QĐND - Chúng tôi vui lây khi tới thăm vườn cao su, hồ tiêu xanh tốt của gia đình chị Lê Thị Nga, Trung đoàn 717, Binh đoàn 16, ngụ xóm 4, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước). Chị Nga quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vào Bình Phước lập nghiệp. Năm 2007, vợ chồng chị được đơn vị tuyển dụng vào làm công nhân hợp đồng. Cuộc sống gia đình chị với đồng lương hợp đồng eo hẹp nên rất khó khăn. Thấy rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, hội phụ nữ đơn vị đã quyết định cho chị vay 10 triệu đồng từ quỹ “Tiết kiệm” của hội. Từ nguồn vốn trên, chị Nga tận dụng những diện tích đất hoang hóa cải tạo trồng gần 2ha sắn, 200 trụ tiêu. Quá trình sản xuất, hội phụ nữ thường xuyên đến thăm, động viên, hướng dẫn kỹ thuật nên cuộc sống ngày càng khá hơn, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu nhập thêm hơn 60 triệu đồng. Đón nhận sự quan tâm của đơn vị, chị Nga luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, tích cực tham gia hoạt động hội. Chị Nga tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn của hội phụ nữ giúp đỡ, chẳng biết bao giờ gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh khó khăn”.
 |
Hội viên phụ nữ Trung đoàn 717 tổ chức lao động ngày nghỉ gây quỹ xóa nghèo.
|
Còn chị Lâm Thị Ngọc Lợi, dân tộc Khơ-me, ngụ xóm 1, xã Thiện Hùng, huyện Bù Đốp cũng từ số tiền 7 triệu đồng của hội phụ nữ đơn vị cho vay không tính lãi, gia đình chị trồng được 400 trụ tiêu, mỗi tháng thu nhập thêm 2 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2012, chị đã xây được nhà kiên cố, diện tích 70m2.
Trung đoàn 717 hiện có 345 hội viên phụ nữ, trong đó 30% hội viên là đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơ-me, đời sống các hội viên cơ bản còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Hội Phụ nữ Trung đoàn 717 đã phát động phong trào gây quỹ “Tiết kiệm” thoát nghèo. Theo đó, chị em tự nguyện quyên góp, tổ chức làm thêm ngày nghỉ, tận dụng đất đai bỏ hoang, cải tạo đất ngập, khô cằn để thâm canh nhằm xây dựng nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2008 đến nay, quỹ “Tiết kiệm” của Hội Phụ nữ Trung đoàn 717 đã lên tới gần 200 triệu đồng, tạo điều kiện cho 65 lượt hội viên vay vốn không tính lãi. Bằng cách này, đến nay có 70% hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm; 20% hộ thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã thoát nghèo thành công.
Bài và ảnh: DUY HIỂN – VĂN TUẤN