Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Vinh, “địa chỉ tình nghĩa” của tuổi trẻ cơ quan Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Những ngày đầu tháng 7 đậm đà âm hưởng tri ân, chúng tôi đã cùng tuổi trẻ một số đơn vị tham gia công tác đền ơn, đáp nghĩa bằng những cách làm sáng tạo như: “Ngôi nhà xanh”, “Hũ gạo tình thương”… Đây chính là những mô hình tiêu biểu trong thực hiện chương trình “10.000 địa chỉ tình nghĩa” do Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ V (1997) phát động.

Những “Ngôi nhà xanh”

Chúng tôi về xã Phú Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) thăm gia đình liệt sĩ Lê Văn Hải, người lính hải quân đã hy sinh thân mình cứu nhân dân trong trận lũ lịch sử năm 2000 tại thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa).

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới, bác Lê Văn Nông, bố đẻ liệt sĩ Lê Văn Hải bùi ngùi nhắc lại chuyện cũ. Hải là con út trong gia đình, tháng 2-2000 trở thành chiến sĩ của đơn vị M01 hải quân đánh bộ (Vùng D, Quân chủng Hải quân). Tháng 8-2000, xảy ra trận “cuồng thủy” ở Cam Ranh, chiến sĩ thông tin Lê Văn Hải nhận nhiệm vụ đi cứu nạn những người dân bị lũ cuốn. Anh cùng đồng đội đã cứu được 18 người thì bất ngờ một cơn sóng dữ chồm tới, hất văng xuồng máy chở cả tiểu đội vào bờ đá. Sóng xô Hải mắc vào một cây cột điện. Anh vội ôm lấy, chằng buộc thân mình vào cột, rồi liên lạc bằng vô tuyến về đơn vị đề nghị ứng cứu. Đang liên lạc thì mất tín hiệu, đồng đội ở đầu máy bên kia chỉ còn nghe thấy những tiếng tút dài não nề… Một cơn sóng vừa chồm qua và Hải đã ra đi trong tư thế đang ôm máy điện đàm…

Trong những lá thư Hải để lại cho gia đình, điều băn khoăn lớn nhất của anh là chưa làm được gì để giúp bố mẹ thoát cảnh nhà tranh, vách đất, mỗi mùa mưa bão chỉ lo chống dột, chống sập. Hôm nay, tuổi trẻ Quân chủng thay anh tặng bố mẹ anh ngôi nhà tình nghĩa mang tên “Ngôi nhà xanh”.

“Ngôi nhà xanh” là Quỹ vốn do Ban thanh niên Quân chủng Hải quân đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng cho phép thành lập với ý tưởng: kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của mọi đoàn viên, thanh niên để xây dựng những ngôi nhà để tặng thân nhân, gia đình các liệt sĩ trong quân chủng hy sinh ở tuổi hai mươi, có hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng này đã nói hộ tấm lòng tuổi trẻ toàn quân chủng, nên ngay sau khi được phê chuẩn, Quỹ “Ngôi nhà xanh” đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Quỹ quyên góp bằng ý thức tự giác, không quy định số tiền cụ thể nhưng mỗi đoàn viên, thanh niên đã “ngầm thi đua” để Quỹ không ngừng lớn mạnh (đến nay đã xây được 6 ngôi nhà), cũng là để các “Ngôi nhà xanh” luôn vững chãi, thực sự là tổ ấm cho những người được tặng. Binh nhất Nguyễn Trần Thủy, đoàn viên Đoàn cơ sở đơn vị M01 tâm sự:

- Mỗi sự hy sinh của đồng đội đều khiến tôi day dứt, tiếc nuối khôn nguôi. Tham gia đóng góp cho Quỹ Ngôi nhà xanh, dù số tiền rất ít ỏi nhưng lòng tôi như được vỗ về vì tôi biết, tất cả mọi người cùng đồng hành vì những người đã ngã xuống.

Hũ gạo tình thương

Binh đoàn Cửu Long đóng quân trên vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa” lớn nhất của cả nước. Có lẽ, đó là một điều kiện thuận lợi để chiến sĩ trẻ nghĩ ra một cách đền ơn mang đậm bản sắc của tuổi trẻ đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tá Tô Đình Kháng, trợ lý thanh niên Binh đoàn Cửu Long, kể rằng: Khởi điểm của “Hũ gạo tình thương” là từ Đoàn cơ sở đơn vị 2 (Đoàn 9, Binh đoàn Cửu Long). Năm 1998, tuổi trẻ Đoàn cơ sở đơn vị 2 tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quân lần thứ V về “Chương trình 10.000 địa chỉ tình nghĩa”. Điều mà tuổi trẻ toàn đơn vị băn khoăn là lấy đâu ra kinh phí để tổ chức hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” cho hiệu quả. Đơn vị 2 là đơn vị sẵn sàng chiến đấu, không làm kinh tế, tăng gia sản xuất cũng chỉ ở mức góp phần cải thiện bữa ăn? Nghĩ đến lời dạy của ông bà: “Một đồng tiết kiệm là một đồng làm ra”, Ban chấp Đoàn cơ sở kiến nghị với chỉ huy đơn vị, đề nghị lập một “hũ gạo tiết kiệm” đặt ở các bếp ăn. Mỗi bữa, chiến sĩ nuôi quân đơn vị bớt khẩu phần ăn 10 gam gạo/người, cho vào hũ. Bớt đi một chút khẩu phần ăn, các “anh nuôi” phải phát huy sáng kiến để nấu cơm ít bị cháy, chia cơm thật đều; nhờ thế mà suất ăn của bộ đội hầu như không giảm. Còn kết quả thu được thật đáng khích lệ: mỗi tháng, toàn Đoàn cơ sở tiết kiệm được 240kg gạo làm kinh phí cho hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Cách làm của đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở đơn vị 2 nhanh chóng được các Đoàn cơ sở khác đến tìm hiểu, học tập; năm 2001, Đảng ủy Binh đoàn đã có phổ biến, nhân rộng ra toàn Binh đoàn. Và cho đến nay, “Hũ gạo tiết kiệm” đã lên đến con số 85 hũ. Có “vốn” lớn, các tổ chức Đoàn càng có điều kiện làm nhiều việc có ý nghĩa. “Hũ gạo tiết kiệm” đã đi đến từng đối tượng chính sách nghèo ở Đồng Nai, Tây Ninh, giúp đỡ nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam… vượt qua mùa giáp hạt. Anh Tô Đình Kháng nhớ mãi kỷ niệm lần cùng tuổi trẻ Đoàn 9 đưa “Hũ gạo tình thương” đi giúp đỡ đồng bào dân tộc Châu Ro ở Xuân Trường (Xuân Lộc, Đồng Nai). Đồng bào Châu Ro ở đây luôn một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 2003, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để xây nhà cho đồng bào định cư, ổn định cuộc sống nhưng phần do thói quen, phần do sự kích động của một số phần tử xấu, đồng bào lại bỏ nhà vào núi sinh sống và gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà bị đứt bữa. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 9 đã đưa 5 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác đến giúp đồng bào; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động cho đồng bào hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cảm nhận được tấm lòng chân thật của Bộ đội Cụ Hồ, ông trưởng bản đồng thời cũng là người đứng đầu họ đạo đã quyết định đưa cả làng xuống núi, khắc phục khó khăn trước mắt để xây dựng bản làng.

Cho đến hết tháng 6-2007, “Hũ gạo tình thương” đã có khối lượng 142.542kg. Đó là một con số tiết kiệm đầy ý nghĩa được tạo ra bằng ý thức, tình thương, trách nhiệm của những người lính trẻ. Theo dự kiến, trong tháng 7 này, tuổi trẻ Binh đoàn Cửu Long sẽ đi tặng quà cho 500 gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam trên các địa bàn đóng quân.

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Trong khuôn khổ của một bài viết, thật khó kể hết những mô hình hay, những cách làm tốt của tuổi trẻ quân đội. Tuổi trẻ có sức khỏe, có sự sáng tạo, biết vượt khó để “đền ơn, đáp nghĩa” bằng tấm lòng biết ơn và trách nhiệm sâu sắc. Trong những mô hình mà chúng tôi đã có dịp đến thăm, còn có mô hình “Tổ chức Đoàn nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của tuổi trẻ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; “Chi đoàn nhận giúp đỡ thương binh nặng” của Đoàn 3, Quân khu 1; mô hình “Kíp chăm sóc thanh niên” của tuổi trẻ Viện Quân y 110…. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Vinh, 102 tuổi, ở xã Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có chồng và hai con là liệt sĩ, trong 10 năm qua luôn được tuổi trẻ khối cơ quan Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đến thăm, tặng quà và phụng dưỡng mỗi tháng 300.000 đồng (nguồn kinh phí lấy từ sự quyên góp của thanh niên), nói với chúng tôi:

- Lúc đầu, bà nghĩ các cháu còn trẻ, mà mình thì già nua, chắc “chúng nó” cũng chóng chán. Nhưng 10 năm nay, việc giúp đỡ, chăm sóc bà vẫn được các cháu thay nhau làm. Thật đáng quý!

Thượng tá Phan Văn Long, Trưởng ban Thanh niên Quân đội đánh giá: “Chương trình “10.000 địa chỉ tình nghĩa” là cách gọi tắt của phong trào “Mỗi chi đoàn nhận giúp đỡ thường xuyên một gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn”, đã đáp ứng nguyện vọng được tri ân người có công của thanh niên quân đội. Vì vậy, nó đã động viên được sức lực, trí tuệ và tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ. Phong trào đã tham gia cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, trở thành một nội dung, phương thức giáo dục sinh động về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần tích cực xây dựng các tổ chức Đoàn vững mạnh”.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI – HUY HOÀNG