QĐND - Hội viên phụ nữ ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) thường nói với nhau: “Phía sau thành công của chị em mình có một phần không nhỏ công sức của các đấng phu quân…”. Chẳng quá chút nào, bởi những người chồng từ lâu đã trở thành "hậu phương" vững chắc, tạo cơ hội lớn để các chị có cơ hội phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ…
Thăng hoa trên sân khấu
Một người mẹ kế chua ngoa, lý lẽ ngang ngược, hành xử thô bạo với con riêng của chồng khiến mọi người bất bình căm phẫn. Một cô con gái riêng của chồng chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng, không dám trái lời làm mọi người se sắt lòng thương cảm. Một người cha nhu nhược, bất lực trước mọi việc làm sai trái của người vợ kế khiến mọi người coi thường, lên án. Và một người cán bộ hội biết phân tích điều hơn lẽ thiệt, thấu tình đạt lý khiến mọi người thán phục… Chỉ qua 7 phút diễn xuất trên sân khấu, nhưng các “diễn viên” đến từ Hội Phụ nữ cơ sở (PNCS) Nhà máy Z173 đã nhập vai khá tốt, đưa khán giả đi hết từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác qua phần thi xử lý tình huống thông qua tiểu phẩm “Dì ghẻ” tại Hội thi cán bộ phụ nữ và tuyên truyền viên giỏi Tổng cục CNQP.
Những cô thợ sơn, thợ máy, phụ trách nấu ăn… của Nhà máy Z173 thường nhật hôm nay lại thật mềm mại, duyên dáng trong trang phục ngày hội, ánh mắt long lanh, nụ cười tinh nghịch với những động tác uyển chuyển, đầy quyến rũ trong vũ điệu “Sắc xuân” của phần thi năng khiếu làm Ban giám khảo và khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu...
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/Nước mô xanh bằng dòng nước sông La/Ai về Hà Tĩnh mà… quê ta…” - giai điệu mượt mà, sâu lắng của bài hát “Người con gái sông La” do Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Hiếu đến từ Hội PNCS Kho K752 cất lên làm bao con tim thổn thức. Lời bài ca da diết, khắc khoải về người con gái Hà Tĩnh anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, kiên cường trong thiên tai bão lũ. Nghe đâu đó còn cả dư âm cơn đại hồng thủy nhấn chìm bao làng mạc, nhà cửa của người dân miền Trung trong cơn bão số 10 và số 11 vừa qua làm mọi người thấy nao lòng…
Chứng kiến những phần thi trên, khán giả trầm trồ, thán phục tài năng của những hội viên phụ nữ ngành CNQP. Hằng ngày, mỗi chị đảm nhiệm một phần việc, có những công việc vô cùng nặng nhọc, vất vả, độc hại và nguy hiểm, thế nhưng bước lên sân khấu ai cũng toát lên vẻ dịu dàng, duyên dáng và tài năng. Đại tá Nguyễn Ích Hạnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục CNQP cho biết: “Sau những ngày tập luyện vất vả, bức tranh nghệ thuật mà chị em mang đến hội thi thật sinh động, đa dạng. Đây sẽ là những hạt nhân tiêu biểu để xây dựng phong trào hoạt động của các tổ chức hội ở cơ sở”.
 |
Điệu múa “Sắc xuân” do Hội Phụ nữ Nhà máy Z173 thể hiện.
|
Hậu phương góp sức
Để có những tiết mục sinh động, thu hút trên sân khấu, chúng tôi hiểu các chị đã phải thu xếp khoa học việc nhà, việc đơn vị và hơn cả là sự ủng hộ, giúp đỡ của những người chồng. Thiếu tá Hoàng Thị Thu Phương, Trưởng ban Phụ nữ Tổng cục CNQP chia sẻ:
- Do các đơn vị của Tổng cục CNQP đóng quân phân tán, nên tổ chức hội thi ở miền Bắc thì các chị ở miền Trung, miền Nam phải thu xếp công việc rất nhiều mới yên tâm có mặt tham dự và ngược lại. Và những ngày này thì các ông chồng sẽ phải gánh thêm trọng trách làm mẹ trong mỗi gia đình.
Để hiểu thêm "vai trò" của những người chồng khi các bà vợ vắng nhà, tôi tìm gặp Trung úy QNCN Dương Thị Linh, Phó chủ tịch Hội PNCS Kho K752. Chị Linh tâm sự:
- Để tham gia được hội thi lần này, sau nhiều đêm bàn thảo, vợ chồng tôi quyết định gửi một cậu con về nhờ ông bà ngoại chăm sóc giúp. Cậu con trai thứ hai tôi "giao" cho ông xã trông nom. Hai cháu sinh đôi, nên nếu để mình ông xã đảm trách cũng khá vất vả, lại còn công việc của đơn vị. Tôi khá yên tâm với khả năng nuôi con của ông xã vì đã được "thử thách" qua thời kỳ tôi sinh hai cháu.
Và những ngày diễn ra hội thi, anh luôn là người chủ động gọi điện thoại thông báo tình hình ở nhà và động viên chị cố gắng tham gia thi tốt. “Không ai nghĩ rằng, hồi mới lấy nhau, tôi nhờ nấu cơm anh ấy còn loay hoay hỏi đổ nước như thế nào. Giờ thì mọi việc đều đâu vào đấy” - chị Linh bộc bạch.
Trường hợp Lê Thị Huệ, Phó chủ tịch Hội PNCS Nhà máy Z173 cũng trong hoàn cảnh như vậy. Vợ chồng chị Huệ công tác tại Nhà máy Z173, công việc bận rộn, hai con còn nhỏ. Tưởng rằng chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và chăm sóc gia đình sẽ chiếm hết quỹ thời gian ít ỏi của chị. Thế nhưng nhờ có sự trợ giúp đắc lực của đấng phu quân nên chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và còn là hạt nhân không thể thiếu trong các hoạt động phong trào thi đua của Nhà máy, của Tổng cục.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ: Tâm lý chung của phần lớn chị em luôn dành nhiều thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái. Vì vậy, khi có sự đồng cảm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ từ “hậu phương”, chị em hoàn toàn tự tin đảm nhiệm tốt mọi công việc chuyên môn và hăng hái tham gia các hoạt động phong trào.
Kết thúc hội thi, chia tay với ánh đèn sân khấu, tôi lại nghĩ đến những lời tâm sự của chị Huệ: “Chị em chúng tôi không chỉ luôn rạng rỡ trên sân khấu mà cả trong cuộc sống hằng ngày. Bởi chúng tôi có hậu phương vô cùng tuyệt vời”…
Bài và ảnh: KIM ANH