QĐND - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Thấm nhuần lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân cũng chính là mục tiêu cao nhất mà toàn Đảng, toàn quân hằng ngày, hằng giờ phấn đấu thực hiện.

Những năm gần đây, khủng khoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi có tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động nói riêng. Từ thực tiễn tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phát động nhiều phong trào thi đua, phong trào phát triển kinh tế từng bước nâng cao chất lượng đời sống của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Trong quân đội, cùng với Phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân, Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình” của Công đoàn Quân đội đã góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức (CNVC), lao động quốc phòng (LĐQP).

Đại tá Nguyễn Văn Thạch, đoàn viên công đoàn, Giám đốc Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) hướng dẫn cho công nhân về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Ngọc Anh.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị; hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong quân đội, 5 năm qua, Ban Công đoàn Quốc phòng (CĐQP) và công đoàn các cấp đã làm tốt vai trò, chức năng tổ chức, điều hành Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình” đạt kết quả thiết thực.

Với mục đích cao nhất của Phong trào "Phát triển kinh tế gia đình" là giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên, CNVC, LĐQP có hoàn cảnh khó khăn, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Theo đó, vấn đề đầu tiên được Tổng cục Chính trị chỉ đạo Ban CĐQP tập trung triển khai là hướng dẫn công đoàn các cấp thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng về vốn. Đến nay, Ban CĐQP đã triển khai cho vay hơn 5 tỷ đồng tiền vốn, giúp gần 1000 hộ gia đình đoàn viên, CNVC, LĐQP có hoàn cảnh khó khăn ở 175 công đoàn cơ sở phát triển kinh tế (mức tiền vay từ 7 đến 10 triệu đồng/người trong 3 năm, với lãi suất 0,4%/tháng). Cùng với đó, nhiều công đoàn cơ sở còn chủ động đề nghị giám đốc, thủ trưởng đơn vị đứng ra bảo lãnh, tín chấp để đoàn viên, CNVC, LĐQP được vay vốn từ các nguồn vốn chính sách của xã hội. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã vận động đoàn viên công đoàn tự nguyện tham gia đóng góp vào quỹ hỗ trợ vốn của công đoàn cơ sở, giúp các hộ đoàn viên công đoàn khó khăn được vay vốn không tính lãi. Tổng số vốn huy động được từ các nguồn vốn ở các đơn vị đến nay được hơn 30 tỷ đồng giúp nhiều hộ gia đình đoàn viên, CNVC, LĐQP phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh việc tổ chức hỗ trợ về vốn, các cấp công đoàn trong quân đội cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, khuyến khích, động viên đoàn viên, CNVC, LĐQP phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ anh dũng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và công tác; cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn cùng gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, công đoàn các cấp còn hỗ trợ, trang bị về kỹ thuật, phương pháp, cách thức phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình hiệu quả. Đến nay, có hơn 18.000 lượt đoàn viên, CNVC, LĐQP đại diện cho hơn 160.000 cán bộ, đoàn viên công đoàn thuộc 920 công đoàn cơ sở trong toàn quân tham gia Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình”. Kết quả, sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào, đến nay có 25% hộ gia đình đoàn viên, CNVC, LĐQP làm kinh tế bằng hình thức chăn nuôi phát triển theo phương thức sản xuất hàng hóa, có đầu tư kỹ thuật, giống, vốn, chuồng trại, tổ chức ở quy mô vừa và nhỏ, thu nhập bình quân từ 60 đến 70 triệu/năm, nhiều hộ đạt mức thu nhập từ 700 đến 900 triệu đồng/năm; 37% hộ gia đình phát triển kinh tế theo mô hình trồng trọt, tập trung vào trồng rừng, trồng cây lấy gỗ, cây công nghiệp, cây cảnh; 26% hộ gia đình mở dịch vụ bao gồm các ngành nghề thủ công, thu nhập bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng/năm…

Đồng chí Hoàng Văn Tuấn, đoàn viên công đoàn, lái xe Công ty 72 (Binh đoàn 15) cùng vợ chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Ngọc Anh.

Với cách thức triển khai rộng khắp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả thiết thực, Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình” của Công đoàn Quân đội góp phần đẩy nhanh mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng hậu phương quân đội vững chắc, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ghi nhận những thành tích đó, Tổng cục Chính trị quyết định tuyên dương 100 gương điển hình làm kinh tế gia đình giỏi đại diện cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVC, LĐQP làm kinh tế giỏi thuộc các đơn vị trong toàn quân 5 năm qua (2007-2012). Đây là những gương sáng về tinh thần hăng say, cần cù lao động, sáng tạo trong công tác và xây dựng cuộc sống gia đình, xứng đáng để cán bộ, chiến sĩ toàn quân học tập, noi theo.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và khu vực, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng với đó, quân đội tiếp tục thực hiện điều chỉnh về tổ chức biên chế; các doanh nghiệp quân đội từng bước thực hiện cơ chế quản lý mới. Chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và sự phát triển đa dạng của các loại hình doanh nghiệp kéo theo sự phát triển và biến động về lực lượng dẫn đến tình trạng đoàn viên, CNVC, LĐQP băn khoăn, lo lắng về việc làm. Mặt khác, số lượng công nhân lao động, đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn hiện còn khá nhiều, đòi hỏi tổ chức công đoàn các cấp trong toàn quân phải tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, trong đó chủ động, sáng tạo thực hiện hiệu quả Phong trào "Phát triển kinh tế gia đình" ở từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, triển khai thực hiện Phong trào "Phát triển kinh tế gia đình" trong đoàn viên, CNVC, LĐQP phải tạo ra sự chuyển biến toàn diện, vững chắc, huy động được mọi tiềm năng, mọi nguồn lực cho phong trào. Trong đó, cần quan tâm tăng cường bổ sung nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ của CĐQP, kết hợp với đa dạng hóa các hình thức cho vay, nguồn vốn vay. Thực hiện hỗ trợ đoàn viên vay vốn, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đưa Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình” mang lại hiệu quả thiết thực.

Ban CĐQP và công đoàn các cấp phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ cao nhất của lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong quân đội và địa phương nơi đóng quân thực hiện đổi mới công tác hỗ trợ đoàn viên, CNVC, LĐQP phát triển kinh tế gia đình. Coi trọng hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng đoàn kết giúp đỡ nhau về hình thức, cách làm, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận thị trường.

Cùng với các biện pháp trên, Ban CĐQP và tổ chức công đoàn các cấp thường xuyên làm tốt công tác đánh giá kết quả thực hiện Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình” làm cơ sở để tiếp tục chỉ đạo phong trào, nhân rộng những gương điển hình làm kinh tế gia đình giỏi phù hợp với mỗi vùng miền, địa phương ngay tại đơn vị. Chủ động nghiên cứu đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, quân đội các chính sách phù hợp để đoàn viên, CNVC, LĐQP yên tâm đầu tư phát triển kinh tế gia đình, nhất là chính sách về đất đai, hỗ trợ vốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình” thiết thực, hiệu quả không chỉ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” mà còn là phong trào cách mạng cụ thể nhằm tiếp nối truyền thống đội quân chiến đấu; đội quân công tác; đội quân lao động sản xuất của quân đội ta và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trung tướng Đào Duy Minh - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị