“Anh muốn ôm em vào lòng mà hôn cho thỏa thích, cũng như ôm vào lòng cả Tổ quốc thân yêu.”

Tiếp nối mảng sách đặc biệt về những người chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho sự bình yên đất nước, mới đây, nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn “Liệt sĩ vẫn nhận được thư” do nhà báo Đỗ Phú Thọ giới thiệu, đây là câu chuyện cảm động về tình yêu của một liệt sĩ – phóng viên với một nữ y tá chiến đấu và làm việc trên mặt trận từ khi họ yêu nhau, lấy nhau đến khi cái chết chia lìa, chuyện tình yêu của họ vẫn còn tiếp diễn.

Câu chuyện được tái hiện qua những bức thư của người ngoài tiền tuyến, nhà báo Thẩm Đức Hòa từng công tác tại Việt Nam Thông tấn xã, anh đã tham gia vào kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947 khi chưa tròn 17 tuổi rồi đến kháng chiến chống Mỹ, anh luôn có mặt trên mọi mặt trận ác liệt nhất của Tổ quốc. Cuốn sách nói về một mối tình đẹp, lãng mạn và tràn ngập tinh thần cách mạng của những chàng trai cô gái đất Hà thành yêu nhau nhưng phải tạm chia xa vì chiến tranh đánh phá. Trong những lúc khó khăn ấy, họ nghĩ đến nhau – nghĩ đến người mình yêu để có thêm nghị lực, sức mạnh để tiếp tục cống hiến. Anh Hòa đã biên thư cho người con gái anh yêu thương - chị Phương Bích Ngân - cô y tá đang làm nhiệm vụ ở một chiến tuyến khác: “Em yêu quí! Anh muốn ôm em vào lòng mà hôn cho thỏa thích, cũng như ôm vào lòng cả Tổ quốc thân yêu, muốn đất nước tươi đẹp ta đời đời nở hoa, nhân dân ta sung sướng, sống hạnh phúc trong lao động hòa bình”. Mỗi bức thư là một lời tâm sự, động viên của người đi xa. Có cả những dòng thư nhà báo Đức Hòa viết cho chị Ngân để bày tỏ nguyện vọng được xây dựng hạnh phúc gia đình với chị:

“Đặt vấn đề này với em, anh đã xét trên ba quan hệ của chúng ta, quan hệ cách mạng, quan hệ tình cảm và quan hệ vật chất; xét cả về quá khứ trước, hiện nay và về sau này nữa…”.

Và rồi, sau những lần “đặt vấn đề”, những “lời tỏ tình” như vậy, ngày 24-6-1956, anh chị làm lễ cưới, đó cũng chính là ngày họ chọn làm sinh nhật của chị Ngân. “Bây giờ đọc lại lá thư, các con tôi và nhiều bạn trẻ chắc chắn sẽ cười nghiêng ngả. Nhưng ngày ấy, những dòng chữ đó đối với tôi thật nghiêm túc, thiêng liêng và tôi cũng không nhớ rõ đã đọc nó bao nhiêu lần dù đã thuộc lòng…”- Chị Ngân tâm sự trong cuốn sách.

Đó là tiêu biểu cho tình yêu thời chiến, tình yêu gắn với tinh thần cách mạng, lý tưởng cộng sản, rất chân thật, không hoa mỹ cầu kì mà bình dị, chín chắn, đó là phong cách của một nhà báo cách mạng - một người con của Đảng đã thấm nhuần tinh thần dân tộc.

Chị Phương Bích Ngân - người con gái ngày nào giờ đã sang tuổi thất thập cổ lai hy, chị vẫn giữ trọn những lá thư - những di vật thiêng liêng mà anh Hoà - chồng chị để lại. Không những thế, sau ngày anh mất, 23-11-1967, chị tiếp tục sống và như vẫn có anh với tình yêu thương như thuở ban đầu. Chị lặng lẽ, âm thầm viết thư tâm sự với chồng như hồi anh còn sống. Sau khi viết xong, chị đặt lá thư lên bàn thờ anh, thắp hương để anh về nhận, sau đó chị đốt lá thư với niềm tin ở một cõi tâm linh, anh sẽ nhận được. Tác giả Đỗ Phú Thọ đã cố công sưu tầm những bức thư còn sót lại, từ thời điểm 2005 đến nay, sau gần 40 năm, trong chị vẫn nguyên vẹn một tình yêu, sự nhung nhớ khôn nguôi:

“Anh Hòa thương nhớ tin yêu nhất của em!

30 tuổi và 40 năm sau, giờ đây em vẫn muốn nói chuyện, tâm sự với anh như hồi chúng mình còn trẻ… Từ ngày anh ra đi em vẫn nói chuyện với anh trong những đêm thanh vắng, những giấc mơ về anh…” (Trích bức thư ngày 23-7-2005).

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng những kỷ niệm, hồi ức về những người đã hy sinh cuộc đời, cống hiến xương máu cho Tổ quốc vẫn còn đó, trong nhiều người ở lại, nó vẫn vẹn nguyên, vẫn là động lực soi sáng con đường họ đi tiếp. Có lẽ chính vì vậy, những trang nhật ký, những trang thư, trang đời của những con người ấy mãi mãi được người đời sau trân trọng, gìn giữ như một kỉ vật thiêng liêng, minh chứng cho tình yêu đôi lứa, sự vĩnh hằng của tinh thần dân tộc bất tử để cho những người còn sống tìm hiểu và chiêm nghiệm.

MAI HỒNG THUẬN