QĐND Online - Đội sản suất số 9, Nông trường 2, Đoàn KT-QP 379 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) đứng chân ở bản Đoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cao gần 2.000m so với mực nước biển. Ở đây quanh năm sương mù bao phủ nhưng khi đến đây, chúng tôi rất ngạc nhiên khi vườn rau của đơn vị xanh non mơn mởn. Trung tá Vũ Văn Tuấn, Đội trưởng giải thích: “Anh em tăng gia để làm mô hình cho bà con tham quan học tập đấy!".

Chuyện là, hơn 10 năm trước, khi đội sản xuất hành quân đến bản Đoàn Kết xây dựng doanh trại, thấy bà con nơi này vẫn thường đổ phân trâu, bò ra suối rất mất vệ sinh nên Trung tá Vũ Văn Tuấn và Thiếu tá Trần Ngọc Lưu, Đội phó Đội sản xuất mang về tăng gia. Các anh ủ kỹ rồi bón lót cho vườn rau của đơn vị.

Thấy cây rau cải của bộ đội trồng to gấp nhiều lần cây cải trên nương, nhiều người dân đến xin về nhà ăn thử. Một phần vì tò mò, một phần để xem bộ đội làm bằng cách nào…

Cán bộ Đội sản suất số 9 hướng dẫn bà con bản Đoàn Kết, xã Chung Chải cách chăm sóc cây rau cải.

Rồi một ngày mùa đông, trời chưa sáng, các anh trong đội sản xuất vừa thức dậy đã thấy ông Lý Ha Xá, Trưởng bản Đoàn Kết đứng trước sân. Hỏi ra mới hay, ông đến để hỏi xem bộ đội có phép màu gì mà trồng cây cải vừa to lại vừa ngon. Anh Tuấn và anh Lưu đã mời ông đến bên luống rau. Nhổ một cây cải lên, anh Tuấn phân tích cho ông biết: Cây cải tốt vì có phân của các hộ gia đình trong bản vẫn thường đổ ra suối, nay bộ đội lấy về ủ kỹ rồi bón lót cho cây. Vì có phân bón nên đất có màu đen thẫm. Ông Lý Ha Xá mới “à” lên và nói: “Thảo nào đất của tao có màu đỏ!”. Rồi ông đi về bản phổ biến cho bà con.

Cũng từ đó, từ nguồn phân chuồng vẫn thường bỏ đi, bà con đã ủ theo đúng quy trình bón lót cho cây trồng rất hiệu quả và cho năng suất cao hơn nhiều lần so với phương pháp canh tác cũ. Nhiều hộ gia đình trong bản đã áp dụng phương pháp bón lót cho cây rau xanh sang bón cho cây lương thực, cây ăn quả mà đã vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: MÈ QUANG THẮNG