QĐND - Nhóm cựu chiến binh ở tỉnh Hải Dương gồm ông Nguyễn Văn Đức-vào chiến trường B từ năm 1967 và 7 ông cùng “đi B” ngày 26-12-1970 là: An Văn Gia, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phạm Xuân Thiều, Nguyễn Văn Lai, Đào Văn Tiến, Vũ Duy Trang, Phạm Quang Bách-tất cả đều chiến đấu trên đất Quảng Nam "đi đầu diệt Mỹ". Ngày ra đi, ngồi trên tàu xuất phát từ ga Dụ Nghĩa (Hải Phòng) nhìn xuống, các chiến sĩ như thấy cả quê hương tiễn đưa mình. Hình ảnh một người phụ nữ độ chừng hơn 40 tuổi, tay cầm chiếc nón đuổi theo đoàn tàu, bị vấp ngã sấp xuống đường ray đã ngay lập tức chồm dậy tiếp tục chạy theo cho đến khi bóng bà nhỏ dần rồi khuất hẳn, ám ảnh các ông tới tận hôm nay và chắc chắn còn mãi mãi về sau…
Lần này các ông vào dự lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng huyện Đại Lộc (28-3-2015) với tư thế của những người chiến thắng, nhưng không khỏi bùi ngùi. 600 đồng đội cùng đi vào ngày ấy, nay chỉ còn khoảng hơn trăm người. Hầu hết số vắng là do hy sinh ở Mặt trận Quảng Đà từ năm 1971 đến tháng 4-1975. Rồi cả ân nghĩa sâu nặng của bà con Quảng Nam suốt những tháng năm gian khổ ấy, có nhiều người đã hy sinh cứ day dứt khôn nguôi trong tâm trí. Bởi vậy, bắt đầu từ lúc lên tàu đi về phương Nam, các ông đã dặn nhau: “Thất lạc cái gì cũng được. Tuyệt đối không được để hư hỏng các hộp bánh đậu xanh, bánh khảo, nhang thơm”-đặc sản để dâng lên hương hồn các anh hùng, liệt sĩ và thăm hỏi những người đã giúp đỡ các chiến sĩ công tác và chiến đấu trên đất Quảng yêu thương.
 |
Các cựu chiến binh thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
Trước ngày dự lễ kỷ niệm, đoàn đến thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Minh và xã Sơn Viên (huyện Quế Sơn) nằm giữa vùng chiến địa xưa. Hàng nghìn ngôi mộ, hầu hết là của các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 36 và Trung đoàn 38 Mặt trận Quảng Đà, hy sinh hồi 1971-1972, nay vẫn chưa biết tên. Mọi người đi đến từng tấm bia, vừa để viếng thăm, vừa để tìm đồng đội. Đoàn dừng hồi lâu tại phần mộ chị Hai Luyện (sinh năm 1944, nguyên Hội trưởng Hội phụ nữ xã Sơn Lộc, nay là Quế Minh) và mộ của những người đã cùng chị từng chăm lo cho ông Trang, ông Lai từng miếng cơm, hớp nước, từng chiến công trong những ngày đánh giặc. Đến xã Đại Lãnh, sau khi viếng tại tượng đài chiến thắng Thượng Đức, đoàn thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ thuộc gia đình đồng chí Nguyễn Trung Chính-nguyên Huyện đội trưởng huyện đội Đại Lộc hồi kháng chiến chống Mỹ. Đoàn cũng đến thăm vợ chồng ông Lê Nhật Tập ở thị trấn Ái Nghĩa, bà Đinh Thị Nhỏ ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)-những chiến sĩ cách mạng kiên trung và nhân hậu, có nhiều người thân là anh hùng liệt sĩ.
Thăm má Tuần gần 90 tuổi ở huyện Quế Sơn, ông Chỉnh kể lại cho mọi người nghe chuyện hồi tháng 4-1973, ông là Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 38, trực tiếp phụ trách Trung đội 1 chống quân ngụy đi càn lấn chiếm đất tại xã Sơn Lãnh. Ông bị mảnh đạn M79 của địch xuyên trên nhu mô phổi phải, được chuyển đến điều dưỡng ở bệnh xá trung đoàn. Má Tuần lúc ấy xấp xỉ 50 tuổi, đã đến đề nghị và được thủ trưởng đơn vị đồng ý cho má đưa ông về nhà chăm sóc giúp. Một tháng sau vết thương lành, ông trở về đơn vị, tiếp tục công tác và chiến đấu cho đến ngày toàn thắng… Đặc biệt, đoàn kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại núi Cấm, xã Tam Phú (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), hứa với mẹ: “Chúng con sẽ phấn đấu, cống hiến hết mình cho nước non này ngàn năm vững bền!”.
… Tự tay mình cắm nén nhang thơm vào từng nấm mộ, từng bát hương thờ các anh hùng, liệt sĩ tại những miền quê chiến trường xưa ngay trước ngày kỷ niệm chiến thắng, các cựu chiến binh như thấy chuyến đi của mình đạt được thêm ý nghĩa đích thực của nó. Trên đường về, mọi người cùng bình luận mấy câu thơ do ông Gia vừa ứng tác lúc ra khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Minh: Về thăm lại chiến trường xưa/ Đoàn quân năm ấy đã thưa đi nhiều/ Khói nhang quyện áng mây chiều/ Mang theo trong gió bao điều nghĩ suy...
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG