QĐND - Trong một lần đến Lữ đoàn thông tin 132, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) công tác, tôi tình cờ được anh em trong đơn vị kể cho nghe chuyện tình của Thiếu úy QNCN Đỗ Văn Phi, nhân viên cáp quang trạm Q11 thuộc Trung đội 7, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 - câu chuyện mà mọi người ở đơn vị đều biết và vẫn gọi vui là: Tình yêu trên tuyến cáp.
 |
Ông bà Tam cùng cậu cháu ngoại và vợ chồng Thiếu úy QNCN Đỗ Văn Phi.
|
Quê Phi ở Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp THPT, Phi tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn thông tin 134, Binh chủng TTLL. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, rồi được đào tạo sơ cấp về cáp quang, Phi được điều về công tác tại Lữ đoàn thông tin 132. Tháng 6-2006, Phi được giao nhiệm vụ tuần tra bảo vệ tuyến cáp quang dọc theo đường sắt Bắc - Nam, khu vực địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Đây là tuyến cáp quang nằm trên nhiều loại địa hình phức tạp. Quá trình tuần tra, Phi và các đồng đội phải ăn nghỉ trên dọc tuyến, trong đó có gia đình ông Phan Văn Tam ở thôn Quý Phước 2, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình. Gia đình ông Tam có hoàn cảnh khá khó khăn. Bà Lắng (vợ ông) bị tai nạn lao động, mất một cánh tay khi đang là công nhân Nhà máy đường Quảng Ngãi. Vì thế, một mình ông phải gánh vác mọi công việc gia đình. Khi Phi và đồng đội đến xin nghỉ nhờ trong gia đình ông Tam thì Xuân - con gái lớn của ông đang theo học Khoa Trung cấp mầm non, Trường Đại học Sư phạm Quảng Nam ở TP Tam Kỳ, nên thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ vào dịp cuối tuần. Biết gia cảnh khó khăn, một mình ông Tam phải lao động vất vả nuôi hai con ăn học, Phi và các đồng đội thường thu xếp thời gian để mỗi khi đến đều có thể phụ giúp công việc trong gia đình, nhất là những ngày vào mùa vụ. Vì vậy, ông bà Tam rất thương yêu, quý mến các chú bộ đội, nhất là chàng trai Thái Bình khá thạo việc nhà nông. Tình cảm gia đình và đơn vị ngày thêm gắn bó, ông bà Tam xem các chú bộ đội như con cháu trong nhà. Đặc biệt, ông bà Tam thường xuyên thông báo về tình hình hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn có ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn tuyến cáp để đơn vị chủ động phương án giải quyết.
Rồi trong một lần đi tuần tra và nghỉ lại trong gia đình đúng vào dịp cuối tuần, Phi đã gặp Xuân. Phi tâm sự: “Sau lần gặp gỡ đầu tiên chỉ với những câu chuyện vu vơ, những lời thăm hỏi xã giao mà không hiểu sao, những ngày sau đó, khi đến nghỉ lại nhà, tôi cứ thấy thiếu vắng điều gì đó”.
Thời gian trôi qua, ngày càng có thêm nhiều lần gặp gỡ tình cờ giữa Phi và Xuân. Nỗi nhớ nhung và tình cảm lâu ngày dồn nén đã thôi thúc Phi ngỏ lời cùng Xuân sau nhiều đêm thức trắng để tìm cách “vào đề”. Nhắc lại chuyện lần đầu tiên “tỉnh tò” với người yêu, Phi vẫn còn nguyên vẻ ngại ngùng: “Hôm đó, hẹn được Xuân ra ngoài, nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ mà tôi vẫn không thể “vào đề” được dù đã chuẩn bị rất kỹ. Mãi rồi, tôi cũng nói với Xuân được vài điều mà chẳng tới đầu, tới cuối. Cuối cùng, Xuân cũng gật đầu đồng ý”. Một năm sau, khi Phi trở thành QNCN, còn Xuân về làm cô giáo ở Trường Mẫu giáo thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình), lễ cưới của hai người được tổ chức trong niềm vui chung của gia đình, đơn vị, bạn bè và bà con lối xóm.
Giờ đây, vợ chồng Phi đã có con trai gần 4 tuổi và vẫn sống với ông bà Tam trong căn nhà nhỏ nơi xóm nghèo ấy. Ngày ngày, Xuân vẫn đến trường, ông bà Tam vui vầy với đồng ruộng và cu cháu ngoại. Và căn nhà nhỏ nơi xóm nghèo ấy trở thành "địa chỉ" quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thông tin 132...
Bài và ảnh: BẠCH TIẾN TUÂN