QĐND - Ông đi đôi ủng lao động lấm đầy bùn đất, bước lộp cộp vào ngôi nhà mới, nền lát gạch hoa, rộng gần 60m2 do cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần (Bộ Tổng tham mưu) vừa xây tặng. Ông cứ đi vậy, mãi đến khi người con trai nói nhỏ ông như chợt nhớ ra: Căn nhà của gia đình mình hiện giờ không còn là nhà tranh tre, dột nát, lầy lội như ngày trước. Nghe con nhắc, ông mới tin rằng: Gia đình mình đã có ngôi nhà mới, không phải giấc mơ! Đó là câu chuyện mà chúng tôi ghi nhận được trong lễ bàn giao ngôi nhà tình nghĩa tặng thương binh hạng 4/4 Trương Công Mại, người dân tộc Tày, ở thôn Đoàn Kết, xã Bình Yên (Định Hóa, Thái Nguyên).

Ký ức về ngôi nhà xưa dột nát

Ngồi bệt ngay chính giữa ngôi nhà mới khang trang, tường xây kiên cố, nền lát gạch hoa, đóng trần bằng tôn lạnh, cao ráo, thoáng mát, hướng ra cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang thì con gái, ông Trương Công Mại kể cho tôi nghe về những ngày tháng vất vả của gia đình mình và tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần (Bộ Tổng tham mưu).

Ông Mại sinh năm 1948. Năm 1971, chàng trai trẻ Trương Công Mại nhập ngũ được biên chế vào đội hình Sư đoàn 304, rồi tức tốc hành quân vào Nam chiến đấu. Chiến trường khốc liệt, năm 1972 khi tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, Binh nhì Trương Công Mại trúng phi pháo của địch, bị thương nặng và được chuyển ra ngoài Bắc an dưỡng. Vết thương lành, ông chuyển ngành về công tác tại Ty Lương thực của tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Nghỉ mất sức, ông về làm bí thư chi bộ thôn, tham gia công tác hội cựu chiến binh ở xã một thời gian, rồi do sức khỏe có hạn nên ông xin nghỉ về nhà giúp vợ con làm ruộng, làm đồi.

Với 7 sào lúa nước, 5 sào đồi,  dù rất tích cực canh tác, nhưng vợ chồng ông Mại cũng chỉ đủ lo cho các con ăn ngày hai bữa. Nếp nhà sàn-của "hồi môn" do ông bà để lại không được thường xuyên tu sửa nên ngày càng xuống cấp. Do nhà quá xuống cấp, nên ông quyết định tháo dỡ, hoán vị thành ngôi nhà gỗ ba gian. Miệt mài lao động, nhưng cũng chỉ đủ lo cho các con có được những bữa ăn no, nên chưa lúc nào ông Mại nghĩ tới chuyện sửa chữa lại ngôi nhà. Vì thế, căn nhà của ông cứ ngày thêm sập sệ. Tâm sự với tôi, ông Mại nói: “Biết là khổ nhưng tôi cũng không tính được là mình phải làm thế nào, nên cứ ở vậy được ngày nào hay ngày ấy”.

Lãnh đạo Cục Hậu cần (Bộ Tổng Tham mưu) chia vui cùng gia đình ông Trương Công Mại trong ngày về nhà mới.

Tôi hỏi: “Vào mùa mưa gió, nhà dột, bệnh tình ông tái phát thì tính thế nào?”. Ông cười hiền khô nói với tôi: “Dột đến đâu, sửa đến đó, mưa to thì đưa chậu ra hứng nước. Nhưng thực lòng, tôi sợ những ngày mưa lắm! Mưa làm nền nhà ẩm ướt, khi ấy các vết thương trong người của tôi lại tái phát, đau nhức toàn thân, những lúc ấy chỉ mong sao mình được ở trong ngôi nhà gạch kiên cố, cao ráo là hạnh phúc lắm rồi”.

Tấm lòng Bộ đội Cụ Hồ

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình thương binh Trương Công Mại, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm cũng mong giúp đỡ phần nào nhưng theo ông Mai Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Bình Yên: “Vì điều kiện kinh tế trong xã còn nhiều khó khăn nên thời gian qua, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương cũng chỉ chủ yếu thăm hỏi, động viên tinh thần còn việc huy động xây tặng gia đình ông Mại căn nhà mới, thì chưa ai dám nghĩ đến, vì số tiền quá lớn”.

Những tưởng bài toán ấy khó bề giải quyết nhưng trong những lần đoàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng của Cục Hậu cần tổ chức hành quân về nguồn, chính quyền xã chia sẻ những khó khăn của mình trong việc hỗ trợ các gia đình chính sách. Nghe chuyện, lãnh đạo Cục Hậu cần cũng bày tỏ tấm lòng mong được chung tay với cấp ủy, chính quyền sẻ chia một phần khó khăn với các gia đình chính sách, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với nhân dân vùng ATK đã một thời cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ các thế hệ cán bộ của Bộ Tổng tham mưu.

Tấm lòng gặp những tấm lòng, được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Cục Hậu cần đã tự nguyện quyên góp, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh Trương Công Mại. Khi hai đơn vị thống nhất chủ trương, nhân dân trong xã góp công, Cục Hậu cần góp kinh phí, ngôi nhà nhanh chóng được dựng lên trên nền diện tích gần 60m2, với 2 phòng ngủ, một phòng khách, tường quét sơn, mái lợp tôn, trần đóng tôn lạnh, tổng kinh phí gần 120 triệu đồng (trong đó, Cục Hậu cần hỗ trợ 60 triệu đồng, số còn lại do gia đình tự quyên góp).

Kể lại cho tôi nghe về quá trình xây dựng nhà tình nghĩa tặng thương binh Trương Công Mại, ông Mai Văn Thu, nói: “Quá trình xây dựng, lãnh đạo, chỉ huy Cục Hậu cần thường xuyên lên kiểm tra chất lượng công trình. Từng viên gạch, từng bao xi măng, tấm tôn đều được các đồng chí kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng mới cho phép tiến hành xây dựng. Nghĩa cử này, gia đình ông Mại và bà con xã Bình Yên chúng tôi cảm kích lắm. Quả thật, chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới chu đáo, tận tình với nhân dân đến thế!".

Cầm tay chúng tôi như nhắn nhủ đôi lời trước lúc ra về, ông Trương Công Mại nói trong niềm xúc động: “Thêm một tấm lòng hảo tâm là bớt đi một gia đình chính sách khó khăn. Tôi mong sao sẽ có nhiều gia đình hơn nữa được hưởng hạnh phúc trong ngôi nhà tình nghĩa như gia đình tôi hôm nay".

Bài và ảnh: DUY THÀNH