong những ngày tháng ở Kim Bình, Bác luôn mặc bộ quần áo xanh chàm của đồng bào dân tộc miền núi, cùng chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Đặc biệt, Người có phương pháp làm việc rất khoa học, giờ nào việc nấy, đồ vật được để rất ngăn nắp, gọn gàng.

Cũng tại thôn Phú An còn diễn ra một số sự kiện quan trọng khác như: Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt và Hội nghị Liên minh nhân dân 3 nước Việt-Miên-Lào cùng trong tháng 3-1951; Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I (tháng 5-1952)... Với ý nghĩa đó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Tuyên Quang mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Giữ vững một niềm tin son sắt với Đảng, người dân Kim Bình hôm nay đang dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 2015, Kim Bình là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện tại, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc ở Kim Bình đang nỗ lực vượt khó để hoàn thành những tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

MẠNH KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.