Mạnh dạn tìm mô hình phát triển kinh tế gia đình
Đến thăm gia đình Thượng úy QNCN Triệu Thị Tuyết, công tác tại Ban Hậu cần Kho K5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô chuồng trại chăn nuôi hiện đại, khép kín nằm gọn trong vườn cây ăn quả, cùng diện tích ao thả cá liên hoàn bao bọc xung quanh. Theo chị Tuyết, hiện trong chuồng có 30 đầu lợn nái, 80 đầu lợn bột; trung bình mỗi năm gia đình chị bán ra thị trường hơn 7 tấn lợn hơi. Trừ mọi chi phí, công chăm sóc, hằng năm lãi từ chăn nuôi lợn cộng với thu hoạch từ cây ăn quả và nuôi cá mang về cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng. Thời gian đầu, vợ chồng chị sử dụng tiền lãi đầu tư mở rộng chuồng trại, quy mô chăn nuôi. Khi chuồng trại, con giống ổn định, vợ chồng chị sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình, đầu tư cho các con học tập... Hiện, gia đình chị Tuyết là một trong những hộ gia đình khá giả của đơn vị.
Vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Hội Phụ nữ Kho K5 luôn tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi nghiệp vụ.
Cách đây 4 năm, cuộc sống gia đình chị Tuyết khá chật vật, hai con đang tuổi ăn tuổi học, nội ngoại ở xa, khó khăn trăm bề. Thế rồi, được sự động viên của đồng đội, hỗ trợ của đơn vị, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Nhưng do kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế, lại gặp đúng thời điểm dịch lở mồm long móng ở gia súc, gia cầm đang hoành hành, đàn lợn của nhà chị bị bệnh, chết mất 1/3. Bao vốn liếng dành dụm của gia đình đều đổ xuống sông xuống biển. Buồn, thất vọng… nhưng rồi vợ chồng chị lại động viên nhau quyết tâm gây dựng lại đàn lợn. Chị Tuyết tâm sự: “Từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình tôi thấy rằng, làm bất cứ việc gì mới chỉ có quyết tâm là chưa đủ mà phải có tinh thần học hỏi, cầu tiến bộ. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình không đem lại hiệu quả. Vậy là chúng tôi tranh thủ thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, kết hợp với nghiên cứu sách vở, đọc trên mạng... chuyển hướng áp dụng theo quy trình chăn nuôi khép kín. Từ đó, hiệu quả kinh tế nhìn thấy rõ rệt, đời sống gia đình ngày càng ổn định".
Cũng giống như gia đình Thượng úy QNCN Triệu Thị Tuyết, sau nhiều trăn trở và tìm hiểu, vợ chồng Thượng úy QNCN Bùi Thị Hồng Hà quyết tâm đầu tư vào mô hình chăn nuôi kết hợp thả cá. Quy mô chăn nuôi ban đầu nhỏ gọn, sau vợ chồng chị mở rộng dần. Hiện trong chuồng nhà chị lúc nào cũng duy trì 100 đầu lợn thịt, 20 lợn nái cùng gần 100 gốc táo đã cho thu hoạch. Thu nhập hằng năm từ mô hình kinh tế đưa về cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng. Có thời điểm, trang trại của vợ chồng chị đã tạo việc làm cho hàng chục nhân công.
Nói về các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của cán bộ, công nhân viên tại đơn vị, Đại tá Trần Xuân Hãng, Chủ nhiệm Kho K5 khẳng định: "Từ lợi thế đất rộng, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị động viên, khuyến khích chị em mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Kho có quy chế rất cụ thể: Những đồng chí có nguyện vọng phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, đơn vị cho mượn diện tích mặt bằng, hỗ trợ ngày công đào ao đắp bờ, tôn vườn, cải tạo hệ thống chuồng trại chăn nuôi…". Từ sự quan tâm, ủng hộ của đơn vị, 100% hội viên phụ nữ của Kho K5 đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi kết hợp với thả cá, một số kết hợp với trồng cây ăn quả. Kết quả, những hộ gia đình phát triển các mô hình kinh tế đều cho thu nhập ổn định, đời sống ngày càng vững.
Sáng tạo trong các hoạt động phong trào
Không chỉ mạnh dạn, năng động tìm hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Kho K5 rất sáng tạo trong các hoạt động phong trào. Nói về hoạt động công tác phụ nữ tại đơn vị, Thượng tá Nguyễn Duy Thiện, Chính trị viên Kho K5, khẳng định với chúng tôi: "Hoạt động phong trào phụ nữ ở đơn vị những năm qua luôn được lãnh đạo, chỉ huy tạo điều kiện thuận lợi. Cùng với sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên, đơn vị còn khuyến khích, động viên chị em tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề".
Từ sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo, chỉ huy kho, Hội Phụ nữ Kho K5 đã triển khai nhiều hoạt động gắn với các phong trào thi đua của đơn vị nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ quân khu phát huy truyền thống, đảm đang-sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”. Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hán, Chủ tịch Hội Phụ nữ Kho K5 phấn khởi nói: "Hội có số lượng hội viên khiêm tốn nhất so với hội phụ nữ các đơn vị, nhưng hoạt động phong trào của hội không hề “thua chị, kém em”. Chúng tôi lấy hội phụ nữ đơn vị làm nòng cốt, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy tổ chức hoạt động giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị bạn vào dịp ngày lễ, kỷ niệm tạo không khí phấn khởi, đoàn kết nhằm động viên chị em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; phối hợp với các tổ chức quần chúng tại đơn vị tổ chức hoạt động tri ân, về nguồn, thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn đóng quân…
Mỗi dịp tổ chức sinh hoạt hội phụ nữ, chị em cùng nhau trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; chia sẻ kinh nghiệm nuôi con giỏi, dạy con ngoan...; các hội viên lại phát huy sở trường, thế mạnh của mình tạo sức sống cho hoạt động phong trào thêm sôi nổi, đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hội Phụ nữ Kho K5 Nguyễn Thị Hán: “Phong trào muốn mạnh cần có sự ủng hộ của lãnh đạo, chỉ huy và có những hội viên nhiệt tình, trách nhiệm, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Chính những điều đó đã làm nên sức sống cho phong trào phụ nữ của Kho K5”.
Bài và ảnh: KIM ANH