Tuổi thơ tôi đã đi qua bao nhiêu cái rét nàng Bân với rất nhiều kỷ niệm. Khi lớn lên, tôi xa quê nhà, vào lập nghiệp tại phương Nam đầy nắng. Chính vì vậy mà trong tôi luôn nao lòng thèm một chút lạnh của mùa đông phương Bắc.

Ngày còn nhỏ, nhà nghèo, nên bọn trẻ ở làng chúng tôi rất sợ mùa đông, mặc bao nhiều quần áo cũng không đủ để chống lại cái lạnh. Ngay cả rét nàng Bân chúng tôi cũng không thích, vì những đợt rét này thường rơi vào giai đoạn khi trời đã chuyển nắng ấm, tự dưng lại có một đợt lạnh đột ngột tràn về, nên đứa nào đứa ấy lại phải lo sửa soạn quần áo ấm để mặc. Tôi còn nhớ, thông thường qua Tết một thời gian, mẹ vẫn mang giặt, phơi tất cả quần áo ấm của cả nhà, rồi gấp gọn cho vào bao treo lên, đợi mùa đông sau sẽ mang xuống dùng. Cả chăn mền cũng đều được giặt, phơi và xếp gọn trên kệ, trong tủ. Rét nàng Bân tới, mẹ không bỏ quần áo lạnh, chăn ra dùng. Mẹ nói với chúng tôi: “Rét thoáng qua là trời lại ấm lên thôi”. Rồi mẹ kể cho chúng tôi nghe sự tích về cái rét nàng Bân: Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng. Nàng rất chậm chạp, nhưng tốt tính, thương yêu chồng. Thấy mùa rét đến, nàng đan áo cho chồng. Nhưng do nàng chậm chạp nên gần giữa mùa xuân áo mới hoàn thành. Trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng Bân mặc áo.

Mẹ thường động viên mấy anh chị em chúng tôi: “Nhà mình nghèo, không có tiền mua quần áo ấm, nên mẹ cố gắng đan len để các con được mặc ấm. Mai mốt có tiền mẹ sẽ mua cho các con nhiều quần áo đẹp…”. Rét nàng Bân về, mẹ tôi thường dùng rơm lót thêm dưới chiếu làm nệm để các con ngủ cho ấm. Nhà tranh vách đất gió lùa tứ phía, mẹ và cha tôi dùng giấy báo, manh chiếu che kín những khe hở chặn gió.

Tháng ba về, sống giữa thành phố phương Nam ngập tràn nắng, tôi lại nhớ mẹ, nhớ cha và thèm được hòa mình trong cái lạnh của rét nàng Bân quê nhà, bởi ở đó tôi được trở về với vô vàn kỷ niệm của một thời ấu thơ lam lũ, vất vả nhưng rất đẹp và đáng nhớ…

THẠCH NGỌC BÍCH