Trung tướng Nguyễn Đệ sinh ra ở làng Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An, một “làng đỏ” đã từng âm vang tiếng trống Xô Viết năm 1930-1931, nhưng vì nghèo khổ, cha mất sớm, 12 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Đệ đã phải theo mẹ vào làm phu ở đồn điền cao su Bình Ba, Xuân Lộc, Đồng Nai.
Được cách mạng cảm hóa, người thanh niên Nguyễn Đệ tham gia Vệ quốc đoàn ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến và gắn bó với chiến trường Bà Rịa suốt thời kỳ kháng chiến 9 năm. Ở chiến trường Nam Bộ, mọi người quen gọi chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đệ là Ba Trung.
 |
Trung tướng Nguyễn Đệ (ngồi phía trước, bên phải) cùng Bộ tư lệnh Quân khu 9 chỉ huy diễn tập tại tỉnh An Giang, năm 1994. Ảnh tư liệu
|
Chiến đấu vô cùng gan dạ, dũng cảm, anh Ba Trung nhiều lần bị thương, được tăng ni, Phật tử chùa Bồng Lai trên núi Minh Đạm, Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi giấu, chữa trị vết thương. Dần dần, dưới mái chùa Bồng Lai đã nảy nở mối tình giữa anh lính Vệ quốc Ba Trung và Lê Hồng Quý-cô gái tuổi trăng rằm, nết na, dễ thương hằng ngày giúp việc nhà chùa. Tình yêu đến độ chín, nhưng chiến tranh đang kỳ ác liệt, vào giữa năm 1953, hai người chỉ làm lễ hứa hôn dưới mái chùa đầy kỷ niệm tình yêu đôi lứa, rồi anh Ba Trung cùng đơn vị chuyển sang hoạt động ở chiến trường khác.
Kháng chiến 9 năm kết thúc, chưa kịp gặp lại người thương, chưa kịp làm lễ cưới thì hai người phải chia tay nhau. Anh Ba Trung ra Bắc tập kết. Chị Hồng Quý ở lại miền Nam cùng mẹ già. Trước khi lên tàu biển ra Bắc, anh Ba Trung chỉ kịp gửi một lá thư báo tin cho chị Hồng Quý, trong thư có hẹn ước một mực tin nhau. Sau đó, anh Ba Trung cũng nhận được bức thư tình đầu tiên của chị Hồng Quý với lời hứa sắt son đợi chờ, cùng một tấm ảnh chân dung của chị, cỡ 3cmx4cm, mặt sau tấm ảnh có ghi: “Tặng anh hình em để được gần anh mãi mãi”.
Cuối năm 1962, tình cờ đọc một tờ báo Sài Gòn, chị Hồng Quý thấy đăng tin “Việt cộng Bắc Việt xâm nhập miền Nam bị tiêu diệt ở U Minh”. Mặc dù bài báo viết, Ba Trung-một Tiểu đoàn trưởng-bị bắn chết nhưng chị vẫn tin là anh đã về Nam, chưa hy sinh và chị quyết tìm anh bằng được. Về tình tiết này, cuối năm 1994, tôi vào thăm ông Ba Trung, khi đó là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 9 đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi đã hỏi bà Hồng Quý và được bà trả lời thật nhẹ nhàng: “Tình yêu lạ lắm anh ơi! Người ta đăng tin ông ấy tử trận, nhưng điều đó lại mách bảo tôi rằng, ông ấy đang sống, đang chiến đấu ở miền Tây. Thật khó lý giải, nhưng tôi rất tin và quyết đi tìm ông bằng được. Đó là sức mạnh, niềm tin của tình yêu...”.
Còn theo Trung tướng Nguyễn Đệ, tháng 8-1960, ông là thành viên của đoàn cán bộ miền Bắc đầu tiên được vào Nam chiến đấu. Sau một thời gian làm Tham mưu trưởng miền Tây, ông được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh. Cuối năm 1962, sau một trận chống phá bình định U Minh của địch ở An Biên trở về, đang đi thuyền trên kênh Mười Một, ông và đồng đội bị địch phục kích, người chạy thoát, nhưng không kịp lấy chiếc bòng, trong đó có một số tài liệu... nên địch có cớ loan tin rằng ông bị tiêu diệt.
Tình yêu, sự thủy chung đã đơm hoa kết trái, trung tuần tháng 3-1962, chị Hồng Quý gặp được anh Ba Trung ở Tỉnh đội Cà Mau. Chờ đợi rồi tìm kiếm nhau ngót chục năm trời đã quá đủ, lại được anh em trong đơn vị và bà con cô bác hùa vào, anh chị tổ chức đám cưới vào ngày 18-3-1962, tại chiến khu cách mạng ở địa bàn tỉnh Cà Mau. Lễ cưới chỉ có chút bánh kẹo, trái cây, nước dừa được anh em, bà con cô bác mang tặng. Sau ngày cưới, vợ chồng anh chị gần nhau được mấy ngày, rồi chị phải trở về Sài Gòn.
Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, những tưởng hạnh phúc trọn vẹn đoàn viên đã đến, nhưng thêm một lần chị Hồng Quý nuốt nước mắt vào trong để làm điểm tựa tinh thần cho chồng bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Chiến thắng trở về, đoàn tụ chưa được bao lâu thì ông Ba Trung lâm bệnh hiểm nghèo, rồi vĩnh viễn ra đi.
Tới thăm gia đình ông bà Ba Trung-Hồng Quý ở Cần Thơ, tôi được biết thêm, mặc dù ông Ba Trung sinh thời là Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 9, Anh hùng LLVT nhân dân, khi mất được mai táng ở vị trí trang trọng trong Nghĩa trang TP Cần Thơ nhưng bà Hồng Quý và các con đưa ông về chôn cất trong vườn nhà. Về sự kiện này, bà Lê Hồng Quý giải thích: “Khi biết mình không qua khỏi trọng bệnh, theo nguyện vọng của gia đình và của ông Ba Trung, ông đã chủ động viết thư cho Tỉnh ủy Cần Thơ (nay là Thành ủy) và Thường vụ Đảng ủy Quân khu 9, đề nghị để gia đình mai táng ông trong vườn nhà. Lý do thật đơn giản là từ khi yêu rồi lấy nhau, vì chiến tranh, vợ chồng chúng tôi đều sống xa nhau, nay ông có về với thế giới người hiền, tôi và gia đình luôn muốn ông ở gần chúng tôi!”.
DUY TƯỜNG - TRỌNG DƯƠNG