QĐND - Đóng quân trên địa bàn sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, tích cực hưởng ứng Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng nhiều xã nông thôn đạt chuẩn. Diện mạo nông thôn đang thay da đổi thịt từng ngày. Chính từ đây, niềm tin của nhân dân vào Bộ đội Cụ Hồ càng thêm vững chắc, góp phần củng cố thế trận lòng dân nơi miền Tây sông nước.
Nhiều cách làm sáng tạo
Địa bàn đóng quân của Quân khu 9 có cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và mặt bằng dân trí thấp so với một số vùng trong cả nước. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, để chung sức giúp dân xây dựng thành công các tiêu chí về nông thôn mới (NTM), ngay từ khi xây dựng phong trào, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã xác định cần phải có nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện tình hình cụ thể để góp phần phối hợp với địa phương thực hiện tốt, bảo đảm hoàn thành các tiêu chí NTM, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Dân vận Quân khu 9 cho biết: Dưới sự chỉ đạo của các cơ quan quân khu, các đơn vị trực thuộc đã ký kết tham gia xây dựng NTM trên tất cả 5 nhóm nội dung. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị trong quân khu đã cơ bản hoàn thành các nội dung ký kết với địa phương theo kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, phát huy được vai trò của lực lượng vũ trang quân khu.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS thành phố Cần Thơ giúp dân xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HỒNG HIẾU. |
Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh là một trong những đơn vị tạo ấn tượng đặc biệt trong phong trào xây dựng NTM. Chỉ sau hơn 2 năm, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có 12 trong số 17 xã mà đơn vị tham gia ký kết hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM. Còn lại 5 xã thì hầu hết đã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí. Điều này có được nhờ cách làm đặc biệt của Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh. Đơn vị đã chú trọng xây dựng những hạt nhân của phong trào. Đầu tiên là phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng những hộ gia đình NTM mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ, lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên trên địa bàn. Trong các khóa huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh lồng ghép vào giảng dạy về công tác xây dựng NTM tạo hạt nhân tích cực cho phong trào khi về cơ sở. Từ đó đơn vị mới bắt tay vào xây dựng đồng bộ từng tiêu chí và huy động ngày công của cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với lực lượng tại chỗ xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay đơn vị đạt chỉ tiêu hoàn thành xây dựng NTM cao nhất trong toàn quân khu.
Cũng là đơn vị được đánh giá triển khai khá hiệu quả các mô hình xây dựng NTM, Bộ CHQS thành phố Cần Thơ đã thông qua việc huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng NTM. Ngay sau khi ký kết với các địa phương, đơn vị tiến hành khảo sát từng tiêu chí, đồng thời xác định làm đến đâu hoàn thành đến đó chứ không dàn trải. Từ đây, đơn vị tiến hành phối hợp cùng địa phương vận động các nguồn tài trợ và đầu tư trực tiếp thực hiện từng hạng mục công trình. Chỉ sau hơn 2 năm, đến nay, Bộ CHQS thành phố Cần Thơ đã giúp các địa phương hoàn thành phần lớn tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó đặc biệt có xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh đã bảo đảm 19/19 tiêu chí NTM. Ngoài ra xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (xã nghèo nhất của thành phố), ban đầu chỉ có 3 tiêu chí, sau 2 năm ký kết xây dựng, đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Trong đó Bộ CHQS thành phố đã huy động các nguồn lực xây dựng 1 trường mầm non trị giá 10 tỷ đồng, xây dựng hệ thống cầu cống, giao thông nông thôn trên địa bàn toàn xã, xây mới 2 nhà thông tin, 7 căn nhà Chữ Thập đỏ với số tiền hàng trăm triệu đồng...
Không có thế mạnh như các địa phương, nhưng Lữ đoàn Thông tin 29 lại được Bộ tư lệnh Quân khu 9 tin tưởng giao làm điểm trong công tác xây dựng NTM. Qua hơn 2 năm, đến nay, đơn vị đã giúp xã Vĩnh Viễn (một xã vùng sâu của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) trở thành xã đạt chuẩn xây dựng NTM. Về cách làm của đơn vị, Đại tá Nguyễn Đình Thi, Chính ủy Lữ đoàn 29 chia sẻ: “Sau khi nhận nhiệm vụ Bộ tư lệnh quân khu giao, chúng tôi xác định cần có cách làm riêng để đạt được mục tiêu đề ra. Kết hợp với hành quân huấn luyện, đơn vị đã tổ chức được 4 đợt hành quân với gần 300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng hàng nghìn ngày công lao động. Thông qua việc đề ra những kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí, chúng tôi thực hiện từng bước một”.
Dấu ấn nghĩa tình quân - dân ở vùng nông thôn mới
Bước trên những con đường bê tông được xây dựng từ những bàn tay của Bộ đội Cụ Hồ, ngắm nhìn những căn nhà khang trang đỏ tươi ngói mới, màu của niềm tin vào tương lai tươi sáng…, bà con các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ai cũng rạo rực niềm vui bởi quê hương đang thay đổi từng ngày. Những gương mặt rạng ngời của người dân xã Vĩnh Viễn trong ngày xã được công nhận đạt chuẩn NTM như thổi bừng lên sức sống của vùng đất vùng sâu, vùng xa. Xã Vĩnh Viễn từ đây đã là xã NTM!Và ở đó, dấu ấn của những công trình thắm đượm nghĩa tình quân-dân đang hằng ngày giúp bà con vươn lên với đời sống mới.
 |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sóc Trăng đào đắp kênh mương, giúp dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thế Hiển. |
Ông Trần Thanh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn hồ hởi chia sẻ: “Với sự giúp đỡ của các đơn vị Quân khu 9, đặc biệt là bộ đội Lữ đoàn Thông tin 29, trong những năm qua, xã đã có thêm nhiều công trình mới phục vụ đời sống, lao động sản xuất của người dân. Nhân dân địa phương ai cũng phấn khởi với đời sống mới được tạo nên từ sự chung tay góp sức của Bộ đội Cụ Hồ. Những gì bộ đội làm đã để lại dấu ấn trên quê hương chúng tôi và góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân-dân”.
Thiếu tướng Phạm Văn Chua, Phó chính ủy Quân khu 9 cho biết: Qua hơn 2 năm thực hiện phong trào, đến nay, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã ký kết tham gia xây dựng NTM với gần 200 xã, có 38 xã trong chương trình ký kết đã đạt chuẩn và được công nhận xã NTM. Điều đó đóng góp tích cực vào việc tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ những kết quả của phong trào, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, mối quan hệ đoàn kết quân-dân, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội”.
Một điều hết sức đặc biệt trong phong trào xây dựng NTM ở Quân khu 9, đó là các công trình đã được quân và dân chung tay xây dựng, người dân nơi đây thường gọi với cái tên thân thương, trìu mến. Đó là con đường quân đội, là con đê mang tên một đơn vị, hay một nhà trường được gọi tên Bộ đội Cụ Hồ… Dù có hay không những tấm biển đề tên thì những tên gọi ấy như một tình cảm thiêng liêng, sống động truyền từ người này sang người khác, trở thành minh chứng cho niềm tin, tình cảm cá nước quân-dân. Và chính những công trình này đang góp phần thay đổi diện mạo NTM, thay đổi đời sống của nhân dân, từ đó góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thế trận lòng dân nơi miền Tây sông nước.
TRẦN DUY VĂN