QĐND - Mỗi lần được nghe những ca từ mà một nhạc sĩ đất Quảng nói hộ nỗi niềm người xa xứ: “Về lại sông Trà về với quê hương, mà bao tháng năm tôi đi xa, rồi bao thương nhớ tôi lại về. Nhớ con sông Trà hiền hòa mến thương…” lòng tôi lại nôn nao nỗi nhớ quê nhà!

Tuổi thơ bên dòng sông Trà. 

Quê tôi nằm bên dòng sông Trà hiền hòa. Tuổi thơ tôi gắn liền với kỷ niệm bên dòng sông ngan ngát phù sa ấy. Trời phú cho sông Trà lắm cá, nhiều tôm nên từ bao đời mang đến cho người dân quê tôi miếng cơm, manh áo. Và có lẽ “đặc sản” quý nhất mà dòng sông mang lại là cá Bống sông Trà. Cá chỉ bé như đầu đũa, nhưng rim mặn hoặc kho tiêu thì ngon đến lạ kỳ. Ai may mắn một lần được thưởng thức cá bống kho tiêu, mới cảm nhận hết hương vị mặn mòi tình sông nước. Bởi thế, ca dao có câu: “Em đi em nhớ quê nhà/Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”.

Cá bống sông Trà là đặc sản, nên giá trị kinh tế cũng khá cao. Để phụ giúp cha mẹ, lũ trẻ làng chài “tinh ranh” hái dây muống biển, kết vỏ lon sữa, lon bia làm “lưới” quay bắt cá bống sông Trà. Cứ đến mùa nước cạn, lũ chúng tôi năm, bảy đứa đội nắng, ngược sông vài cây số để "hành nghề" đến tận chiều tối thì tậu về độ ba bát cá bống đầy. Mỗi bận "bội thu" mang cá về khoe, mẹ thường xoa đầu khen ngợi: "Thằng lớn thật là ngoan,". Nhưng rồi mẹ tôi ngoảnh mặt đi và giấu tôi ánh mắt đang ngân ngấn lệ.

Lớn lên, xa quê hương, mỗi bận được về bên dòng sông, tôi lại tung tăng cùng đám trẻ nô đùa, vùng vẫy. Tôi chạy dọc mép nước, xua đàn bống bơi về hướng các em đang quay lưới. Những buổi trưa lặng gió, tôi thích cái cảm giác được cùng cha buông cần, thi thoảng câu được con bống to to, cha tôi khen: "Thằng lớn đi lâu mà nghề xưa vẫn rành !".

Trước lúc lên đơn vị, mẹ luôn cẩn thận gói mấy lọ cá bống kho tiêu rồi dặn đi dặn lại: “Con nhớ mang đặc sản sông Trà ra ngoài nớ, đặng anh em trong đơn vị thưởng thức... gọi là quê hương có chút quà”.

Rồi những chuyến tàu đưa tôi xa dần miền quê nghèo khó, lòng người lính nao nao câu hát ân tình: "Ôi quê hương muôn đời vẫn đẹp, cho mỗi lần về và mỗi chuyến đi xa."

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Hiệp