QĐND - Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 06/2015/TT-BQP, ngày 19-1-2015, quy định, hướng dẫn vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong Bộ Quốc phòng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với cán bộ cơ quan chức năng và thông tin một số nội dung chính của Thông tư 06 đến bạn đọc.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao quà tặng các đối tượng người có công với cách mạng tỉnh Khánh Hòa.

 

 

Đối tượng và mức vận động đóng góp                            

 

Trao đổi với chúng tôi về đối tượng và mức vận động đóng góp, được quy định tại Thông tư 06, Đại tá Đào Tô Hiệu, Trưởng phòng Hậu phương Quân đội, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cho biết: “Đối tượng vận động của thông tư là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng đang công tác trong Bộ Quốc phòng (gọi chung là người hưởng lương); hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ; các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Đối tượng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và người hưởng lương nếu bị thương, tai nạn, ốm đau đang điều trị tại các cơ sở y tế quân y và dân y trong thời gian quyên góp thì không thuộc diện vận động”.

 

Về mức vận động đóng góp, thông tư quy định rõ: Người hưởng lương đóng góp 1 ngày lương cơ bản/người/năm. Cách tính: Mức lương cơ sở nhân hệ số lương và chia cho 26 ngày; hạ sĩ quan, binh sĩ đóng góp 10 nghìn đồng/người/năm; khuyến khích các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp có thu trích một phần lợi nhuận sau thuế trong sản xuất kinh doanh, hoặc tiết kiệm trong chi tiêu để tham gia đóng góp quỹ.

 

Thời gian vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tập trung cao điểm từ ngày 27-6 đến ngày 27-7 hằng năm; hoàn thành việc nộp tiền về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) trước ngày 30-8 hằng năm.

 

Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ

 

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước: Thông tư 06 quy định rõ tiền vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được thu, nộp từ dưới lên trên, do cơ quan tài chính các cấp quản lý, theo dõi. Cụ thể: Các đơn vị cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, bộ CHQS các tỉnh, thành phố và các đơn vị tương đương nộp 80% tổng số tiền thu quỹ về đơn vị cấp trên trực tiếp; 20% số tiền thu quỹ được giữ lại đơn vị. Các đơn vị quân đội không nộp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương nơi đóng quân.

Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, trao quà tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

 

 

Cũng theo Thông tư 06, các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương nộp 50% tổng số tiền thu quỹ về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính); số còn lại (50% tổng số tiền thu quỹ) đơn vị giữ lại. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi của quỹ; không cho vay để sinh lời; kết dư quỹ được luân chuyển sang năm tiếp theo.

 

Với hình thức vận động đóng góp, theo thống kê của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, từ năm 2006 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quyên góp hơn 600 tỷ đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn quỹ trên, các đơn vị đã xây dựng gần 12.000 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; nhận phụng dưỡng tổng cộng 1.440 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu hơn 1000 con liệt sĩ; tiếp nhận, bố trí việc làm cho hơn 220 con đẻ thương binh, bệnh binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh trên toàn quốc. Riêng từ năm 2013 đến hết 2014, Bộ Quốc phòng hỗ trợ trang thiết bị tặng các trung tâm điều dưỡng thương binh trị giá hơn 30 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 20.000 đối tượng người có công; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Năm 2014, các cơ quan, đơn vị xây dựng 1.456 nhà tình nghĩa (trị giá 70 triệu đồng/nhà).

 

Về nguồn quỹ vận động năm 2015, dự kiến vận động 36 tỷ đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để sử dụng hỗ trợ gia đình quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng đang công tác trong Bộ Quốc phòng hy sinh, từ trần, bị thương được xác nhận là liệt sĩ, thương binh; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp người có công với cách mạng khi khám, chữa bệnh, ốm đau, từ trần hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn; thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp các ngày lễ, Tết.

 

Ngoài ra, nguồn quỹ còn dùng hỗ trợ đón, gặp mặt, tặng quà người có công tiêu biểu toàn quân; người có công với cách mạng các địa phương đến thăm đơn vị và Bộ Quốc phòng; các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng khó khăn; xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà tình nghĩa (dự kiến 600 nhà); sửa chữa, tu bổ nhà ở cho đối tượng người có công trong quân đội; sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ và người có công với cách mạng, hoặc thân nhân của họ khó khăn về đời sống, bằng các hình thức như tặng sổ tiết kiệm, tặng công cụ sản xuất, trợ cấp một lần, tặng học bổng con liệt sĩ, thương binh. Hằng năm, Bộ Quốc phòng trích nộp về Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương theo quy định.

 

Thông tư 06 cũng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, phổ biến, thực hiện thông tư; vận động mọi tổ chức, cá nhân tích cực, tự nguyện với tình cảm và trách nhiệm cao nhất tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong Bộ Quốc phòng. Theo Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách, việc đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của cán bộ, chiến sĩ toàn quân thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là cách tri ân sâu sắc, thiết thực của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đối với những người đã cống hiến máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Bài và ảnh: DUY THÀNH