QĐND - Nhiều người dân xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam biết và kể về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tường (ở thôn Bình Túy) với lòng kính trọng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ đã 3 lần tiễn đưa những người con của mình đi chiến đấu và các con của mẹ đã anh dũng hy sinh. Giờ đây, ở tuổi 95, mẹ là biểu tượng của đức hy sinh, lòng nhân ái, là tấm gương sáng về niềm tin, ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống...
 |
Phóng viên, nhân viên Báo Quân đội nhân dân thăm hỏi, trao quà của Ban biên tập báo tặng mẹ Tường.
|
Sáng 25-7, từ TP Đà Nẵng, chúng tôi về thăm mẹ Tường trong cái nắng nóng gay gắt đất miền Trung. Bà con xóm giềng đã quen với mùi hương trầm luôn tỏa ra thơm ngát từ ngôi nhà nhỏ của mẹ. Chiều chiều, cứ dịu nắng, mẹ Tường lại gắng ngồi dậy, hướng mắt về phía Bàu Bàng như ngóng đợi những người con yêu quý trở về. Hễ có người đến là mẹ lại hỏi: “Thằng Tường về đấy hả? Lượng đấy hả con, sao đi lâu quá vậy?”.
Tuổi già hay lẫn, cũng là lẽ thường, nhưng với mẹ Tường thì hình ảnh của những người con vẫn hiện về mồn một; từ giọng nói sang sảng của Tường, dáng đi tất bật của Lượng, đến cái tính hay lam hay làm của con Loan… Chị Nguyễn Thị Liên, con gái của mẹ, kể: "Thời kỳ chống Mỹ, mẹ tôi hai lần bị địch bắt giam tại nhà tù Cây Sanh và nhà lao Quảng Tín (Tam Kỳ). Bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng mẹ vẫn kiên quyết không khai báo. Ra tù, mẹ lại hăng hái tham gia công việc đoàn thể. Ba tôi tập kết ra Bắc, mẹ tôi ở lại quê nhà tần tảo nuôi các con khôn lớn và tham gia hoạt động trong lòng địch. Ban ngày mẹ tảo tần lo lắng công việc gia đình; đêm về mẹ lại lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật. Anh chị em chúng tôi đều chăm ngoan, hiếu thảo, lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của đồng chí, đồng bào và đều tham gia hoạt động cách mạng...".
Một ngày cuối năm 1965, mẹ lặng đi khi hay tin con dâu cả là nữ y tá Trương Thị Loan bị giặc bắt khi chị đang mua thuốc về chăm sóc cán bộ. Chúng đánh đập, tra tấn dã man, không khai thác được gì, chúng xả súng bắn chết chị ngay thị trấn Hà Lam (Quảng Nam). Lúc chị Loan hy sinh, con trai đầu của chị là Nguyễn Quang Minh mới hơn 2 tuổi, còn con gái Nguyễn Thị Thu chưa đầy 3 tháng tuổi. Thời gian này, anh Nguyễn Quang Tường (chồng chị Loan) đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Con dâu hy sinh, mẹ đón hai cháu về nuôi. 5 năm sau, anh Nguyễn Quang Tường cũng hy sinh khi về cơ sở lấy lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho đồng đội.
Đau đớn như đứt từng khúc ruột, tưởng rằng mẹ không vượt qua được sự mất mát quá lớn, nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, mẹ đã đứng vững. Vết thương lòng chưa kịp nguôi ngoai thì năm 1970, Nguyễn Quang Lượng, người con trai thứ của mẹ lại ngã xuống ngay trên mảnh đất anh trai vừa hy sinh chưa đầy một năm, khi tuổi đời còn rất trẻ.
Biến đau thương thành hành động, giữa sự vây ráp, lùng sục của quân thù, mẹ vẫn bí mật đào hầm nuôi giấu, che chở bộ đội, cán bộ cách mạng; trực tiếp vận chuyển vũ khí và vận động bà con tiếp tế cho bộ đội giết giặc, trừ gian.
Ngày Quảng Nam hoàn toàn giải phóng, hai con trai và người con dâu thảo hiền của mẹ mãi mãi không về. Quê hương trong thời kỳ khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh với bao thử thách, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Là cán bộ Hội Phụ nữ xã, mẹ tích cực vận động bà con vào HTX nông nghiệp, hăng hái tham gia sản xuất, khuyên bảo những người lầm đường, lạc lối ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của cách mạng. Mẹ gần gũi chị em một thời lầm lỡ, chỉ bảo cho họ cách làm ăn sinh sống, nhờ vậy tệ nạn xã hội trên địa bàn từng bước được đẩy lùi. Trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ Tường trực tiếp giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Bằng tấm lòng nhân hậu, bao dung, mẹ đã giảng giải điều hay lẽ phải, thuyết phục nhiều thanh niên hư hỏng trở thành người có ích.
Từ năm 1999, vết thương cũ tái phát, mẹ Tường ốm nặng, mấy tháng sau thì mắt mờ hẳn. Kinh tế khó khăn, mẹ Tường đau ốm triền miên, nhưng được con gái Nguyễn Thị Liên rất quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng. Thời chiến tranh, chị cũng tham gia hoạt động cách mạng, là đảng viên; những năm sau, vì mải lo chăm nuôi mẹ, nên chị ở vậy không lập gia đình. Những năm gần đây, mắt mẹ không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng đôi tai của mẹ vẫn còn nghe rõ, trí nhớ của mẹ vẫn khá tốt.
Khi các phóng viên, nhân viên Cơ quan Thường trực miền Trung-Tây Nguyên, Báo Quân đội nhân dân đến thăm, trao quà của Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân tặng mẹ nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ, đôi vai gầy của mẹ rung lên. Đêm ngày, mẹ vẫn như thấy bên mình những đứa con thân yêu, dù biết mãi mãi các con không trở về. Mẹ cũng rất vui khi được Báo Quân đội nhân dân nhận phụng dưỡng suốt đời, hôm nay lại được nhận quà nhân dịp ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Chị Nguyễn Thị Liên cho biết: "Sức khỏe của mẹ đã yếu lắm rồi. Rất mong có đơn vị, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ xây tặng mẹ ngôi nhà tình nghĩa, bởi ngôi nhà này mẹ xây từ năm 1979, nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Mỗi khi có mưa gió, phải đưa mẹ sang nhà hàng xóm tránh trú. Các khoản tiền trợ cấp, phụng dưỡng… chỉ đủ thuốc thang cho mẹ, nên gia đình không có điều kiện làm nhà mới".
Bài, ảnh: PHAN TIẾN DŨNG