 |
Anh Bùi Văn Tiến (bên trái) và vợ con trước khi lên đường nhận nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn Đông.
|
Ra Trường Sa, một trong những chủ đề tôi được nghe và chia sẻ nhiều nhất là câu chuyện xoay quanh tình yêu. Thú thực, dù đã tự hình dung ra nhiều chi tiết trước khi đến đảo, nhưng những câu chuyện có thực của bộ đội Trường Sa đã vượt xa trí tưởng tượng của tôi.
Xa mặt không cách lòng
Trên đảo Sinh Tồn Đông, được Trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo giới thiệu, tôi tìm gặp Trung úy QNCN Bùi Văn Tiến, một trong những người đã 4 lần nhận nhiệm vụ ở Trường Sa. Trải lòng với tôi về gia đình nhỏ của mình, anh Tiến tâm sự:
- Tôi rất bất ngờ và cảm động khi nghe “bà xã” động viên tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ngoài đảo. Thương vợ lắm. Tôi biết đi công tác xa, một mình cô ấy phải vừa là mẹ, vừa là bố nuôi con ăn học…
Nói đến đây, ánh mắt đỏ hoe vì xúc động của anh Tiến chợt ánh lên niềm hạnh phúc. Anh kể, con gái Bùi Thị Huyền Trang, năm nay 5 tuổi, đáng yêu và tình cảm lắm. Đây là lần thứ 4 anh Tiến ra đảo. Hôm chia tay trên quân cảng Cam Ranh, con gái Huyền Trang cứ ôm bố thật chặt và nói:
- Bố đi công tác mạnh khỏe, khi nào về dẫn con đi mua gấu bông nhé.
Anh Tiến nhẩm tính, từ ngày yêu và cưới đến nay, thời gian anh được ở bên vợ và con gái chưa đầy 10 tháng. Nhưng chính gia đình là điểm tựa tinh thần để anh thêm niềm tin và sức mạnh cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.
Cả nhà thương nhau
Trước đó, khi đến đảo Nam Yết, sau phần giao lưu văn nghệ sôi nổi cùng bộ đội trên đảo, tôi gặp và trò chuyện với Trung úy Nguyễn Tường Tín, Bí thư chi đoàn cụm chiến đấu 2. Quê ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), đây là lần thứ hai, anh Tín nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Hỏi chuyện mới biết, đợt này, anh Tín ra đảo chỉ nửa tháng sau khi lập gia đình. Bây giờ, vợ anh ở nhà đã sinh cháu. Dù chưa gặp mặt con, nhưng anh Tín vui lắm. Anh tâm sự:
- Liên lạc qua điện thoại với vợ, được nghe tiếng của con, tôi xúc động lắm. Vợ tôi nói, con trai giống bố như đúc. Cô ấy động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, ở nhà mọi việc đã có cô ấy lo toan.
Vui chuyện, anh Tín kể thêm, khi anh hát tặng bài hát “Cả nhà thương nhau”, cu Tuấn ọ ẹ ra chiều vui lắm. Nhớ vợ, nhớ con, song khi liên lạc biết tình hình hậu phương, anh Tín cũng vững tâm. Anh bảo: “Sau này, cu Tuấn lớn lên, tôi sẽ kể cho cháu nghe thật nhiều chuyện Trường Sa”.
“Tình yêu thép”
Ở Trường Sa, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện tình yêu xúc động khác nữa như nỗi nhớ người vợ mới cưới Phạm Thị Thu Hảo của Thiếu tá Nguyễn Đức Dân ở đảo Nam Yết; Thượng úy Đào Hồng Thắng ở đảo Sinh Tồn với cô con gái nhỏ đang bi bô tập nói; Thượng úy Nguyễn Tiến Hòa, Đảo trưởng đảo Đá Thị với bức thư đầy tình cảm mà anh đọc cho chúng tôi nghe trước khi nhờ chúng tôi gửi về cho vợ anh là chị Nguyễn Thị Kim Loan…
Về đất liền, liên lạc qua điện thoại với hậu phương của các anh, tôi thấy ai cũng nhắn: Mọi người ở nhà vẫn khỏe, chúc anh và đồng đội ở Trường Sa vững tay súng, vững niềm tin, mạnh khỏe, yên tâm công tác.
Có lẽ, khi yêu và lấy bộ đội, đặc biệt là bộ đội công tác trên đảo Trường Sa, mỗi người vợ đã tự xây dựng, vun đắp niềm tin, nghị lực, mà có người nói vui rằng, đó là “tình yêu thép” để đồng cảm, chia sẻ, động viên chồng, người yêu và nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tình yêu của họ, có thể như tình yêu Ngưu Lang-Chức Nữ, quanh năm suốt tháng ít có cơ hội ở gần nhau, nhưng dường như càng bền chặt, sắt son hơn qua những thử thách. Có phải vì thế mà khi nói về “một nửa” của mình, mỗi cán bộ, chiến sĩ, sau những khoảnh khắc xúc động đều nở nụ cười thật tươi? Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ do chính một chiến sĩ trên đảo Sơn Ca lãng mạn sáng tác động viên người yêu:
Trăm hoa đẹp nhất hoa hồng
Con gái đẹp nhất lấy chồng Hải quân.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC HIẾU