QĐND - Phong trào "Tiết kiệm bản thân ra quân lập nghiệp" của Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) không chỉ tạo nên ý thức tiết kiệm cho hạ sĩ quan, chiến sĩ mà còn mang những phần quà bất ngờ về với "hậu phương" người chiến sĩ. Sau một năm thực hiện, đơn vị đã nhận được nhiều tâm thư của "hậu phương" chiến sĩ ủng hộ phong trào này.

Lan tỏa một phong trào

"Chiến sĩ tiết kiệm phụ cấp"-một phong trào đang tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ tại Trung đoàn 335. Thượng tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Trung đoàn 335 khẳng định: "Phong trào "Tiết kiệm bản thân ra quân lập nghiệp" của đơn vị đến nay đã thu hút được đông đảo hạ sĩ quan, chiến sĩ tự nguyện tham gia hiệu quả. Chỉ tính riêng dịp ra quân đợt 2-2013, toàn trung đoàn có 300/500 đồng chí mua được tủ lạnh, bếp ga, nồi cơm điện, quạt điện hơi nước và xe đạp điện… Đây là những phần quà ý nghĩa mà anh em mua tặng gia đình sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự". 

Với phương châm hằng tháng, mỗi hạ sĩ quan, chiến sĩ tiết kiệm tối thiểu 200.000 đồng từ phụ cấp để làm vốn. Đến nay, hiệu quả của phong trào mang tính rõ rệt và có sức lan tỏa đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong toàn trung đoàn. 

Chúng tôi đến Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 đúng giờ giải lao buổi huấn luyện, tìm gặp Binh nhì Hoàng Danh Quý, chiến sĩ thuộc Trung đội 4-người gửi tiết kiệm đầu tiên và nhiều nhất trong đại đội, với số tiền 1,5 triệu đồng. Quý tâm sự: "Trước lúc vào đơn vị, em được người thân cho 3 triệu đồng. Em gửi lại mẹ một nửa để mua thuốc chữa bệnh, số còn lại dành để chi tiêu cá nhân. Sau khi nghe cán bộ các cấp quán triệt, em xung phong gửi hết số tiền 1,5 triệu đồng. Bây giờ mỗi tháng em sẽ gửi thêm 400.000 đồng nữa với mong muốn ra quân có vốn lập nghiệp". 

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335 kiểm tra sổ tiết kiệm tiền phụ cấp của mình.

Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Lê Văn Quỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình của đa số chiến sĩ còn nhiều khó khăn nên khi chúng tôi đề cập đến việc tiết kiệm phụ cấp, ban đầu nhiều đồng chí cũng ngại. Sau đó cán bộ các cấp động viên, tuyên truyền, nhiều đồng chí hiểu ra nên đã tích cực tham gia. Việc tiết kiệm phụ cấp không chỉ giúp chiến sĩ có ý thức tự giác trong sinh hoạt, chi tiêu mà còn hạn chế tình trạng ký nợ quán, góp phần duy trì tốt công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật".

Những tâm thư từ đáy lòng

Chúng tôi có mặt trên những chuyến xe của Trung đoàn 335 chở "quà" về gia đình quân nhân sau khi xuất ngũ được mua từ tiền tiết kiệm phụ cấp. Có thể nói, đây là chuyến xe chở đầy niềm vui. Nhiều bậc phụ huynh đã khá bất ngờ bởi việc làm ý nghĩa của con, cháu mình. Bác Lê Kim Thanh 50 tuổi, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa-bố Trung sĩ Lê Kim Quý, nguyên chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335 phấn khởi: "Quả thật, khi Quý đi bộ đội, gia đình tôi chỉ mong cháu rèn luyện cho nên người. Thực sự món quà cháu mua tặng gia đình làm chúng tôi bất ngờ và rất xúc động".

Những món quà về quê cũng là lúc những tâm thư viết từ đáy lòng của gia đình quân nhân gửi lên đơn vị. Ông Mai Xuân Lan, 77 tuổi, ở thôn Thuần Hậu, xã Xuân Ninh, Thọ Xuân (Thanh Hóa)-ông ngoại của Binh nhất Đỗ Huy Cường thức rất khuya để hoàn thành bức tâm thư của mình. Với nét chữ của người cao tuổi, ông đã nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Trong thư có đoạn viết: "Tôi đã thấy cháu mình chững chạc, trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động. Trong cuộc đời tôi thì đây là món quà có giá trị tinh thần lớn nhất mà cháu dành tặng. Tự đáy lòng mình tôi xin cảm ơn lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã giáo dục, rèn giũa để cháu nên người".

Hay như lá thư của bác Vũ Thanh Hải, quê ở Thanh Mai, Thanh Chương (Nghệ An)-bố của Binh nhất Vũ Hoàng Thạch, nguyên chiến sĩ Ban Tham mưu Trung đoàn 335 có đoạn: "Bản thân tôi là người lính trực tiếp cầm súng đánh Mỹ, cứu nước trong những năm chiến tranh ác liệt tại chiến trường B4, Thừa Thiên-Huế nên tôi thấu hiểu truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Càng trong khó khăn, gian khó thì phẩm chất ấy lại sáng ngời. Việc chỉ huy trung đoàn xây dựng thành công phong trào "Tiết kiệm bản thân ra quân lập nghiệp" là việc làm thiết thực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ số tiền tiết kiệm trong thời gian tại ngũ mà đến nay, cháu Thạch đã học được nghề và mở cửa hàng lập nghiệp". 

Còn rất nhiều bức tâm thư nữa của hậu phương những hạ sĩ quan, chiến sĩ đã từng học tập, huấn luyện tại Trung đoàn 335 nói lên tình cảm, suy nghĩ của mình. Tất cả đều khẳng định đây là việc làm thiết thực, những món quà ý nghĩa nhất gửi về hậu phương; đồng thời biểu thị sự đồng tình về phong trào này. Thượng tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Trung đoàn 335 bộc bạch: "Đa số chiến sĩ nhập ngũ vào đơn vị là thanh niên quen nếp sống sinh hoạt phụ thuộc gia đình "vô lo vô nghĩ", chi tiêu rất "thoáng". Chính vì thế khi phong trào thực sự hiệu quả, được hậu phương người chiến sĩ đánh giá cao sẽ là động lực để đơn vị tiếp tục thực hiện phong trào này ngày càng sâu rộng, hiệu quả".

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU