Cứ mỗi khi tháng Giêng về, tôi lại nhớ về mùa gieo hạt quê mình với biết bao ký ức ấm áp, ngọt ngào. Đó là gieo mầm sự sống vào đất quê.
Sau hội làng tháng Giêng, mẹ chuẩn bị hạt giống, quang gánh và cây chày được vót nhọn một đầu để cả nhà lên nương gieo hạt giống. Hạt giống được mẹ đựng cẩn thận vào quả bầu khô để lên gác bếp cho bồ hóng bám đen lại giữ cho hạt luôn được khô. Người nông dân quê tôi ai ai cũng thầm nhủ rằng hạt gieo xuống đất phải vào lúc tiết trời ấm áp, sau mùa xuân và một điều kiện không thể thiếu là cả làng phải đồng loạt đi gieo thì khi trổ hoa, quả mới đậu nhiều và chắc hạt.
Ngày quê tôi gieo hạt, màu áo chàm lấp loáng trên những vạt nương và những thửa ruộng cạn ven đồi. Người dân quê tôi ai ai cũng nét mặt rạng rỡ và tràn đầy hy vọng vào một mùa mới bội thu. Còn lũ trẻ chúng tôi, đứa nào cũng hớn hở chạy khắp sườn đồi để bắt dế và đào những củ khoai lang mùa trước còn sót lại nay đã nảy mầm. Để cho chim chóc và gà không đến bới đất ăn hạt, người dân quê tôi dùng giấy trắng buộc lên những cây nhỏ để làm cho chim sợ không dám đến. Mẹ còn lấy những chiếc nón mê và áo vải đã cũ để dựng lên những chú bù nhìn có cả tay chân và đầu để canh giữ cho các hạt giống nảy mầm một cách bình yên.
Trong tiết trời mùa xuân, vạn vật như đang hồi sinh, vị đất mới như đang lan tỏa, nơi đơn vị, tôi lắng nghe được cái cựa mình khe khẽ của hạt giống đang bén rễ vào đất quê hương.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG