Vợ chồng chị Lâm Dươn trên đầm cá của mình nơi đất Bắc.

Sau 32 năm không tin tức, thương binh Vũ Chí Linh đã tìm được về quê cha, đất tổ (khu Phú Thanh Đông, phường Yên Thanh, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Hành trình trở về của anh Linh chẳng khác gì một huyền thoại. Qua chị Lâm Dươn (vợ anh Linh), người gốc Khơ-me ở ấp 7, phường 2, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng chúng tôi được biết:

Năm Dươn 16 tuổi, thấy ba mình cầm tay một người lạ mặt, lem luốc vận cái áo cộc cùng chiếc quần đùi nhuộm đầy đất vào nhà, chị ngỡ ngàng hỏi ba: “Ảnh là ai, ba?”. Ba chị thủng thẳng: “Là ai ba chưa hay, chỉ biết nhà mình phải cứu giúp người lạc đường!”.

Người lạc đường ấy là anh bộ đội Vũ Chí Linh, nhập ngũ năm 1972 vào Nam chiến đấu, đến ngày giải phóng miền Nam thì bị thương và mất trí nhớ. Sau đó anh bị lạc đơn vị, trôi dạt về Sóc Trăng cho đến khi gia đình chị Dươn cưu mang.

Từ ngày nhà có “khách quý”, ngoài công việc gia đình, Dươn phải giúp đỡ Linh. Không nề hà, từ tắm gội, cho ăn uống đến việc đi khắp chốn tìm mua đủ mọi thứ thuốc an thần về chữa chạy cho Linh. Ngày tháng trôi đi, năm Dươn 19 tuổi, vào một chiều thu, đúng lúc chị đưa bát thuốc cho Linh uống, chẳng rõ tại ai, bát thuốc rớt khỏi tay rơi xuống sàn nhà, cả hai nhìn nhau đều như muốn nhận lỗi về mình. Bắt đầu từ đây Dươn đem lòng yêu Linh. Biết chuyện, ba Dươn bảo con gái: “Con yêu nó mà chẳng hay biết cha mẹ, quê quán nơi đâu, sau này có sao đừng ân hận!”. Chị van xin ba mình: “Con thương anh ấy, nếu chẳng may gặp điều ân hận con cũng cam lòng!”.

Điều kỳ diệu ngoài sự mong đợi đã xảy ra, từ khi tình yêu của chị đặt vào Linh thì Linh bắt đầu tỉnh dần lại, có những cảm nhận mới mẻ rõ rệt, nhiều việc Linh tự làm lấy được. Ăn cơm, Linh đã biết gắp miếng ngon bỏ vào bát Dươn. Có lúc Linh mạnh dạn tìm gương lược đưa cho Dươn chải tóc. Dươn lân la hỏi quê quán Linh, Linh trả lời nhát gừng: “Quê Hà Nội, Quảng Ninh. Ờ, không, Quảng Ninh, Hà Nội!”. Trong đầu chị lúc này nảy ra ý định: Đưa Linh về đất Bắc tìm lại quê hương. Rồi niềm hạnh phúc ngọt ngào đang “cựa quậy” trong lòng càng thôi thúc Dươn tìm về quê nội của giọt máu đang lớn dần trong cô. Thấy đường trường xa xôi, lại chưa đi xa bao giờ, ba chị ái ngại nói: “Để nó về trước tìm quê, con về sau cũng chưa muộn!”. Một lần nữa chị lại xin ba: “Cho chúng con về cả, nếu gặp điều chẳng may thì cùng chịu, kẻ ở, người về, bụng con hết chịu nổi ba ơi!”.

Việc nhà ổn định, chị bắt xe khách từ Sóc Trăng ra Hà Nội mất đúng 3 ngày 2 đêm, tới trọ tại bến xe Gia Lâm. 5 giờ sáng hôm sau, chị hỏi một chủ xe có biển đề lộ trình Hà Nội-Quảng Ninh: “Xe bác có đi Quảng Ninh cho chúng cháu đi?”. Chủ xe bảo đi ngay giờ này. Khăn gói lên xe rồi nhưng lòng chị không khỏi lo, đến đất Quảng Ninh biết nhà anh ở làng, bản nào mà tìm. Song, hình như chị đã làm phúc thì đời cũng đưa lại cái phúc cho chị. Khi xe chớm thị xã Uông Bí, người chủ xe hỏi chị: “Đây là đất Quảng Ninh, anh chị xuống xe hay còn đi tiếp?”. Chị đánh liều cùng chồng con xuống xe mạnh dạn hỏi bâng quơ những người lái xe ôm: “Các bác có biết nhà chị Tề, anh Thiệu (chị gái, anh rể của Linh) ở đâu không?”. Một bác xe ôm reo lên: “Nhà bà Tề và ông Thiệu ở cạnh nhà tôi, anh chị lên xe ôm tôi chở về tận nhà!”. Lúc này trái tim chị rung lên những nhịp đập hối hả. Dừng xe trước ngõ nhà chị Tề và anh Thiệu, người lái xe ôm gọi với vào: “Bà Tề, ông Thiệu ra nhận người nhà!”. Vì vóc dáng Linh thay đổi quá nhiều, anh Thiệu không nhận nổi đó là em vợ mình. Chỉ đến khi nhìn thấy bé trai, con của Linh và Dươn có đôi mắt hệt mắt Linh ngày trước, anh Thiệu mới reo lên: “Linh đã về, ôi em tôi còn sống đã về bà con ơi!”. Sóng điện thoại bay đi khắp nơi, chẳng mấy chốc cả nhà Linh ở khu Phú Thanh Đông cùng bà con đã quây quần sum họp, mừng mừng tủi tủi, mọi người ôm chầm lấy gia đình Linh trong hàng nước mắt giàn giụa đón người con của mình sau 32 năm mất tích trở về. Còn mẹ Linh thì tất tả lên tỉnh xin cắt chế độ liệt sĩ cho anh.

Tấm lòng nhân nghĩa của gia đình Dươn, tình yêu đơn sơ mà thắm nồng của người con gái Khơ-me đã dệt nên tấm thảm hạnh phúc trải suốt cuộc đời anh thương binh Vũ Chí Linh. Và trong câu chuyện lúc thanh nhàn của người Phú Thanh Đông hôm nay, tôi vẫn thường được nghe bà con “khơi lại” và kể tiếp về cuộc sống hạnh phúc của gia đình anh. Những lúc ấy, tôi như thấy được một luồng sinh khí ấm áp, làm dịu lại nhịp sống đang hối hả từng giờ…

Bài, ảnh: Đinh Quang Huy